Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng

Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng
"Nghe tin dữ về Đại tướng, tôi đã biếu lại mảnh vải cho gia đình, coi như là kỷ niệm cũng như lời cầu chúc cho Ngài luôn được cát lành và được gia hộ bởi ánh hào quang của Đức Phật".

Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng

> Hãy là đồng tác giả của một Điện Biên Phủ mới

> Đề nghị lập Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

"Nghe tin dữ về Đại tướng, tôi đã biếu lại mảnh vải cho gia đình, coi như là kỷ niệm cũng như lời cầu chúc cho Ngài luôn được cát lành và được gia hộ bởi ánh hào quang của Đức Phật".

Đã dứt lòng trần, vẫn không ngăn nổi lệ tuôn

Là người có nhân duyên lớn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình cụ từ khi Đại tướng còn khỏe cho đến lúc Người vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ Quảng Bình, Đại đức Thích Thanh Phương - trụ trì chùa Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) không giấu nổi sự xúc động khi nhắc đến Người.

“Khoảng 18h30 tối 4/10, tôi nhận được thông báo từ người nhà Đại tướng. Khi nghe tin cụ đã rời bỏ trần gian, tôi có cảm giác như một người ruột thịt của mình vừa "đi", vừa bàng hoàng vừa xúc động. Trước nay, Đại tướng và gia đình với nhà chùa cũng là chỗ gần gũi, cá nhân tôi cũng được gặp ông vài lần”, Đại đức rưng rưng nói.

Thượng tọa Thích Thanh Phong, chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội cùng nhiều hòa thượng khác có mặt sớm ở Quảng Bình
Thượng tọa Thích Thanh Phong, chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội cùng nhiều hòa thượng khác có mặt sớm ở Quảng Bình.
 

Khi Đại tướng khuất, thể theo tâm nguyện của gia đình, Đại đức Thích Thanh Phương cùng 3 vị chư tăng khác đã thực hiện các nghi lễ tâm linh cho anh linh Đại tướng như cầu an, lễ Triệu Tổ, trì chú khi an táng… trong suốt 10 ngày diễn ra lễ tang. Đại đức gọi đó là “đại nhân duyên kết hợp bởi phước đức cao dày của Đại tướng và nhân duyên của các Thầy - một nhân duyên khó có lần thứ hai”.

Đại đức chậm rãi kể: “Nhân duyên giữa nhà chùa và Đại tướng, hay nói rộng ra là nhân duyên giữa Đạo Phật và Đại tướng không chỉ lúc cụ còn tại thế, mà còn nối dài đến tận khi cụ ra đi. Trùng hợp thay, hai ngày trước khi Đại tướng từ trần, tôi được một người quý mến tặng cho một mảnh vải vàng mà người đó khi hành hương sang Ấn Độ - đất phát khởi của Đạo Phật đã cung kính khoác lên kim thân Đức Phật.

Khi nghe tin Đại tướng, tôi đã biếu lại mảnh vải ấy cho gia đình, coi như là kỷ niệm cũng như lời cầu chúc cho Ngài luôn được cát lành và được gia hộ bởi ánh hào quang của Đức Phật. Đến lễ 3 ngày của cụ, tôi và các cao tăng khác cũng có nhân duyên được đến cúng cầu an tại bệnh viện 108 - nơi cụ trút hơi thở cuối cùng. Chúng tôi làm lễ vân hồi tụng kinh cầu an cho anh linh cụ và cả những vị tướng, chiến sĩ đã hy sinh cho hòa bình của đất nước nữa”.

Các hòa thượng đang làm lễ
Các hòa thượng đang làm lễ.
 

Đại đức tiếp lời: “Có lẽ, hai khoảnh khắc xúc động nhất trong lễ tang Đại tướng đối với chúng tôi là khi nhập niệm tại Hà Nội và khi làm lễ trì chú để an táng Người trong lòng Đảo Yến, Quảng Bình”. Thông thường, tại lễ nhập niệm cho người đã khuất, các sư thầy được thỉnh đến chỉ hộ niệm làm lễ, nhưng trong nghi thức nhập quan Đại tướng, cả bốn vị cao tăng trực tiếp khâm liệm cho Người. Sự “phá lệ” này xuất phát từ chính cái tâm, tình cảm và lòng kính trọng của các thầy với vị Đại tướng vĩ đại của nhân dân. Với những người tu, lòng trần đã dứt, thất tình (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ) ở đời chẳng khác gì áng mây trôi qua núi, chuyện sinh tử cũng rất đỗi bình thường trong cõi vô thường, vậy mà, như Đại đức Thích Thanh Phương kể lại, trong lúc ấy, nước mắt của các thầy cứ tuôn tràn.

“Khi đứng trên tháp chuông Vũng Chùa làm lễ trì chú để an táng Đại tướng, thỉnh lên tiếng chuông vang lên từ đại hồng chung, chứng kiến cảnh hàng nghìn đồng bào, đa phần trong số đó không có huyết thống, cũng chưa có dịp được gặp Đại tướng, tất thảy đều chắp tay hộ niệm, một lòng cung rước Đại tướng về nơi an nghỉ, chúng tôi không khỏi có những cảm xúc lẫn lộn, vừa thấy xót xa cho một kiếp người đã tận, vừa tự hào vì đất nước mình, dân tộc mình đã sản sinh ra một con người vĩ đại, vừa xúc động trước tấm lòng cung kính của nhân dân, vừa thanh thản khi tin rằng, Người sẽ bình an nằm nghỉ nơi mảnh đất thiêng này”, Đại đức bồi hồi chia sẻ.

“Những năm cuối đời, Đại tướng chịu ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật”

Đại đức Thích Thanh Phương cho biết, cá nhân ông và chùa Sủi có nhân duyên hội ngộ với gia đình Đại tướng từ đầu những năm 2000. Vào các dịp lễ, Tết, gia đình Đại tướng thường đến chùa làm lễ, cầu an. Cũng trong những năm này, Đại đức Thích Thanh Phương được gặp mặt Đại tướng lần đầu trong dịp sinh nhật cụ. Cho đến đầu xuân 2005, Đại đức lại có duyên lành gặp Đại tướng tại bản tự, khi Đại tướng đến vãn cảnh chùa. Đại đức Thích Thanh Phương kể: “Cụ đến rất lặng lẽ, giản dị, hòa cùng những vị khách khác. Lúc này, nhà chùa đang tôn tạo lại một số hạng mục đã xuống cấp, đích thân Đại tướng đã cung tiến 2 triệu đồng và dặn “Đây là tiền được trích từ lương của tôi, mong nhà chùa nhận lấy”.

Lúc đó, tôi và các Thầy khác đều rất xúc động. Những năm sau này, có lẽ vì sức khỏe không cho phép, Đại tướng ít khi đích thân tới, nhưng gia đình cụ vẫn qua lại chùa luôn. Những dịp lễ, Đại tướng còn gửi hoa, gửi thiếp chúc mừng đến chùa nữa. Đó quả thực là một duyên lành hiếm gặp.”

Để tưởng niệm Đại tướng, một người con xuất sắc của dân tộc, sắp tới, chùa Sủi sẽ làm lễ tưởng niệm Đại tướng cũng như lập bàn thờ Người trong bản tự.

Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng ảnh 3
 

Đại đức Thích Thanh Phương cho rằng, nhân duyên đặc biệt giữa chùa Sủi và gia đình Đại tướng có lẽ khởi nguyên từ một nhân duyên lớn hơn, đó là sự quan tâm của Đại tướng với giáo lý nhà Phật. Đại đức cho hay, ông được biết Đại tướng lúc sinh thời có đam mê nghiên cứu về Phật giáo, từ các giáo lý nhà Phật (triết học) cho đến các phương pháp hành thiền, yoga (ứng dụng). “Bước qua tuổi tám mươi, Đại tướng đã chọn cho mình cuộc sống gần như ẩn cư. Ông gần gũi với các nhà thiền học, gần gũi với thiên nhiên thanh đạm. Ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu Phật giáo cũng như hành thiền. Những năm cuối đời, có thể thấy tinh thần Phật giáo trong Đại tướng thăng hoa. Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy ở Cụ một sự thanh thản, an nhiên của những bậc cư sĩ đã chứng ngộ Phật giáo”.

Đại đức tiếp lời: “Tôi cũng được biết, năm 2007, trong một lần thiền sư sống nhiều năm nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước đã đến thăm cụ tại tư gia. Đại tướng đã cho người nhà ra vườn, hái một chùm hoa cau tặng khách. Chùm hoa cau không lời, chỉ có hương thơm đượm dấu quê hương và cái tâm của hai con người là chạm đến nhau. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng tặng lại Đại tướng một bức thư pháp “Bản môn xuân ấy vẫn còn nguyên sơ”, ý muốn nói, gốc rễ nguyên sơ của vạn vật là giống nhau, đích đến của sự giác ngộ là trở về với cái nguyên sơ ấy, và Thiền sư nhìn thấy điều đó trong cửa nhà (bản môn) của Đại tướng. Cái hay nữa là chữ “nguyên” với nghĩa đứng đầu, khởi nguồn, hàng đầu lại là tên đệm của Đại tướng, nó như báo hiệu một sự thành công, đỗ đạt, lẫy lừng tiếng tăm trong thiên hạ. Tôi cho rằng, tinh hoa, linh khí trời đất bao nhiêu năm tụ hội mới tạc thành bậc vĩ nhân, và Đại tướng là một con người như thế”.

“Có thể nói, không chỉ những năm cuối đời, Đại tướng mới là một cư sĩ. Ông đã là cư sĩ, đã giác ngộ từ sau chiến tranh rồi. Nhà Phật dạy chúng ta phải buông xả những hằn thù, những uất ức quá khứ, phải buông bỏ để lòng thanh thản, có vậy mới trở nên cao thượng, trở thành bậc trí tuệ siêu việt. Hãy nhìn vào cuộc đời Đại tướng xem, buông súng, cụ đâu còn hằn học, đâu còn vương vấn những chuyện cũ của chiến tranh!”.

Tấm vải vàng đặc biệt trong lễ tang Đại tướng ảnh 4
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người đã về trời, đã “trở thành Tướng Trời” như lời sư Thầy làm lễ cho Người nhận định, đã trở về với bao đồng đội đã đi vào hư vô để đất đai sông núi này có ngày nay. Nhưng, bây giờ và ngàn sau, anh linh Người sẽ sống mãi để cùng ưu tư, trăn trở với muôn dân, với vận nước.

Theo Quang Anh
Tri Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG