TPO - Thuốc bổ não hay các loại thuốc bổ khác đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Thậm chí có thể gây sốc phản vệ chết người hoặc rối loạn tâm thần do dùng kéo dài.
Thực tế hiện nay, người dân khi bị mắc các triệu chứng thông thường như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày khi chuyển tư thế một cách đột ngột... thường cho rằng mình bị thiếu máu não nên phải điều trị bằng tiêm thuốc dưỡng não hay bổ não. Thực ra, thuốc dưỡng não hay bổ não còn được gọi là thuốc hướng não - một loại thuốc sử dụng trong khoa thần kinh với nhiều tên thuốc khác nhau gồm: cholin alfoscerat, cerebrolysin, citicolin, vinpocetin, cavinton, cinnarizin, piracetam, gingko biloba...
Các bác sỹ cảnh báo, thực chất thuốc dưỡng não hay bổ não là thuốc kích thích làm tăng khả năng hoạt động của não qua tác dụng giãn mạch máu não và đưa oxy lên não nhiều hơn, người dùng cảm thấy hưng phấn và dễ chịu khi sử dụng; nếu dùng liên tục thì người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc vào thuốc.
Như vậy, với các nhóm thuốc dưỡng não hay bổ não khác nhau đã nêu ở trên, có loại là thuốc uống nhưng có loại có cả thuốc uống lẫn thuốc tiêm. Khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, nhất là thuốc tiêm thì hiện tượng sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh là điều cần phải luôn cảnh báo.
Ngoài ra, khi dùng các loại thuốc tiêm truyền nói chung, thuốc dưỡng não nói riêng, người dùng có thể gặp các tác dụng phụ như sưng, đỏ, mẩn ngứa... tại vị trí tiêm, nặng hơn có thể gặp dị ứng, rối loạn tiêu hóa..., sốc phản vệ là tác dụng không mong muốn nặng nề nhất, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Cho đến nay, chẳng có loại thuốc nào được chứng minh là tăng cường trí nhớ hay “bổ não” cả. Chỉ có những loại thuốc dùng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, hoặc các vitamin, chất làm tăng thức tỉnh hoạt động của não. Những trường hợp có bệnh về não thì mới dùng thuốc cho não qua đường tiêm, còn người bình thường thì không có”.
Theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bất cứ thuốc nào, thuốc bổ não hay các loại thuốc bổ khác đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Ảnh minh hoạ: Internet Theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bất cứ thuốc nào, thuốc bổ não hay các loại thuốc bổ khác đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Chính tai biến do thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây thương vong rất lớn cho con người. Việc tùy tiện sử dụng thuốc bổ, không riêng gì thuốc bổ não rất tràn lan ở mọi lứa tuổi. Thậm chí, nhiều người còn tìm mua các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp ngoại nhập. Đa số những người mua thuốc bổ về đều không cần qua bác sĩ khám và tư vấn. Họ dùng theo kiểu “được mách”, truyền miệng từ người này qua người khác vì tin rằng đã là thuốc bổ, nhất là thuốc bổ não đều không có tác dụng phụ hay độc tố nên có thể yên tâm sử dụng. Đối với một số loại thuốc bổ thần kinh, bổ não nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể bị suy kiệt. Các loại thuốc bổ não có tác dụng tăng cường trí nhớ chủ yếu điều trị cho người già, sa sút trí tuệ hoặc các di chứng bệnh... đều được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nếu tự uống và lạm dụng thuốc lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe, dễ thành thói quen ỉ lại vào thuốc, sinh hoang tưởng, thậm chí gây tác dụng ngược do mua phải những loại thuốc kích thích thần kinh đang bị cấm, hoặc thuốc ít có tác dụng bổ não, tăng cường trí nhớ. Nhiều loại thuốc bổ, bổ sung vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác thường ở dạng viên sủi bọt chứa ion natri. Nếu dùng loại thuốc này nhiều sẽ dẫn đến hấp thu nhiều natri, không có lợi cho sức khỏe, nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc dạng sủi bọt có thể bị tăng vọt huyết áp, gây nguy hiểm. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi cần sử dụng các loại thuốc gì, người dân cần có sự tư vấn của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.