Tâm trạng xem “Kong”

TPO - Tối 10/3, nhà văn Ngô Thảo gọi điện mời: “Xem Kong, đảo đầu lâu ở rạp BHD Vincom Phạm Ngọc Thạch không?” Thằng cháu học lớp 5 và con gái lớp 7 của tôi nghe rủ thì rú “Ồ zê”, vì lớp chúng nó mấy hôm nay cũng hết chuyện nói với nhau rồi ngoài con khỉ đang “hot”.

Ngô Thảo chính là bố của Ngô Bích Hiền và Ngô Bích Hạnh- chủ hệ thống rạp BHD Sài Gòn và Hà Nội. Hôm nay ông đãi chúng tôi chầu xem phim ở phòng VIP của cụm rạp khai trương được vài tháng ở Hà Nội: Ghế đệm mút bọc da, đưa tay nhấn nút thì biến thành cái giường thoải mái nằm ườn. Chăn gối đàng hoàng. Phòng chiếu mùa rét mà để nhiệt độ lạnh run, chắc cố tình mời hưởng thụ chăn đơn gối chiếc. Gà rán, bắp rang bơ, nước gừng sả được nữ nhân viên trẻ măng bê tận “giường”.

Tâm trạng xem “Kong” ảnh 1 Tác giả bài báo ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: N.M.Hà

Có lẽ bởi khung cảnh êm đềm quá nên có lúc tôi lại thiu thiu, dù âm thanh nổi của cái rạp hiện đại, chiếu bộ phim gọi là bom tấn giả tưởng này tạo không khí không thể nói là tịch mịch. Oánh nhau từ đầu chí cuối, hết người với Kong lại Kong với quái vật khác- nhện, thằn lằn, bạch tuộc, toàn khổng lồ như trái núi cả.

Đèn sáng, có tiếng hỏi “Phim này cấm trẻ bao tuổi ý nhỉ”, lão nhà thơ Nguyễn Duy- cũng khách mời của Ngô Thảo, hóm hỉnh: “Cấm bọn 60 tuổi trở lên. Bạo lực quá!”.

Hai trẻ nằm tả hữu bên tôi say sưa phim ảnh lẫn uống ăn, ra về trong thỏa mãn. Còn mình xem phim trong tâm trạng thế này, như muôn phần khán giả nhà đã “nhớn” chăng:

Thứ nhất, các cảnh quay Việt Nam có được như báo chí lăng xê? Kỹ xảo đỉnh đến đâu? Nội dung khá hơn phiên bản 2005 của Peter Jackson? (Tôi không thích phiên bản này. King Kong nhân vật chính mà non nửa phim mới xuất hiện, sốt hết ruột. Chị Naomi Watts “người yêu Kong” hồi ấy xinh chứ không đến nỗi nhạt như sau này manh động đóng công nương Diana song chưa bao giờ là típ tôi mê).

Và anh Tom Hiddleston, có xứng tầm ứng viên 007 sau khi Daniel Craig thề chặt tay còn hơn đóng tiếp? Brie Larson liệu có bị “lời nguyền Oscar” linh ứng, và hẳn xinh hơn năm ngoái nhợt nhạt (một phần do không được trang điểm) đóng “Căn phòng”?

Rồi thông điệp sâu xa nếu có, ẩn sau bộ phim quái vật? Vì bối cảnh phim là Việt Nam 1973, chưa hòa bình. Giả sử Kong: Đảo đầu lâu cũng hóc hiểm thâm nho, thông điệp tầng tầng nghĩa nghĩa như Đông Dương (Oscar 1992) thì lờ đi thôi chứ nhỉ?

Ra khỏi rạp bèn nghĩ quanh quẩn những chuyện này, giống mấy đồng nghiệp: Doanh thu hòa nổi không (185 triệu đô kinh phí +136 triệu đô tiếp thị). Du lịch nội ăn theo thế nào. Vân vân.

Có một điều chắc chắn: Khán giả nhà đa số ưu ái một bộ phim quay tới 70% ở đất nước Việt Nam. Cũng phải thôi. Khi định yêu ai, ta thiên vị người đó. Ta nhìn không thấu hoặc không nỡ xoáy vào nhược điểm của họ. Kong: Đảo đầu lâu kỹ xảo tốt, thiên nhiên đẹp lạ, bạn Kong trông rất thật, mỗi lần “ta xuất hiện đây” đều oai oách. Nhưng kịch bản thường thường bậc trung. Các nhân vật chịu khó chạy với gương mặt hốt hoảng nhưng ít diễn biến tâm lý, họ tương tác với nhau có lúc rời rạc như những cái que.

Rải rác trong phim một số điểm vô lý, nhưng như đã nói, trót thiên vị nên tôi không định toạc móng heo. Tôi cũng như vô số anh chị, cảm giác vừa hồi hộp về cơ hội mới của du lịch Việt vừa (thừa hơi) lo cho danh dự một phim Hollywood quay ở Việt Nam.

Anh đạo diễn râu dài, có đôi mắt vừa sắc sảo vừa hồn hậu. Anh tất nhiên giỏi, không giỏi sao được tiêu chừng ấy tiền. Nghe anh định du cư đến Sài Gòn, có người nói hóm: “Bán nhà Mỹ không đủ tiền mua đây đâu ông ơi, đắt đỏ lắm” “Ông cạo râu kẻo cướp nó kéo cả râu đi đấy”...Ý kiến ý cò kiểu này có hại cho du lịch nước nhà quá.

Sẽ có người bảo anh lập dị, nhưng tôi không nghĩ anh điên. Ngoi lên ở Hollywood đâu dễ như húp tào phớ. Việt Nam dẫu sao cũng là miền đất lạ chưa được khai phá đến nơi đến chốn. Một họa sĩ Việt được mời dựng ít cảnh phim Kong phát biểu, điện ảnh chúng ta thiếu nhất là sự đầu tư. Ông đạo diễn Lê Hoàng từng nhận định điện ảnh ta chẳng thiếu gì chỉ thiếu tiền và kỹ thuật. Tôi nói: Điện ảnh Việt chẳng thiếu gì, chỉ thiếu tiền bạc, kỹ thuật, tài năng.

Anh đạo diễn Mỹ cho biết chuyển khẩu đến đây vì muốn đột phá chính mình và Việt Nam, đưa đến cho nhau cơ hội khiến thế giới phải thay đổi ánh nhìn về đất nước, con người ở đây. (Và thay đổi ánh nhìn về anh nữa?). Tôi thấy chả điên. Hơn nữa, trai đang xoan thì xách ba lô đến nơi tận cùng thế giới ấy chứ. Tự do như cơn gió. Mãi một nơi, cho dù dòng chủ lưu đó trong văn vắt đi nữa, chắc gì đã phấn hứng hơn là trong vừa thôi, nhưng đối lưu liên tục.

Tôi đã không xem Kong: Đảo đầu lâu với sự tập trung cao độ bởi phim quái vật không phải gu mình. Tôi xúc động thấy non nước Ninh Bình lên phim lung linh, còn hang Tú Làn xứng đáng cho dự định của tôi một ngày gần đây tận thấy. Hạ Long có lúc kỳ ảo, có lúc trông thế nào lại như cảnh giả. Mình người Việt thì biết cảnh thật hoàn toàn nhưng có lẽ khán giả ngoại có lúc sẽ tưởng không phải. Lại có bận thót tim (dù biết chỉ là cảnh ghép) vì máy bay tầm thấp lượn hàng đàn hung dữ như đâm xuyên, kinh động cả một miền di sản.

Đọng lại, đó vẫn là buổi xem phim đầy cảm xúc. Không cần hoàn hảo, không cần thỏa mãn, chỉ cần có xúc cảm (thậm chí trái ngược nhau). Và vẫn nhớ ra rằng điện ảnh là thứ nghệ thuật tuyệt vời, hấp dẫn nhất, thậm chí ưu thế hơn văn học. Còn đạo diễn, diễn viên là nghề cao quí loại nhất (miễn là bạn làm đúng nghề, được nó chọn).

..........................................................................

Tâm trạng khi yêu là phim nổi tiếng có Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ thủ vai. Anh chị này yêu nhau rồi bỏ nhau, đúng dạo yêu nhau họ tay trong tay sang Việt Nam giới thiệu Tâm trạng khi yêu trong LHP châu Á Thái Bình Dương năm 2000. Tựa bài này- Tâm trạng xem Kong hoặc Tâm trạng khi Kong, ăn theo tựa phim đó dù cách đặt chẳng hẳn đặc biệt.

Lời tòa soạn: Từ giữa tháng 3/2017, báo Tiền Phong điện tử mở chuyên mục “TÔI NGHĨ...” – một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng mỗi bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.

Chân thành cảm ơn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.