Tấn công Huế trong Tết Mậu thân 1968 diễn ra như thế nào

Tấn công Huế trong Tết Mậu thân 1968 diễn ra như thế nào
Trong đêm đầu xuân mưa bay, giá lạnh và sương mù, một đòan người áo đen, quần cộc, dép cao su, từ trong rừng đi ra, vượt qua sông, qua làng, không một tiếng động, lặng lẽ tiến vào thành phố Huế bằng tất cả các ngõ đường, các cửa ô.
Tấn công Huế trong Tết Mậu thân 1968 diễn ra như thế nào ảnh 1
Ảnh tư liệu TTXVN

Đó là những hình ảnh đã làm nên sự kiện lịch sử chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968. 40 năm trôi qua nhưng chiến công oanh liệt ấy vẫn mãi mãi âm vang như một dấu son của lịch sử quân sự Việt Nam.

Cho đến nay, công việc đánh giá tổng kết về sự kiện Mậu Thân ở Huế vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong các lĩnh vực chuyên môn; về khoa học quân sự, chính trị. Nhưng dù thế nào đi nữa thì lịch sử vẫn ghi đậm những hy sinh của cả lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Huế - những người con thành cổ đã cống hiến hết sức mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc.

Được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Mậu Thân, chúng tôi đã đưa 200 khẩu súng ngắn và chất nổ C4 vào bên trong thành phố. Nhà của nhiều người dân được dùng để chứa vũ khí, tất nhiên nếu chúng biết được thì gia đình họ chắc chắn phải chịu cảnh “tan nhà, nát cửa''.

Vũ khí được đưa vào bằng xe lam, bằng các gánh hàng trái cây; còn AK thì dấu dưới những chiếc thuyền hai đáy. Tiến vào Mậu Thân, những con thuyền chở vũ khí vào Huế từ nguồn sông Bồ qua ngã Ba Sình, từ Dương Xuân Hạ xuống, từ Phú Vang lên, hoặc từ chợ Tài Ba vào để kịp thời trang bị cho bên trong.

Khâu cuối cùng trong nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường của chúng tôi là chuẩn bị đường hành quân. Người ta có thể hình dung tính chất quan trọng và phức tạp trong cái công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng này: Làm sao để đưa được bốn – năm ngàn con người vận động trên một địa hình hẹp và trong đêm tối như mực, vượt qua làng mạc nằm trong vành đai phòng thủ của địch, để tới tận mục tiên chiến đấu.

Việc tổ chức đường hành quân và cả người dẫn đường từ trong rừng ra vùng ráp ranh, từ ráp ranh về đồng bằng, rồi băng qua đồng bằng để tới mục tiêu, tất cả đều phải chia ra nhiều đọan đường. Mỗi đoạn đều có một người dẫn đường riêng, không thể giao cho một người từ đầu đến cuối, vì lỡ trước đó họ bị bắt thì cũng chỉ biết rằng đã dẫn một đoàn cán bộ đi công tác từ làng này qua làng khác.

Mỗi hướng chính lại rẽ ra nhiều mũi, mỗi mũi phải chuẩn bị hai con đường để phòng khi địch chốt đường này thì còn có đường khác. Phải nghiên cứu trước từng đoạn đường hành quân bằng cách đi thử: Chó sủa, lội sông và cố tránh lội ruộng để khỏi hư lúa mới cấy.

Kinh nghiệm cho biết mỗi khi chó sủa rộ lên vùng nào thì địch đều bắn pháo sáng lên và cho máy bay quan sát tới đó. Do đó, việc chuẩn bị đối phó với chó phải hết sức đảm bảo: Suốt bảy đêm đó phải chọc cho chó sủa liên miên suốt từ 11 giờ đêm đến 4 gìơ sáng để địch quen lệ, nhưng đúng đến đêm hành quân thì lại phải thuốc chó để chúng ngủ im.

Tưởng như chỉ là người liên lạc thường thôi, những người dẫn đường trong Mậu Thân 1968 cực kỳ quan trọng. Do đó, chính các Bí thư huyện ủy phải đích thân dẫn đường, các mũi phụ thì do Bí thư bố trí và phải chịu trách nhiệm trước tổ chức.

Một yếu tố có tính chất sống còn để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch Mậu Thân, là một kế hoạch bảo mật hoàn chỉnh đến tuyệt đối, từ đầu cho đến tận giờ nổ súng. Kỷ luật bảo mật chặt chẽ ngay từ trong phòng họp: Cán bộ lãnh đạo ghi chép phát biểu ý kiến xong đều phải để lại sổ sách, không được mang theo một mảnh giấy, tất cả chỉ được ghi nhớ bằng bộ óc mà thôi.

Công việc cận chuyển lương thực cho chiến dịch từ đồng bằng lên rừng đã bắt đầu từ trước Tết hàng tháng, nhưng ta đã đánh lừa được địch bằng một mệnh lệnh nghi trang là “Tích cực chuẩn bị cho bộ đội ăn Tết mừng chiến thắng”.

Các đơn vị tập dượt đánh các mục tiêu ở Huế đều không chọn người địa phương ra, chỉ lấy người ở quê xa tới để họ không biết mục tiêu gì, ở đâu. Mọi người đều phải tập dượt rất công phu, học tập kỹ lưỡng, và tuyệt nhiên không ai có thể biết được rằng sắp “đánh Huế”.

Trong suốt thời gian ta chuẩn bị chiến dịch, chỉ có pháo và máy bay C130 của địch thả bom lải rải tại các bến đò. Rõ ràng là chúng không được thông báo gì. Sau đó, địch có đưa tin trên đài Huế rằng “một cuộc hành quân tảo thanh đã bóp chết âm mưa của V.C trong dịp Tết từ trong trứng nước, đồng bào yên tâm ăn Tết”. Còn mã thám ta theo dõi tất cả các nguồn thông tin khác của địch đều không thấy một dấu hiệu báo động nào cả.

Thế là, trong một thời gian dài, chiến dịch đã đưa về cả ngàn vạn con người, cách trung tâm chỉ huy cách Huế 5 km, mà địch không hề biết một chút tăm hơi gì cả. Kế hoạch bảo mật hoàn chỉnh đến độ không một mảnh giấy hay một con người để lọt vào tay địch và không một bộ phận nào bị rơi vào trạng thái kế hoạch có thể bị lộ. Đi lại nườm nượp ở trên rừng và trên đường hành quân, thế mà cho đến phút chót không một toán quân nào bị đánh vào giữa đội hình, không ai thương vong, không ai bị bắt.

Lịch chung cho toàn quân về Huế là ngày 30 ăn Tết (đúng kỷ niệm lần thứ 180 ngày Tết Quang Trung đi giải phóng Thăng Long, Mậu Thân 1876), đóng gói hành trang, sáng mùng 1 Tết thì ngủ. Nhưng tất cả đều đoán biết việc đêm đó nên người ta không ngủ mà lại hát.

Vào buổi chiều, được thông báo chính thức việc chiếm Huế, mọi người từ cán bộ đến bộ đội, du kích… đều vỗ tay reo hò, vui mừng chưa bao giờ thấy. Đêm đó im lặng hơn tất cả mọi đêm trong chiến tranh, im lặng đến mức không còn nghe thấy cái gì cả.

Lúc 1 giờ sáng thì trung đoàn 6 báo đầu tiên đã chiếm lĩnh trận địa; tiếp theo, cánh nam báo chiếm lĩnh hai mục tiêu ưu tiên; mỗi điện báo đều mật và chỉ 3 chữ. 6 giờ sáng, điện báo chiến thắng về từ khắp mọi nơi, coi như đã chiếm hết thành phố Huế, các huyện ngoại thành cũng chiếm được các xã địa bàn đã quy định. Như vậy, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, thành phố Huế đã bị ta đánh chiếm. Đến 11 giờ sáng mùng 2, lá cờ Mặt trận treo trên đỉnh Kỳ Đài Huế; tất cả bộ đội đều nhảy nhót, vỗ tay hoan hô…

Mậu Thân trong chiến đấu, bộ đội cả chủ lực và địa phương hy sinh lẫn bị thương khỏang 3.000 người. Trong Thành ủy có 2 đồng chí hy sinh. Nhưng ta đã diệt hơn một vạn tên địch trên mặt trận Huế. Toàn bộ căn cứ địch tại thành phố đều bị ta đánh nát; tất cả 36 cơ quan cấp tỉnh và trung phần của chúng đều bị ta chiếm hết, bọn đầu não đều ra hàng.

Thành quả vẻ vang này trước hết biểu hiện phẩm cách anh hùng của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân. Suốt 26 ngày chiếm giữ thành phố, chiến sĩ ta đương đầu với khó khăn ác liệt chưa từng thấy; thế mà không một đơn vị nào từ Trung đội, Đại đội trở lên bị xóa mất phiên hiệu, không một người nào ra đầu hàng hoặc đào ngũ; sống chung với dân như thế, vẫn giữ vững kỷ luật tác phong, khi xa rồi dân vẫn còn thương nhớ, người nằm xuống đó dân vẫn tiếp tục hương khói phụng thờ.

Phải nói rằng sau khi ta rút lên rừng, nếu có cái gì còn sống lâu trong tâm trí nhân dân thành phố Huế, trước hết đó là hình ảnh tỏa sáng của “người lính cụ Hồ”.

Theo Lê Minh
TTXVN

MỚI - NÓNG