Khó tránh đảo nợ

Tám tỷ USD kích cầu: Coi chừng lạm phát

Tám tỷ USD kích cầu: Coi chừng lạm phát
TP - Đánh giá về gói kích cầu của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần rà soát về một số chính sách kích cầu với lý do việc thực hiện đảo nợ là khó tránh khỏi nguy cơ tái lạm phát là hiện hữu.
Tám tỷ USD kích cầu: Coi chừng lạm phát ảnh 1
Cho vay vốn ở Chi nhánh Ngân hàng ACB Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Hồng Kỳ

Chính sách bù lãi suất mang tính bình quân không tạo cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, giảm bớt những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, có ý kiến cũng đề nghị làm rõ cơ sở xác định mức bù lãi suất 4 phần trăm và cho rằng, thời hạn bù lãi suất tín dụng đầu tư tới 24 tháng là quá dài so với nguyên tắc sử dụng gói kích cầu ngắn hạn.

Việc thực hiện miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa qua cũng được đánh giá là chưa sát, vì các doanh nghiệp được miễn, giảm lại là những doanh nghiệp có thu nhập, không thuộc đối tượng gặp khó khăn cần miễn, giảm thuế, còn các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự lại không có thu nhập để được miễn, giảm.

Mặt khác, việc miễn, giảm bình quân 30 phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thời hạn nộp chín tháng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một sự cào bằng. Kết quả là, ngân sách thì giảm thu, nhưng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn lại bị hạn chế.

Nếu  việc kiểm soát thực hiện kích cầu không chặt chẽ dễ xảy ra thất thoát, gia tăng hiện tượng đầu cơ nóng với các dự án vay chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích.

Đáng chú ý nguy cơ tái lạm phát sẽ hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian...tác động mạnh đến mức cung tiền tệ và có thể sẽ đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát, suy thoái, kích cầu, lạm phát trở lại.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại gói kích cầu đảm bảo nguyên tắc: Kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả và kiên quyết thực hiện dứt điểm trong ngắn hạn, tránh kéo dài làm ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô trong dài hạn.

TS Bùi Văn Hưng, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang cao nếu tiếp tục đà thâm hụt này, có nguy cơ lạm phát và thâm hụt thương mại sẽ gia tăng trở lại.

"Lạm phát tạm thời lắng nhưng chưa hoàn toàn biến mất. Việc tăng tín dụng đột ngột sẽ tạo đà cho lạm phát quay trở lại và khuyến khích nhập khẩu trong khi nguồn ngoại tệ để tài trợ cho nhập khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế. Tín dụng tăng nhanh sẽ tạo ra bong bóng tài sản, ảnh hưởng tới sự bền vững của tăng trưởng"- Ông Hưng cảnh báo.

Khó tránh đảo nợ

Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, vừa qua Bộ đi kiểm tra tình hình thực hiện việc kích cầu tại ba địa phương là Hà Nội, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Ghi nhận bước đầu từ thị trường, từ các doanh nghiệp cho thấy việc kích cầu đã có tác dụng khá tốt.

Tuy nhiên, các địa phương phản ánh một số vấn đề nảy sinh trong việc hỗ trợ lãi suất như do việc hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với những khế ước giải ngân sau ngày 1/2/2009 trong khi những khó khăn của các doanh nghiệp phần lớn lại từ những phương án kinh doanh trước đây.

Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất chưa bao trùm hết các đối tượng, chưa giải quyết được triệt để khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Ngoài ra, nhóm các hộ kinh doanh tại các làng nghề có thực trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Hàng hóa không bán được nên họ cũng không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng.

Trao đổi với báo chí gần đây liên quan đến những ý kiến lo ngại về tình trạng đảo nợ khi thực hiện gói kích cầu, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng cho rằng lo ngại này là đúng vì nó tạo ra cơ hội để doanh nghiệp trả những khoản nợ cũ với lãi suất cao.

Ngân hàng khi đó nợ xấu sẽ giảm. Điều này có thể thấy qua việc tăng trưởng tín dụng của hai tháng đầu năm chỉ có 1,28 phần trăm. Điều này chứng tỏ tăng trưởng tín dụng thực không lớn như giải ngân gói kích cầu, và rất nhiều người vay, kể cả doanh nghiệp hay cá nhân, đã trả được nhiều khoản nợ cũ.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay tổng gói kích cầu lên tới 143.000 tỷ đồng (xấp xỉ tám tỷ USD) và 17.000 tỷ đồng (tương đương một tỷ USD) vốn vay có bảo lãnh; trong đó, hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng 17.000 tỷ đồng, tạm hoãn thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản ứng trước 3.400 tỷ đồng...

Kết quả kiểm tra việc thực hiện kích cầu ở Hà Nội, Hưng Yên và Vĩnh Phúc cho thấy tính đến 31/3/2009, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các địa phương chiếm từ 25,9 đến 36,8 phần trăm tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.