Tám nhà thơ trên sân khấu sáu mặt

Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn trình diễn thơ trên sân khấu, đệm đàn: nghệ sĩ MPK Phước Khùng. Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn trình diễn thơ trên sân khấu, đệm đàn: nghệ sĩ MPK Phước Khùng. Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa
TP - Nhà lục giác bên bờ sông Hương trở thành sân chơi của thơ tối Chủ nhật 6-6. Đây vốn là nhà kèn để chiều cuối tuần dàn nhạc kèn ra chơi. Chỉ có vậy cùng mưa lất phất và gió Hương Giang xuyên qua sáu ô cửa gió, một đêm thơ trình diễn được tạo tác... Tám nhà thơ đến từ ba miền đất nước.
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn trình diễn thơ trên sân khấu, đệm đàn: nghệ sĩ MPK Phước Khùng. Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn trình diễn thơ trên sân khấu, đệm đàn: nghệ sĩ MPK Phước Khùng. Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa.

Chỉ là 8, tám người trình diễn, trong khi dự định là 9. Cất công từ Buôn Mê (Đắk Lắc) xuống, nhưng thi sĩ Lê Vĩnh Tài vẫn ngại lên sân khấu với kịch mục đã định trước. Dù ít ra hai lần Festival thơ Huế gần đây, Tài đã ngồi nghê nga đọc thơ giữa nhà lục giác này, với sân khấu hoang dã chỉ là những cái két rỗng vốn dùng đựng vỏ chai bia, trước “thực khách” thơ là người qua kẻ lại. Hai chữ trình diễn (performance art) khiến nhà thơ cảm thấy nặng gánh chăng?

Tám cái tên, về Huế trình diễn đêm của “Những nấc thang”, gồm Huỳnh Lê Nhật Tấn (Đà Nẵng), Nguyệt Phạm, Chiêu Anh Nguyễn, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử (TP.HCM), Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận), Nguyễn Quỳnh Trang, Lê Anh Hoài (Hà Nội). Người dẫn chương trình vẫn không ai khác ngoài nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Đều là những tên tuổi không xa lạ gì với thơ trình diễn và thơ nói chung. Trong đó có nhiều người đã tham gia góc thơ sắp đặt tại sân thơ trẻ 2010 Văn Miếu - Hà Nội...

Khán giả đã bị hút ngay từ đầu khi Nguyệt Phạm bước ra “Đấu giá” chính mình. Với áo dài trắng thanh khiết và động tác chừng mực nhưng ám ảnh: “Mỗi ngày tôi tự đấu giá mình.../Mỗi ngày tôi tự đọc mình/Một cuốn sách dần mất chữ ...”. Nguyệt Phạm đã cho người dán lên mình những tờ giấy in mã vạch hàng hoá và giá cả, những tờ giấy mà nhà thơ xé rơi lả tả như những khoảnh khắc sống.

Tưởng chừng rất hiền là tác phẩm Tự họa của Chiêu Anh Nguyễn, nàng thơ trong bộ lụa trắng, thấp thoáng sau một khung lụa nữa, tương phản với anh chàng MPK Phước Khùng râu tóc đang ngồi bệt trên sân khấu lục giác ngấu nghiến chiếc ghi ta thùng buông những tiếng sai dây cố ý. Nhưng những câu thơ của Chiêu Anh Nguyễn lại dữ dội: “Lơ lửng dưới chân/bắt gặp thi thể mình/ghim chặt trên khung toan/trắng muốt ...”.

Piano dậy nhẹ như chiều dạo trên sông. Nhưng là sông Hồng, với bóng một nữ nhà thơ đến từ châu thổ - Nguyễn Quỳnh Trang- áo váy đứng lặng. Màn chiếu sau lưng, hoàng hôn về tối. Nền dương cầm của Vũ Nhật Tân chấp chới. Quỳnh Trang đứng lặng trước màn hình, trên đó những hình ảnh của chính cô slide show chấp chới: “Tôi đã ở đây trong cuộc sống này ... Tôi đã ở đây với hơi thở này/ dù phải đánh đổi trăm ngàn thống khổ bóp nghẹt lí trí/ dù ngã xuống để phải bò từng bước đi lên ...”.

Có phải vì thế mà nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Tiến Văn, người cất công đi theo nhóm trình diễn từ đầu đã nhận xét: Đa phần các tác phẩm trong cuộc trình diễn, các nghệ sĩ đã quan tâm phô bày bản thể của chính mình.

Hình thức trình diễn chỉ trong 8 tác phẩm những rất đa dạng. Huỳnh Lê Nhật Tấn đọc thơ kết hợp vẽ trực tiếp trên sân khấu với hai màu đen-trắng trên nền nhạc Như cây đã khô (Diệp Chí Huy); Đồng Chuông Tử tạo ra những hoạt cảnh đời thường sinh động để đưa ra triết lý: Im lặng để tránh xung đột (tác phẩm Mùi thơm của im lặng); Tuệ Nguyên dùng bức màn ngăn cách và khoảng sáng – tối để lột tả sự tha hoá tâm hồn và nhân cách con người tôi một nộm hình tang trắng/ cùng ở phía bên kia của cánh cửa khép/ có người đi tìm kẻ đã chết... (tác phẩm Cánh cửa khép); Lê Hưng Tiến nhấn mạnh biểu tượng trái tim thơ bị xé tan, bên cạnh những con người phục trang đầy chữ (thư pháp)...

Bốn phút Loanh quanh của Lê Anh Hoài hóa ra lại chói gắt hơn bình thường giữa khung cảnh đêm Huế, với những động tác hình thể nhanh mạnh, sắc đen của phục trang và sắc trắng của giải băng bịt mắt trên nền video art đầy xung đột (tác giả Nguyễn Hoàng Hương, Phan Vũ Thanh Phương, Lê Anh Hoài). Tác phẩm Loanh quanh của anh phản ánh hoàn cảnh và tâm thức của con người thời hiện đại, nhiều khi không tìm được chuẩn mực và giá trị sống, không phải vì không có, mà phải chăng vì có quá nhiều, quá tải?

Đa dạng, đa chiều như thế, nên công chúng, và cả nhiều nhà thơ có mặt tại đêm trình diễn không khỏi giật mình. Để tự hỏi: “Vậy, thơ là gì? Và trình diễn thơ là gì?”. Nhất là trong bối cảnh thơ trình diễn lần đầu đến với công chúng Huế.

Người viết bài này thử làm ngay một cuộc phỏng vấn “bỏ túi”. Người dẫn chuyện Phạm Xuân Nguyên cười: “Các bạn có để ý thấy chương trình bị chậm mất mấy mươi phút vì lý do kỹ thuật, các nhà thơ tất tả chạy lên chạy xuống? Âu cũng là trình diễn thơ đấy !”. Nhà thơ Phạm Nguyên Tường - Chủ tịch Hội nhà văn Thừa Thiên - Huế, nhà tổ chức sự kiện: “Muốn đưa trình diễn thơ về Huế để công chúng yêu thơ có dịp mục sở thị thơ trình diễn đương đại. Bởi lâu nay thậm chí nhiều người vẫn hiểu trình diễn là ngâm, đọc, thư pháp..., điều mà chúng tôi đã tổ chức từ vài Festival trước. Còn cảm nhận xin tùy vào mỗi người”.

Nhà thơ Ngô Minh: “Ghi nhận sự cố gắng của ban tổ chức. Tôi luôn ủng hộ sân chơi của anh em trẻ. Tuy nhiên riêng tôi không thích trình diễn thơ. Thơ không trình diễn. Với tôi, thơ là của một người, chứ không phải cuộc chơi của nhiều người ...”. Cùng ý này còn có nhà thơ Phù Hư. Tuy nhiên, những nhà thơ tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật đương đại và hậu hiện đại như Phùng Tấn Đông, Liêu Thái thì lại tỏ ra tâm đắc. Dường như một sân thơ nhỏ đã trở thành một tiêu điểm cho tranh luận.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đến từ Quảng Bình, cởi mở: “Tất cả mọi hình thức nghệ thuật đều phải được tôn trọng như nhau khi đến với độc giả và khán giả. Không lý do nào để nói trình diễn thơ là cách “giết chết thơ”, hoặc làm thơ mệt mỏi. Người xưa vẫn có không gian trình diễn của riêng mình, có thể là tấu, vè, tiếng đàn, bộ gõ...Nay thì là piano, các nhạc cụ, kỹ thuật hình ảnh khác, tại sao lại cảm thấy nhức mắt, theo tôi như vậy là không công bằng. Vấn đề là làm sao gợi ý cho khán giả hiểu và đến với bài thơ bằng nhiều cách. Đối với Huế đây là lần đầu tiên, dù các phần trình diễn chưa đều tay, nhưng việc mời gọi sự cộng cảm là rất đáng quý với Huế...”.

MỚI - NÓNG