Tám ngân hàng bị qua mặt, cõng nợ trăm tỷ

Tám ngân hàng bị qua mặt, cõng nợ trăm tỷ
Công an tỉnh Phú Thọ vừa phanh phui 45 khách hàng vay vốn tại tám ngân hàng tự ý bán tài sản bảo đảm (TSBĐ), không trả nợ ngân hàng trên 123,742 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 72 tỉ đồng, nợ lãi hơn 51 tỉ đồng).

Tám ngân hàng bị qua mặt, cõng nợ trăm tỷ

Công an tỉnh Phú Thọ vừa phanh phui 45 khách hàng vay vốn tại tám ngân hàng tự ý bán tài sản bảo đảm (TSBĐ), không trả nợ ngân hàng trên 123,742 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 72 tỉ đồng, nợ lãi hơn 51 tỉ đồng).

Tổng giá trị TSBĐ đã bị bán (theo định giá) là 85,5 tỉ đồng bao gồm 30 xe ô tô các loại; 50 máy xây dựng và máy thi công, 16 tàu thuyền; trang trại chăn nuôi, tám sổ đỏ, nhà xưởng…Nhiều khách hàng đã “cao bay xa chạy” bỏ lại món nợ khổng lồ. Không ít màn kịch hô biến “vịt” hóa “thiên nga” được thực hiện ngoạn mục, hoàn hảo có sự tiếp tay từ cán bộ ngân hàng biến chất.

Nâng cấp "vịt” thành “thiên nga”

Dưới danh nghĩa hai hộ kinh doanh cá thể, vợ chồng Nguyễn Văn Hữu (SN 1966) và Lê Thị Doanh (SN 1971, ngụ khu 8 xã Phú Mỹ, H.Phù Ninh, Phú Thọ) là khách hàng quen thuộc của phòng giao dịch Trạm Thản - Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT Phù Ninh. Bằng thủ đoạn sửa chữa chứng từ mua bán tài sản, nâng cao giá trị tài sản thế chấp cầm cố, sau đó ký hợp đồng vay vốn ngân hàng được nhiều tiền hơn giá trị tài sản thế chấp, đem trả nợ và tiêu xài, mất khả năng thanh toán.

Tám ngân hàng bị qua mặt, cõng nợ trăm tỷ ảnh 1
 

Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường sông tuyến Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng, từ năm 2002, Hữu mua thuyền máy BKS PT 0600 và PT 1310 giá 160 triệu đồng rồi cùng Doanh đến phòng giao dịch Trạm Thản làm thủ tục xin vay 340 triệu đồng. Doanh bàn với Hữu khai nâng khống giá trị thuyền máy PT 0600 từ 85 triệu đồng lên 160 triệu đồng, thuyền máy PT 1310 từ 160 triệu đồng lên 240 triệu đồng; và thế chấp một mảnh đất trị giá 138 triệu đồng (cao hơn thực tế).

Tin tưởng vợ chồng Hữu, ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc cùng ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổ trưởng tín dụng và ông Đào Văn Tiến, cán bộ tín dụng phòng giao dịch Trạm Thản không khảo sát giá thị trường, không xác minh rõ nguồn gốc mà lập biên bản xác định giá trị hai thuyền máy là 400 triệu đồng. Khi vợ chồng Hữu ký hợp đồng tín dụng số 074820269/HĐTD vay tiền, ông Tiến phát hiện còn thiếu giấy mua bán chuyển nhượng của chiếc thuyền máy PT 0600, đề xuất giám đốc là hồ sơ chưa đủ điều kiện vay vốn, nhưng ông Hùng vẫn chỉ đạo cho ký hợp đồng, hoàn thiện hồ sơ sau.

Vay được 340 triệu đồng thời hạn 50 tháng với lãi suất 1,15%/tháng, Hữu - Doanh tự ý bán hai thuyền máy PT 0600 và PT 1310 được 125 triệu đồng, nhưng chỉ trả nợ gốc 40 triệu đồng rồi... bùng, nhằm trốn tránh trách nhiệm thanh toán.

Cũng thủ đoạn tương tự, Doanh vay lãi ngoài mua tàu cuốc BKS VP 0625 giá 530 triệu đồng, sửa chữa giấy chuyển nhượng lên 700 triệu đồng và thế chấp GCNQSDĐ hộ bà Nguyễn Thị Mót, nâng tổng cộng giá trị tài sản bảo đảm là 974 triệu đồng để vay được 590 triệu đồng, lãi suất 1,15%/tháng, thời hạn vay 54 tháng. Rất lạ là tổ thẩm định không xác minh rõ nguồn gốc giá mua tàu và không tham khảo giá thị trường vẫn lập biên bản xác định giá trị tàu cuốc trị giá 700 triệu đồng và giấy chuyển nhượng chỉ là bản photocopy đã bị sửa chữa. Sau đó, vợ chồng Hữu bán tàu cuốc này được 230 triệu đồng, nhưng chỉ trả nợ lãi cho Phòng giao dịch Trạm Thản 6,703 triệu đồng.

Qua nắm tình hình, Phòng CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an Phú Thọ phát hiện 45 khách hàng vay vốn tại tám ngân hàng dùng "chiêu" tương tự như vợ chồng Hữu - Doanh, đó là tự ý bán tài TSBĐ, không trả nợ ngân hàng hơn 123,742 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 72 tỉ đồng, nợ lãi hơn 51 tỉ đồng). Tổng giá trị TSBĐ đã bị bán (theo định giá) là hơn 85,5 tỉ đồng bao gồm 30 xe ô tô các loại; 50 máy xây dựng và máy thi công các loại (máy xúc, máy ủi, máy lu, máy khoan thủy lực, máy nghiền hàm, cẩu chân chạy đường ray, cần trục bánh xích…); 16 tàu thuyền các loại (tàu cuốc, tàu cứu hộ, thuyền máy, xà lan…); tám sổ đỏ; trang trại chăn nuôi; nhà xưởng…

Trong số khách hàng nói trên, nhiều người “cao bay xa chạy”, điển hình như Đặng Thị Thanh, Giám đốc công ty TNHH Thiên Thanh (Vân Cơ, TP Việt Trì, Phú Thọ) vay vốn tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Phú Thọ - Chi nhánh Gia Cẩm và Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Phú Thọ, đã tự ý bán tài sản thế chấp là dây chuyền máy móc thiết bị. Tổng dư nợ của công ty Thiên Thanh là hơn 14,6 tỉ đồng, nhưng hiện tại vị giám đốc đã nhanh chân bỏ trốn. Vũ Trung Chính, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Bảo Long (P.Tiên Cát, TP Việt Trì, Phú Thọ) sau khi bán TSBĐ vay vốn tại hai ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân gồm 8 xe ô tô, 2 ô tô đầu kéo, 3 ô tô rơ-mooc, 10 máy xúc và máy ủi đã lặn không sủi tăm, bỏ lại món nợ hơn 15,33 tỉ đồng. Cao thủ hơn, Chính còn vay được của Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Việt Trì hơn 4,593 tỉ đồng mà TSBĐ chỉ là hai hóa đơn khống có giá trị ghi trên hóa đơn lên tới 5,872 tỉ đồng.

Lỗ hổng từ ngân hàng

Thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vỡ nợ, phá sản nên “cháy nhà ra mặt chuột”, thủ đoạn hô biến hồ sơ rởm thành thật, nâng đời giá trị tài sản thế chấp để cho vay tiền trót lọt đã bị vạch trần. Thông thường các NH chỉ cho vay 50%- 70% giá trị TSBĐ, trong khi tâm lý khách hàng khát vốn, muốn vay nhiều nên nghĩ cách “thổi” giá, “bôi trơn” cho cán bộ ngân hàng để vay được nhanh chóng, thuận lợi. Không chỉ do non kém nghiệp vụ thẩm định định giá, không ít cán bộ NH cố ý làm trái, tiếp tay “lách luật” làm ẩu, làm bừa. Áp lực cạnh tranh tăng dư nợ, một số NH đua nhau cho vay mà chẳng thèm quan tâm khách hàng kinh doanh cái gì, có khả thi không?

Tài sản đã đem cầm cố, thế chấp ngân hàng, tuyệt đối không được chuyển nhượng. Biện pháp cuối cùng khi khách hàng mất khả năng thanh toán, ngân hàng đem bán đấu giá để thu hồi nợ và lãi vay của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều ngân hàng ở Phú Thọ nói riêng và toàn quốc nói chung đã phải ngậm quả đắng mất trắng TSBĐ khi khách hàng mất khả năng thanh toán, tự ý đem bán hoặc gán nợ tài sản thế chấp hoặc lâm vào tình thế “khóc dở mếu dở” do khó bán tài sản thế chấp, dù có bán được cũng thấp hơn rất nhiều giá trị đã định giá. Số khách hàng chây ì trả nợ rồi bỏ trốn càng tăng, cơn lũ nợ xấu càng dâng cao.

Theo Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt - Trưởng phòng PC46 công an Phú Thọ, công tác nắm tình hình khó khăn do một số ngân hàng trên địa bàn né tránh, không cung cấp tài liệu, lấy lý do khi nào cơ quan điều tra khởi tố vụ án mới cung cấp vì đã có quy định của ngân hàng nhà nước. Một khoảng trống nữa là thanh tra ngân hàng hoạt động không hiệu quả, chưa phát hiện kịp thời. Ngoài ra, không loại trừ khả năng có sự thông đồng giữa người vay và cán bộ ngân hàng để lấy bản chính giấy tờ tài sản thế chấp hoặc đối tượng vay làm giả giấy tờ để bán tài sản.

Do đó, cần xử lý nghiêm các đối tượng tự ý bán tài sản thế chấp, không thanh toán trả ngân hàng; xem xét trách nhiệm các ngân hàng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát, thẩm định, cho vay đồng thời siết chặt thủ tục cho vay để bịt kẽ hở, giảm thiểu nợ xấu.

Theo Báo CATP

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG