Tâm thư người Việt ở Thái Lan gửi Trung Quốc

TPO - Cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc và sinh sống tại Thái Lan ngày 15/5 gửi tâm thư đến chính phủ Trung Quốc và ĐSQ Trung Quốc tại Thái Lan, trong đó viện dẫn bộ bản đồ Atlas do nhà nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen vẽ năm 1827 được cả thế giới công nhận để khẳng định quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bức thư nêu rõ bộ bản đồ Atlas do nhà nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795-1869) vẽ năm 1827 là bộ bản đồ được công nhận và sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong 111 tấm bản đồ các nước châu Á, Empire d'An-nam (Đế chế An Nam – tên gọi nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam lúc đó) được giới thiệu thông qua 4 tấm. 

Trong đó, tấm 106 đề Partie de la Cochinchine vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ từ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Trong khi đấy tấm bản đồ số 98 đề Partie de la Chine (tên gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lúc đó) vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho thấy rõ biên giới cực nam của Trung Quốc khi đó chỉ đến đúng cực nam của đảo Hải Nam, chưa chạm đến vĩ độ 18. 

Tâm thư người Việt ở Thái Lan gửi Trung Quốc ảnh 1

Bản đồ Atlas khẳng định quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những phản ánh này của bộ Atlas thế giới do Philippe Vandermaelen vẽ cũng thống nhất với các tấm bản đồ phương Tây cùng thời cũng như với các bản đồ của chính Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Những tư liệu về bản đồ và rất nhiều các bằng chứng khác đều cho thấy một sự thật hiển nhiên là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. 

Trong những ngày này, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước hết sức bất bình và phẫn nộ về những diễn biến căng thẳng do việc ngày 2 tháng 5 năm 2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào hoạt động tại vị trí có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc, 111012’06’’ kinh Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc hộ tống dàn khoan, trong đó có cả các tàu quân sự, đã liên tục tấn công các tàu Việt Nam trong khu vực này, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và đe dọa tính mạng của con người. 

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) được ký giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. 

Việt tàu hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, gây căng thẳng và đe dọa ổn định tình hình trên biển Đông và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cũng như quốc tế, mà còn tác động tiêu cực đến tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước.

“Chúng tôi cực lực phản đối hành động nêu trên và yêu cầu chính quyền Trung Quốc dừng ngay các hoạt động khiêu khích, rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nước duy nhất có chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, bức thư viết.

MỚI - NÓNG