Tâm thế Việt

Tâm thế Việt
Vụ “đời cô Lượm” đang xôn xao dư luận. Bản chất, đây chỉ là một trong số bao nhiêu vụ lừa vặt nhan nhản ngoài đường được thực hiện bởi những người giả dạng ăn mày đói khát hoạn nạn. Nhưng tầm mức và diện ảnh hưởng của nó quá lớn khiến nhiều người bức xúc.

>> Trần tình của người trong cuộc

Vụ việc có lẽ tiêu biểu cho một tâm thế con người trong xã hội hiện nay: Dễ đặt niềm tin, và cũng dễ dàng nổi nóng khi niềm tin ấy bị đánh cắp.

Áp lực cơm áo gạo tiền giữa thời buổi bão giá xoay chóng mặt. Áp lực về niềm tin vào đạo đức, giá trị thật của con người. Nỗi bất an về tai nạn giao thông, về bạo lực với bao nhiêu clip đen, và những án mạng xảy ra một cách giản đơn đến vô lý…

Tất cả đang khiến tâm thức người Việt bị dồn nén, thử thách. Người ta dễ đánh mất mình hơn. Từ những câu nói, hành vi ứng xử xô bồ, thiếu văn hóa đến việc đánh cắp niềm tin của người khác. Nghiêm trọng hơn là dễ sa chân vào vũng lầy tội ác.

Cư dân mạng mấy ngày nay bắt đầu dấy lên làn sóng phản đối những bài báo khai thác bi kịch gia đình nhà báo Hoàng Hùng để câu khách. Cuối cùng, sau những ầm ào của cơn lốc thông tin, nỗi đau của hai đứa trẻ còn cả cuộc đời phía trước khiến nhiều người thức tỉnh.

Bao dung, gốc rễ vẫn từ tâm thế “thương người như thể thương thân”. Chuyện “đời cô Lượm” lúc đầu khiến hàng triệu người rơi nước mắt. Hàng vạn tấm lòng chia sẻ tinh thần và vật chất cho hai mẹ con. Sự thật vỡ lở, nguôi ngoai dần, bên cạnh những trách cứ vẫn có không ít lời thương cảm, bởi hoàn cảnh thật của mẹ con cô cũng gieo neo chật vật.

Như chuyện cổ tích về mẹ con cháu Lê Đại Lợi ở Quy Nhơn. Cháu mới 3 tuổi, bị rơi cả người vào nồi cháo bán vỉa hè đang sôi sục. Cháu bé nghèo có cha chạy xe ôm, mẹ bán chè lề đường ấy được đưa ra Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng nguy cấp, không tiền bạc.

Chuyện về cháu được đăng báo, lập tức hàng ngàn tấm lòng tìm đến chia sẻ với số tiền nhiều trăm triệu đồng. Khi lành bệnh, mẹ cháu đã gửi lại 100 triệu đồng để các bác sĩ giúp những bé có hoàn cảnh tương tự.

Như chuyện một chàng trai ở Nghệ An tự mày mò chế tạo ra chiếc máy thở cho người cha bị suy hô hấp nặng, khi bệnh viện không đủ máy. Anh tiếp tục cải tiến thay đổi mẫu mã để giúp những người bệnh khác. Như chàng trai ở Đồng Nai tự chế ra chiếc giường chuyển bệnh, đơn giản tiện lợi, không gây đau đớn nguy hiểm cho những người bệnh nặng.

Rồi một nông dân ở vùng chè Tuyên Quang khốn khổ vì nạn sâu chè, đã chế ra chiếc máy hút sâu, đỡ mồ hôi sương nắng cho bà con. Như những hiệp sĩ ngày ngày săn bắt cướp, bắt đinh tặc không quản hiểm nguy tính mạng…

Tâm thế người Việt mình vẫn vậy. Như đã trường tồn qua bao khúc quanh bi tráng của lịch sử .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG