Tâm sự của một 'osin' cao cấp

Tâm sự của một 'osin' cao cấp
Về lý, tôi là vợ, là mẹ, là “bà chủ” của gia đình. Nhưng, hình như, lâu rồi, cái vị thế cao cả đó của tôi đã bị vứt ra ngoài cửa…

Tâm sự của một 'osin' cao cấp

> Nhân viên dâng ôsin lấy lòng sếp
> Hành trình vượt thác ghềnh của một 'ôsin'
> Vợ không chịu... bình đẳng giới

Về lý, tôi là vợ, là mẹ, là “bà chủ” của gia đình. Nhưng, hình như, lâu rồi, cái vị thế cao cả đó của tôi đã bị vứt ra ngoài cửa…

Mọi người sẽ hỏi, tại sao tôi lại nói vậy? Chồng tôi có bồ nên muốn “hạ bệ” tôi? Hay là các con của tôi không còn coi tôi là mẹ của chúng? Không phải thế. Gia đình của tôi vẫn vậy. Chỉ có điều, lắm lúc chính gia đình mà tôi rất yêu quý ấy lại khiến tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi và cảm thấy mình chẳng khác nào một người giúp việc cao cấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Gia đình tôi chỉ có 4 người, gồm chồng, tôi, và hai con. Sáng ra bố mẹ đi làm, các con đi học. Tối đến thì tất cả cùng trở về, cơm nước, rồi đi ngủ. Nói chung, gia đình tôi cũng sinh hoạt như mọi gia đình khác chứ nào có nghi lễ gì cầu kỳ cho cam. Vậy mà mười mấy năm rồi, vì gia đình “bình thường” ấy mà tôi gần như không còn chút thời gian nào để lo cho bản thân mình.

Này nhé, khi còn độc thân, tôi là fan cuồng của điện ảnh. Tôi rất thích đến rạp (chứ không phải nằm lười trên giường, rồi bấm điều khiển để xem phim qua tivi), tháng nào cũng bớt tiền lương để mua vé xem phim. Tính tôi lãng đãng, thơ mộng, lúc “điên điên” lên có thể đạp xe cả chục km để lên Hồ Tây hóng gió, ăn kem giữa mùa đông, rồi ngồi bên cửa sổ ngắm mặt trời lặn. Thế mà, bây giờ, với tôi những khái niệm đó thật xa vời. Tôi đến giấc ngủ đêm hằng ngày còn không đủ, lúc nào cũng ngáp ngắn ngáp dài thì làm gì còn thời gian để mà ngắm chim hoa cá cảnh. Từ một cô gái xinh xắn, tôi nay già nua. Tôi lúc nào cũng càu cạu, vội vội vàng vàng.

Một ngày của tôi diễn ra thế này: Sáng dậy sớm đi chợ. (Tôi phải đi chợ sớm thì thức ăn mới ngon và rẻ, hơn thế còn phải trở về nhà trước khi lũ trẻ dậy). Để có thể biết mình phải mua những gì, thì từ tối hôm trước, thậm chí là từ vài hôm trước, đầu tôi đã phải nổ tung lên để lên thực đơn. Nào thì ăn gì để không trùng với ngày hôm qua, ăn gì để cả nhà cùng phải hợp khẩu vị chứ không phải chỉ có bố khen còn các con chống đũa. Đi chợ về khi chồng và hai con vẫn còn đang say giấc, tôi tranh thủ quét qua cái nhà, (hoặc lau luôn nếu kịp), sau đó xăm xắn nấu ăn sáng, lúc thì rang cơm, khi thì đồ xôi, lúc lại đun nước để chuẩn bị úp mì. Hai con của tôi, một đã học tiểu học, một mới lên 4. Cả chồng tôi nữa, năm nay đã gần 40 tuổi.

Thế nhưng, tất thảy đều phải chờ tôi “thúc” thì mới chuyển động, từ việc gọi dậy (nếu không cả ba sẵn sàng ngủ luôn tới trưa), sau khi đánh răng rửa mặt xong là ngồi vào bàn ăn, chờ tôi bê đồ ra (tôi không lấy thì cũng cứ thế ngồi). Con lớn và chồng tôi sẽ ăn trước để kịp đi. Tôi đi muộn hơn chút, nên có nhiệm vụ xúc cho con út. Nó ăn thì chậm thôi rồi. Tôi phải giục luôn miệng, vừa xúc cho con, tôi lại vừa tranh thủ ăn, hoặc có khi còn chạy đi chạy lại tay năm tay mười làm thêm vô số việc phụ khác.

Mọi người sẽ thấy thật lạ, nhưng quả thực, 8 tiếng làm cơ quan với tôi lại là “thiên đường” nhất trong ngày. Bởi, có ai đến nhà tôi buổi tối mới thấy tôi bận thế nào. 4h30 phút, tôi phóng ra khỏi cơ quan đi đón con. Đứa này đón một nơi, đứa khác đón một nơi. Về tới nhà, tôi lại lao vào dọn dẹp, cơm nước. Vừa nấu, lại vừa quay sang tắm cho con. Cơm xong thì cho con ăn trước rồi vừa trông đứa nhỏ, vừa giục con lớn học bài. Lúc này, chồng tôi mới trở về, có thể là từ một trận đấu bóng hoặc quán bia nào đó. Chúng tôi cùng ăn cơm, rồi tôi lại dọn dẹp bát đũa lần hai. Sau đó thì tắm táp và giặt giũ, phơi phóng quần áo. Nghe thì vắn tắt vậy nhưng quả thực, có ở trong cảnh của tôi mới biết việc không tên nó mệt đến thế nào. Nhiều hôm, làm xong từng đó việc đã 10-11 giờ đêm, lại nhớ còn đống việc cơ quan mang về, tôi lại lo cho các con ngủ say rồi len lén trở dậy, bật máy tính làm nốt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước, tôi có tới vài ba tiếng đi chơi thì nay chỉ có một tiếng nằm thảnh thơi trên giường đã khó. Khi thì đứa này mè nheo, nhéo tai nhéo chân vòi mẹ chơi cùng. Khi thì đứa kia eo éo gọi hỏi bài này làm ra sao, bài kia viết thế nào. Rồi cả lúc chúng cãi nhau ỏm tỏi, khóc lóc ầm ĩ, tôi đã vốn căng thẳng đầu óc vì stress công việc nên lại càng muốn tăng xông hơn.

Chồng tôi là con một trong gia đình. Vì thế, anh được nuông chiều nên chẳng mấy khi động tay động chân vào việc gì. Mà có động thì chắc chắn kiểu gì cũng hỏng. Lấy anh-tiếng là có người đàn ông trụ cột trong nhà nhưng thực tế, tôi thì như thể là mẹ của 3 đứa trẻ vậy. Hỏng cái vòi nước ở bồn rửa bát, gọi thì chồng tôi cứ cắm mặt vào vi tính chơi điện tử, bảo: “Em bỏ tiền ra thuê người về làm cho”; Cái cống trong nhà tắm bị tắc, chồng tôi tắm xong, chạy vọt vào phòng ngủ lắc lắc đầu than: “Khiếp quá, nước nó rềnh lên đến kinh. Em bỏ tiền ra thuê người về làm cho”.

Đến cái đèn trong phòng ngủ hỏng, dễ đến cả tuần chồng tôi cũng mặc kệ, cứ để vợ con tù mà tù mù đi ra đi vào. Rồi đến ngày thứ tám, anh không những không ân hận mà còn trách tôi: “Em bỏ tiền ra thuê người về làm cho, có thế mà cũng chậm chạp”. Tôi thì tiếc tiền, nếu cái gì cũng thuê cả thì còn đâu tiền mà sống nên thôi, đành tự làm thay chồng. Lúc đầu tôi còn ngượng ngịu, về sau thì quen dần. Giờ đây, tôi có thể trèo lên cửa sổ để thay bóng đèn, rồi thông cống, thay van nước… ngon ơ.

Nhưng quả thực, càng biết nhiều thì càng khổ nhiều. Dần dà, chồng con tôi coi tôi là người đa gi năng trong nhà. Tôi giống như là bảo vệ (khi đi ngủ, nếu tôi không kiểm tra xem cửa cổng đã khóa chưa thì cũng chẳng ai làm), nhân viên lao công (tôi mà không xắn tay quét nhà, cọ nhà tắm, lau cửa kính thì… kệ mẹ thôi), rồi là đầu bếp (đương nhiên, phụ nữ thì phải lo cơm nước); rồi các loại thợ xây, thợ khóa, thợ sơn sửa (mẹ giỏi thì mẹ làm luôn cho tiện). Chồng tôi đi công tác cả tháng, trời đất không suy xuyển. Nhưng, tôi mà đi vắng dù chỉ nửa ngày Chủ nhật là coi chừng, trái đất sẽ ngừng quay. Chồng và con có khi còn đói lả vì chẳng có ai nấu cho mà ăn. Ốm cũng không có ai lấy thuốc cho uống.

Nếu ai từng tay hòm chìa khóa trong nhà thì mới hiểu cái cảnh đi chợ như là bị mất trộm tiền nó thế nào. Giá cả thì mỗi ngày mỗi cao, đồng tiền mình kiếm ra thì có hạn. Vì thế, bà nội trợ nào cũng phải lo mà tiết kiệm, vun vén. Tôi chủ trương “dùng lại tối đa” có thể. Bữa tối ăn còn thừa, tôi sẽ gom lại để bữa sau đun lên ăn tiếp. Hoặc là ăn cố cho khỏi phí. Thế nhưng, lâu dần, các con và chồng tôi vô hình trung coi tôi là người chuyên ăn đồ thừa của gia đình. Con ăn thừa cũng gọi mẹ ơi ra ăn nốt này. Chồng ăn thừa thì bảo con: để đấy tý mẹ ra xử lý. Có một lần, chúng tôi đến nhà bạn tôi chơi. Con tôi là người ăn sau cùng, nhìn thấy bàn ăn còn thừa ít thịt thì hồn nhiên bảo bạn tôi: “Cô ơi, để cháu gọi mẹ vào ăn nốt”. Tôi nghe xong, vừa buồn, vừa tủi.

Nhiều lúc, tôi tự nghĩ, hình như mình là “Ôsin” trong nhà thì đúng hơn là vợ, là mẹ. Thậm chí, tôi còn kém cả ôsin nữa kia. Người giúp việc thì còn có lúc được nghỉ, rồi tháng tháng được nhận lương, lễ Tết có thưởng. Không thích thì có thể chào tạm biệt, đi nhà khác làm. Nhưng tôi, không những làm không công mà hàng tháng vẫn phải đóng thêm tiền lương để làm sinh hoạt phí cho cả nhà. Chồng tiếng là đưa tiền cho vợ, nhưng không phải để… vợ tiêu riêng mà để cùng nuôi con; lễ, Tết, chẳng có ai thưởng tôi cái gì. Nhà có đồ ngon vật lạ cũng nhường cho chồng con ăn hết. Và tôi dù có mệt mỏi đến mấy thì cũng không thể bỏ chồng con mà đi nơi khác được.

Cái chuyện Ôsin cao cấp của tôi là thế. Và tôi còn chẳng biết đến lúc nào thì chuyện này mới kết thúc. Mười mấy năm rồi, tôi cũng chưa biết ốm đau là gì. Vì cũng chẳng dám ốm. Mệt thì cũng phải cố mà dạy làm. Nói ra thì bảo vợ lo cho chồng, mẹ lo cho con mà còn kể lể này nọ. Nhưng, quả thực, lắm lúc, tôi chỉ muốn tỉnh dậy mình được biến đến một đảo hoang, được chơi ở đó một hai ngày mà chẳng phải nghĩ đến việc nhà.

Theo Hoàng Hiền
Phụ nữ Thủ đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.