Mùa lễ hội 2023 rục rịch khởi động, ông dự đoán như thế nào về sự khởi sắc của lễ hội sau ba năm ngưng trệ do dịch bệnh?
Sau ba năm dịch bệnh, lễ hội có thể bùng nổ. Người dân có nhu cầu đi hội như một sự giải tỏa. Chắc chắn họ đi lễ hội đông hơn trước, nhất là với các lễ hội mang tính hành hương.
Cảnh chen lấn, xô đẩy lễ hội năm nào cũng có. Làm thế nào để ban tổ chức lễ hội giải quyết được câu chuyện này?
Năm nào cũng xảy ra vấn nạn chen lấn xô đẩy. Theo tôi, quan trọng nhất là không gian lễ hội. Những lễ hội có không gian rộng thường hạn chế được cảnh chen chúc, các lễ hội không gian hẹp thì ngược lại.
Tôi nghĩ nên ban hành quy tắc ứng xử cho cả người đến dự lễ hội, người dân ở địa phương và ban tổ chức. Ý thức của người dân rất quan trọng.
Ví dụ tranh cướp vật thiêng (như cướp chiếu thiêng ở hội Gióng đền Phù Đổng, lễ hội đúc Bụt ở Vĩnh Phúc) chỉ dành riêng cho cộng đồng đồng ở địa phương đó. Du khách thập phương vào tranh cướp như vậy là không đúng.
![]() |
Chuyên gia khẳng định lượng người đi lễ hội năm 2023 chắc chắn sẽ đông hơn các năm trước. Ảnh: TRỌNG TÀI. |
Tâm lý đám đông có phải là một trong những nguyên nhân gây chen lấn không thưa ông?
Cần phải nghiên cứu tâm lý đám đông ở lễ hội - đó là yếu tố nảy sinh tranh cướp. Ban tổ chức lễ hội cần đưa ra các kịch bản để giảm tải vấn nạn này. Ví dụ, hướng dẫn người tham gia lễ hội đi đường vòng thay vì đi thẳng, sắp xếp những trạm ba-ri-e với những lễ hội lớn. Khi xảy ra sự cố, ba-ri-e ngăn từng bước một, bởi nếu chỉ ngăn một chỗ sẽ ùn tắc, vỡ hội.
Kinh nghiệm tổ chức, năng lực của ban tổ chức ở địa phương cần phải được chú trọng hơn. Ban tổ chức nên có kịch bản và cũng nên tập dượt kịch bản cho chắc chắn.
Trong lễ hội, vai trò của người dân và chính quyền nên kết hợp hài hòa. Không nên ép buộc mọi lễ hội phải có những khuôn khổ, quy định cụ thể giống nhau" - TS. Trần Hữu Sơn.
Chúng ta có thể thấy gì từ những thảm kịch xảy ra ở các lễ hội trên thế giới, mới đây nhất là thảm kịch Itaewon ở Hàn Quốc?
Từ thảm kịch Itaewon, các lễ hội Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi nghĩ lễ hội của Việt Nam khác ở chỗ chúng ta có ban tổ chức. Trách nhiệm, vai trò của họ rất quan trọng
Nhiều nhà khoa học cho rằng nên trả lại lễ hội cho dân, hoặc hạn chế tổ chức lễ hội. Quan điểm của ông như thế nào về việc tổ chức và xây dựng mô hình quản lý lễ hội?
Lễ hội là tài sản, là tính đa dạng của văn hóa. Đó là yếu tố cần phải có. Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi làng có một lễ hội. Tại sao khi ấy người ta làm được mà bây giờ chúng ta cứ hạn chế, tiết kiệm. Đó là quan điểm sai lầm.
Về quan điểm trả lại lễ hội cho dân, tôi nghĩ chỉ đúng một phần. Ngày xưa, người dân chủ động mọi thứ trong công tác lễ hội. Nhưng lễ hội bây giờ phát triển, gắn với du lịch. Một sân đình ngày xưa 200-300 người tới là đông, bây giờ hàng ngàn người đổ về. Việc tổ chức lễ hội liên quan đến an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Nếu không có chính quyền địa phương thì khó mà bảo đảm.
Trong lễ hội, vai trò của người dân và chính quyền nên kết hợp hài hòa. Không nên ép buộc mọi lễ hội phải có những khuôn khổ, quy định cụ thể giống nhau. Phần an ninh an toàn, đón tiếp khách... phải có sự điều hành từ ban tổ chức. Nếu buông lỏng quản lý lễ hội, có thể nhìn ngay vào thảm kịch ở Hàn Quốc khi xảy ra thương vong không ai chịu trách nhiệm.
![]() |
Cảnh tranh cướp lộc hoa tre ở hội Gióng, Xuân 2020. Ảnh: DUY PHẠM. |
Trong xã hội hiện đại, nhiều người không còn mặn mà với giá trị truyền thống nữa. Theo ông làm thế nào để lễ hội luôn phát huy được đúng giá trị?
Lễ hội cổ truyền muốn tồn tại phải đáp ứng nhu cầu của lớp trẻ, của người dân, phải có tác dụng với xã hội đương đại. Một số người trẻ vẫn thích lễ hội.
Nếu gắn với du lịch và quảng bá tốt, lễ hội sẽ có sức hút. Nhiều người trưởng thành, đi làm ăn xa, rất muốn quay lại hướng về lễ hội quê hương. Chúng ta phải chú ý vai trò của mạng xã hội, để những người xa xứ có thể sống với lễ hội qua mạng ảo, hoặc biết trước tin tức về thời gian tổ chức để trở về.
Trong xã hội công nghiệp phát triển, lễ hội có tính giải trí nên vẫn còn phù hợp với xu thế. Năm nay, lễ hội sẽ đông hơn năm trước. Nhìn vào lễ hội đền Hùng, lễ hội chùa Hương diễn ra bao nhiêu năm rồi mà ngày càng đông người đến dự.
Cảm ơn ông!
Không thể bỏ lễ hội, nhưng...
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định lễ hội nói chung là di sản văn hóa quý giá, phản ánh lịch sử, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của người Việt Nam.
“Chúng ta không thể và không nên bỏ lễ hội, nhưng tổ chức như thế nào lâu nay vẫn là vấn đề có nhiều ý kiến trao đổi. Theo tôi không thể bỏ lễ hội, nhưng tổ chức sao cho đúng. Nghĩa là phải đảm bảo yếu tố gốc của lễ hội, không áp đặt của người đương đại vào lễ hội. Nhà nước chỉ hướng dẫn, không hành chính hóa lễ hội. Nên phát huy vai trò của cộng đồng, trả tổ chức lễ hội cho cộng đồng”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nêu.
![]() |
Ông đề xuất, các nhà quản lý cần chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố phản cảm, không có tính giáo dục, phản văn hóa trong lễ hội, bài trừ các hành vi sai trái trong các lễ hội như thương mại hóa, bạo lực, mê tín dị đoan, cờ bạc, đốt quá nhiều vàng mã, mất trật tự an ninh, tại nạn giao thông… “Lễ hội không nên tổ chức dài ngày, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ đề xuất.
NGUYÊN KHÁNH