Tấm lòng những “sinh viên đồng nát”

Tấm lòng những “sinh viên đồng nát”
TP- Tay khệ nệ xách bao dứa, nilon, tay thoăn thoắt nhặt nhạnh chai lọ, giấy vụn, miệng không ngớt mỉm cười: “Xóm mình còn đồ gì không dùng đến, nhớ để gọn một chỗ chờ tụi mình đến gom nhé” - công việc tình nguyện của nhóm "Ve chai vì người nghèo" là thế.

Chủ nhật, hơn hai chục thành viên Ve chai vì người nghèo đã tập trung trước cửa ký túc xá Đại học Nông nghiệp 1 từ rất sớm. Ai nấy đều chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” để ra quân thu gom phế liệu. Hôm nay, địa bàn của nhóm là toàn bộ khu ký túc và nhà dân lân cận…

Vừa gạt mồ hôi sau khi bê một bao đồ khá nặng từ phòng 103, Nguyễn Thị Thủy (K50 Kế toán và Quản trị kinh doanh) háo hức khoe: “Mới đi được hai phòng khu C1 mà đã gom được chừng này ve chai rồi”.

Ý tưởng thành lập đội ve chai tình nguyện xuất phát từ sáng kiến của đội trưởng Trịnh Đức Hạnh (K49 Tin học). Sau những lần thu dọn phòng trọ, Hạnh nhận thấy chai lọ, đồ cũ vứt đi rất phí, trong khi hoàn toàn có thể gom lại làm những việc có ích.

Hạnh thuyết phục được 7 sinh viên cùng xóm trọ lập nên nhóm Ve chai vì người nghèo, hoạt động chủ yếu tại Đại học Nông nghiệp 1, xã Cửu Việt và xã An Đào (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đến nay, nhóm đã phát triển lên tới hơn 30 thành viên.

Hằng tuần, vào thứ Bảy và Chủ nhật, các thành viên nhóm chia nhau đến các ký túc xá, khu trọ sinh viên, nhà dân để thu gom đồ cũ, hỏng. Sau mỗi buổi thu gom, nhóm đưa ve chai đến điểm thu mua phế liệu để bán.

“Chai nhựa 6.500 đồng/kg, giấy viết 4.000 đồng/kg… Trung bình mỗi tuần nhóm cũng kiếm được từ 80.000 đồng - 200.000 đồng đưa vào quỹ Vì người nghèo, sử dụng cho các hoạt động từ thiện”.

Bị nghi là “đồng nát rởm”

Những ngày đầu, đội quân ve chai xách “đồ nghề” đi gom phế liệu gặp phải nhiều ánh mắt không mấy thiện cảm. “Có người nghi ngờ tụi mình giả danh tình nguyện để rình rập, trộm cắp, có người độc miệng còn gọi nhóm là “đồng nát rởm”.

Rồi không ít lần, tụi mình bị mắng té tát, hay bị đóng sập cửa ngay trước mặt”.  Đội trưởng Hạnh nhớ lại. “Lúc ấy ai cũng chạnh lòng, song lại tự động viên nhau – mình làm việc tốt, thì sớm muộn sẽ được chia sẻ”.

Số tiền thu được từ gom ve chai, nhóm dành để ủng hộ các bạn sinh viên, các em học sinh nghèo. Nhóm cũng tìm đến chia sẻ với nhiều mảnh đời không may mắn: giao lưu, tặng quà trung tâm Tự Lực của người nhiễm chất độc da cam tại Bát Tràng, thăm hỏi các bệnh nhân trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh), tổ chức nhiều chương trình vui chơi ý nghĩa cho trẻ em tự kỷ tại Giảng Võ (Hà Nội)…

Dần dà, sinh viên ký túc xá Đại học Nông nghiệp trở nên “quen mặt” những tình nguyện ve chai. Ba, bốn phòng sát cạnh nhau tự giác tập kết sách báo, chai lọ cũ hỏng, rồi gọi điện thông báo thành viên nhóm tới thu gom. Các cô bác nội trợ xung quanh cũng cẩn thận tích cóp đồ đồng nát, giao tận tay các cháu “ve chai” sinh viên mỗi dịp cuối tuần.

“Toàn đồ nhà mình không dùng tới, mấy cháu lại có sáng kiến giúp ích được cho người khác thì còn gì bằng. Thế nên chúng tôi ủng hộ hết mình” - Bác Chu Thị Vân (xã An Đào)  niềm nở.

Ngoài “lượm ve chai”, nhóm Vì người nghèo còn thu gom và quyên góp được hơn 160 bộ sách giáo trình cũ. Hiện, nhóm đang tiếp tục đi quyên góp giáo trình của các bạn sinh viên ở ký túc xá và các xóm trọ để tặng tân sinh viên khó khăn của trường trong năm học mới.

MỚI - NÓNG