Tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
TP - Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 23-26/6 theo lời mời của Tổng thống George W. Bush, Đại sứ Mỹ Michael Michalak gửi tới Tiền phong bài viết của ông về quan hệ Việt-Mỹ. Tiền phong trân trọng giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc.
Tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ảnh 1

Đại sứ Mỹ Michael Michalak.
Ảnh: Đại Phượng

Năm thứ tư liên tiếp, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc trao đổi chính thức giữa lãnh đạo cấp cao nhất của Hoa Kỳ và Việt Nam khi Tổng thống George W. Bush đón chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhà Trắng vào ngày 24 tháng 6.

Hai nhà lãnh đạo có rất nhiều điều để trao đổi với nhau: quan hệ song phương liên tục phát triển giữa hai nước, những mối quan tâm chung về hòa bình,thịnh vượng và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác ngày càng tăng trong một loạt các lĩnh vực cùng quan tâm.

Như bất cứ cuộc gặp nào giữa những người bạn, có thể họ không nhất trí với nhau về mọi vấn đề, nhưng trên cơ sở mối quan hệ của họ, họ có thể bàn bạc bất kỳ vấn đề nào. Chỉ riêng điều đơn giản này đã cho thấy hai nước chúng ta đã tiến được bao xa từ khi bình thường hóa quan hệ cách đây 13 năm.

Trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư gia tăng không ngừng, và đó sẽ là một trọng tâm thảo luận giữa lãnh đạo hai nước, việc ngài Thủ tướng sẽ thảo luận với một loạt các nhà lãnh đạo chính trị, giáo dục và thương mại cấp cao nhất của nước tôi đánh dấu sự phát triển đáng kể về bề rộng và chiều sâu trong mối quan hệ giữa hai nước.

Với tinh thần đó, tôi muốn nêu bật ba lĩnh vực cho thấy quan hệ song phương rất phát triển và cũng minh họa cho tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như đối với khu vực và thế giới. Các lĩnh vực này là giáo dục, môi trường, và an ninh khu vực.

Giáo dục là chìa khóa dẫn đến tăng trưởng và thành công của mỗi quốc gia trong tương lai, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ngài Thủ tướng đã đưa việc phát triển chiều sâu hợp tác giáo dục giữa hai nước chúng ta thành một mục tiêu rõ ràng của Chính phủ Việt Nam, và Hoa Kỳ sẵn sàng là một đối tác trong nỗ lực này.

Chúng ta đã có rất nhiều chương trình hợp tác nhiều mặt hướng tới mục tiêu chung là gia tăng số sinh viên Việt Nam đến học tập tại Hoa Kỳ, phát triển chiều sâu sự trao đổi giữa các trường và giúp các công ty Mỹ đào tạo lao động có kỹ năng để thúc đẩy các lợi ích thương mại tại đây.

Chuyến thăm của Ngài Thủ tướng sẽ bao gồm một số các cuộc gặp, thảo luận và thoả thuận cấp cao và thực chất về giáo dục. Chuyến thăm của ngài Thủ tướng sẽ mang đến cơ hội khuyến khích các quan hệ đối tác công-tư, vốn là yếu tố hết sức quan trọng đối với việc phát triển thành công hạ tầng giáo dục ở các nước ASEAN khác.

Chúng ta cũng sẽ tìm kiếm các kênh thảo luận tốt hơn để phát triển chiều sâu sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm quan hệ giữa các cơ sở giáo dục cả hai phía. Tôi sẽ tham dự các cuộc gặp của ngài Thủ tướng về giáo dục trong chuyến thăm Hoa Kỳ, và tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc thảo luận song phương sau chuyến thăm này.

“Đất nước tôi thụ hưởng nhiều lợi ích qua những trao đổi này. Tôi hoan nghênh sáng kiến của ngài Thủ tướng kêu gọi gắn kết rộng rãi hơn giữa hai nước. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Hai nước chúng ta có những điểm khác biệt, nhưng những lợi ích rõ rệt của việc gia tăng tiếp xúc, tăng cường hiểu biết và phát triển chiều sâu các quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp chúng ta duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước”

Với nhận thức rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu, Tổng thống Bush và Thủ tướng Dũng sẽ vạch ra các kế hoạch nhằm thúc đẩy các nỗ lực của Việt Nam để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có việc thành lập một tiểu ban mới trong khuôn khổ Hiệp định Khoa học và Công nghệ Song phương để thảo luận và điều phối các sáng kiến.

Thêm vào đó, tôi rất vui mừng về sự hợp tác hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường quanh các khu chứa chất dioxin trước đây, nhất là việc thực hiện giải ngân 3 triệu đôla cho các dự án cải thiện môi trường và y tế. Điều đáng chú ý là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mới đây đã kêu gọi những ý tưởng sáng tạo để cải thiện các dịch vụ cho người khuyết tật ở Đà Nẵng.

Tôi tin tưởng rằng những nỗ lực mở rộng này sẽ khuyến khích các nhà tài trợ khác cùng tham gia vào một nỗ lực rộng lớn, đa phương để xử lý các tác động của dioxin.

Tôi cho rằng lòng nhiệt tình và tâm huyết tương tự mà Việt Nam dành cho việc cộng tác với chúng tôi về các vấn đề quan trọng này cũng sẽ thấm nhuần các nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng việc bảo vệ môi trường với việc tiếp tục tăng trưởng kinh tế.

Hoa Kỳ giữ nguyên cam kết làm tất cả những gì chúng tôi có thể để giúp Việt Nam công nghiệp hóa và hiện đại hóa một cách bền vững về mặt môi trường.

Cuối cùng, Tổng thống và Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn về hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và chúng tôi mong củng cố sự hợp tác song phương và đa phương để thúc đẩy những mục tiêu này.

Trong thời gian ở Washington, chúng tôi mong thảo luận về cách thức Việt Nam sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực song phương, khu vực và toàn cầu để đảm bảo rằng tất cả chúng ta đều có thể tiếp tục phát triển và thịnh vượng thông qua thương mại.

Tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong ASEAN, APEC và các diễn đàn khác có ý nghĩa rất lớn đối với vấn đề này.

Để kết thúc, nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân Việt Nam qua mỗi ngày càng trở thành những người bạn tốt của nhau thông qua quá trình mở cửa và trao đổi trên mọi lĩnh vực. Khi các mối quan hệ của chúng ta ngày càng rộng lớn hơn, chúng cũng trở nên phức tạp hơn, vượt qua cả những trao đổi kinh tế vốn đã rất sôi động giữa hai nước.

MỚI - NÓNG