Tân cổ giao duyên ở phố cổ Kỳ Lừa

Hàng hóa dồi dào, phong phú Ảnh: Duy Chiến
Hàng hóa dồi dào, phong phú Ảnh: Duy Chiến
TP - Tết đến, xuân về, du khách thập phương, người dân bản địa hồ hởi tản bộ trên phố cổ Kỳ Lừa, thưởng thức nhiều hoạt động văn nghệ, ẩm thực đặc sắc. Những ngõ phố giăng mắc câu Sli, câu lượn của từng tốp trai làng gái bản đối đáp thâu đêm suốt sáng...

Bà Nông Bích Diệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn, vốn là cán bộ Đoàn mời phóng viên Tiền Phong tham dự chương trình “Chào năm mới 2021” tại phố đi bộ Kỳ Lừa.

Tầm nhìn người xưa

Chợ Kỳ Lừa hình thành từ thế kỷ XVII, do đốc trấn Thân Công Tài khởi xướng, xây dựng. Trong những năm làm quan ở Lạng Sơn, ngoài việc chăm lo phòng thủ đoàn thành, giữ gìn biên ải, Thân Công Tài coi trọng tầm quan trọng việc mở mang thương trường giao lưu buôn bán.

Thân Công Tài cho san đồi, bạt đất mở mang thành 7 con đường và lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, tạo cho trấn lỵ Lạng Sơn một khu buôn bán tấp nập, giúp thông thương xuôi ngược và qua lại biên giới. Nhờ đó, vùng đồi gò hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt đã nhanh chóng trở thành điểm quần cư của nhiều tộc người, một cửa ngõ buôn bán sầm uất, thu hút cả thương nhân ngoại quốc vào kinh doanh.

Về tên “Kỳ Lừa”, ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Lạng Sơn, giải thích theo truyện kể dân gian, khi ở xứ Lạng, Thân Công Tài nuôi một đôi lừa rất khôn. Chúng được thả rông, ngày ngày sang núi Kỳ Cấp ăn cỏ, chiều lại bơi qua sông Kỳ Cùng về với chủ ở Đèo Giang (phía nam thành phố ngày nay). Song từ ngày phát rừng mở chợ, đôi lừa đi đâu mất, không về, tìm không thấy mà cũng không có dấu hiệu là đã chết. Người ta gọi là đôi lừa kỳ lạ và lấy ngay hai chữ Kỳ Lừa đặt tên cho phố chợ.

Chợ Kỳ Lừa có nhiều gian, nhiều dãy, bày nhiều loại hàng hóa từ nhiều nguồn. Các mặt hàng bán ở chợ rất phong phú, đặc biệt là lâm thổ sản như hồi, thuốc lá (nguyên liệu) mộc nhĩ, nấm hương, thổ cẩm, sản phẩm của các nghệ nhân người Tày, Nùng, Dao, Kinh sinh sống trong vùng. Tùy theo mùa mà các loại hoa quả được bày bán la liệt như đào, mận, lê, quýt... Người miền xuôi mang đến nông cụ như lưỡi cày, cuốc, liềm...

“Ngoài ra, các thương gia đến từ Trung Quốc sang, mang quần áo, giầy dép, nông cụ đến “đối lưu” sản vật của xứ Lạng mang về nước. Từ khi có sự thông thương hàng hóa giữa hai nước Việt- Trung, chợ Kỳ Lừa không họp theo phiên nữa mà mở suốt các ngày, phục vụ cho nhân dân và du khách gần xa. Hàng hóa trong chợ cũng phong phú hơn", ông Páo giới thiệu.

Mặn nồng câu hát giao duyên

Bà Nông Bích Diệp cho biết, những năm gần đây, số lượng khách du lịch đến với thành phố Lạng Sơn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019 có 3 triệu lượt khách đến xứ Lạng, trong đó hơn 2 triệu lượt khách đến thành phố Lạng Sơn.

Nhằm tạo điểm nhấn cho một thành phố trẻ năng động, khai thác lợi thế về du lịch, dịch vụ, thương mại, tạo không gian văn hóa, giới thiệu sản vật địa phương tới đông đảo du khách ngày cuối tuần, UBND thành phố đã triển khai xây dựng phố đi bộ Kỳ Lừa tại trung tâm phố cổ, phố đi bộ hoạt động từ cuối tháng 10/2020.

Tân cổ giao duyên ở phố cổ Kỳ Lừa ảnh 1 Du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian tại chợ Kỳ Lừa Ảnh: Duy Chiến

“Không gian phố đi bộ trải rộng trên các tuyến đường Lê Lai, Lương Văn Tri, Trần Quốc Toản, Bắc Sơn và khu vực quanh chợ Kỳ Lừa với tổng chiều dài 1.300m. Thành phố đã chỉnh trang hạ tầng, cải tạo, nâng cấp vỉa hè, thảm nhựa mặt đường, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng, lắp đặt màn hình led, cổng chào, đèn trang trí, lắp đặt camera an ninh, hệ thống loa truyền thanh, hệ thống wifi. Định kỳ vào thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đường phố, trò chơi dân gian, bày bán các mặt hàng lưu niệm, hàng ẩm thực, sản phẩm nông sản riêng có của xứ Lạng”, bà Diệp nói.

Dịp đón năm mới 2021, tại phố cổ Kỳ Lừa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ với những bản nhạc sôi động, điệu nhảy hiện đại, vui tươi, đầy màu sắc do Đoàn trường THPT và các CLB nghệ thuật ở thành phố Lạng Sơn biểu diễn.

Dòng người tấp nập đến với Kỳ Lừa, thưởng thức nhiều trò chơi dân gian, nhiều tiết mục ca múa nhạc, múa lân, nhảy Flashmob, hát Sli, lượn với cây đàn tính...

Bà Trần Bích Hợp (ngoài 70 sinh sống lâu năm ở giữa chợ Kỳ Lừa) phấn khởi cho biết, bên cạnh những sản vật sẵn có như hạt dẻ, lợn quay, vịt quay cùng các món ăn vặt nổi tiếng Lạng Sơn, các huyện trong tỉnh cũng mang đặc sản địa phương đến, như hồng không hạt Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), bánh chưng đen hạ hỏa (huyện Bắc Sơn), na, bánh khẩu sli (huyện Chi Lăng), thạch đen (Tràng Định)...

“Thành ngữ Tày, Nùng có câu pây lin háng, tức là đi chơi chợ, đi mừng chợ, đi góp đông cho chợ. Đi chợ cũng là dịp giải trí, các thanh niên nam, nữ có cơ hội để giao lưu, tâm tình duyên lứa. Vậy nên, khi đến với phố đi bộ chợ Kỳ Lừa, mọi người sẽ chào đón bạn bằng những câu hát giao duyên mặn nồng”, bà Hợp nói.

“Mỗi tuần, phố cổ Kỳ Lừa đón trên 10.000 lượt người. Du khách được trải nghiệm các trò chơi dân gian dưới sự hướng dẫn của quản trò. Khách cũng có thể trực tiếp tham gia, biểu diễn các tiết mục văn hóa - văn nghệ hay thưởng thức ẩm thực, mua sắm đặc sản, quà lưu niệm đặc trưng của xứ Lạng”. Bà Nông Bích Diệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn

MỚI - NÓNG