Tấm lòng của người lái đò miễn phí

Học sinh hối hả rời đò đến trường
Học sinh hối hả rời đò đến trường
TP - Suốt 27 năm qua, ông Sỹ là người duy nhất ở thôn Ea Chai, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, Đắk Lắk ngày ngày lái đò đưa học sinh, giáo viên và người dân sang sông. Dù nắng hay mưa, ông đều cần mẫn phục vụ miễn phí!

Năm 1986 ông Phạm Văn Sỹ (sinh năm 1968) cùng vợ và cậu con trai đầu lòng rời xứ Huế đến thôn 6 xã Bình Hòa, huyện Krông Ana lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Nguồn sống cả nhà dựa vào vài sào lúa, không đủ ăn, vợ chồng ông qua tận làng trên làm thuê đủ nghề kiếm sống. Tuy nghèo khó nhưng gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười. 

Không muốn nghiệp dĩ “con trâu đi trước cái cày theo sau” bám đuổi đời con mình, ông quyết cho con ăn học nhưng ngặt nỗi trường xa, đường sá đi lại khó khăn, muốn đến trường phải vượt qua khúc sông dữ Krông Ana. Không còn cách nào khác, ông đóng đò chở con đi học.

Tấm lòng của người lái đò miễn phí ảnh 1 Ông Sỹ sẵn sàng cho một chuyến đò

“Mới đầu nghĩ chở mỗi con mình, sau thấy tụi trẻ trong làng lội nước đi học tội quá, tui chở luôn” ông Sỹ kể. Và từ đó ông đảm nhận nhiệm vụ đưa đón bọn trẻ đi học, ngày 2 bữa bất kể trời nắng hay mưa. Thấm thoắt tới nay đã 27 năm ông gắn đời mình với nghiệp lái đò. 

Theo vòng quay kim đồng hồ, cứ 6h sáng ông đưa các cháu đi học, 11h trưa đón về rồi chở tiếp các cháu học buổi chiều mà không lấy tiền công. Nhiều phụ huynh trong làng quý trọng ông, năn nỉ cho họ góp mỗi người ít tiền đưa ông đổ dầu chạy máy đưa đò. 

Tấm lòng thiện nguyện của ông đã chiếm được sự yêu thương, kính trọng của các em học sinh. “Chúng cháu rất mến chú Sỹ, nhờ có chiếc đò của chú mà chúng cháu mới qua sông đi học được”- cháu Phạm Thị Huỳnh, học sinh lớp 6 trường THCS Lê Văn Tám nói.

Không riêng học sinh, ngay cả giáo viên, người dân cần qua sông ông Sỹ đều vui lòng phục vụ, không nhận tiền công, chỉ lấy tiền dầu đổ máy, ai đưa ít nhiều gì cũng được. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Lan – người đã 26 năm “cõng chữ sang sông” ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phân hiệu thôn 6, xã Bình Hòa), tâm sự: “Ngày chưa có đò, chị em chúng tôi phải chịu cảnh đất bùn lên quá đầu gối khi mùa mưa sang, phải hít bụi dày đi đường vòng xa lắc vào mùa nắng mới đến được trường. Chiếc đò của anh Sỹ đã tháo gỡ được bao nhiêu khó khăn, giúp giáo viên chúng tôi thêm vững tâm đứng trên bục giảng”.

Cảm kích trước tấm lòng của ông Sỹ, từ năm 2011 đến nay, phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã đề ra chính sách hỗ trợ ông, bằng cách mỗi năm chi 10 tháng tiền nhiên liệu, mỗi tháng 6 triệu đồng để ông đưa đón học sinh và giáo viên đến trường. 

Mới đây, ông Sỹ phải vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng sửa lại con đò đã quá cũ. Ông Sỹ cho biết, lái đò không khó lắm nhưng phải lanh lợi, nhạy bén, luôn phải sẵn sàng xử lý chuẩn xác tình huống nguy hiểm, vì khúc sông này rất sâu, các cháu hay đùa nghịch dễ rơi xuống sông. Ông không mong gì hơn là được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một chiếc đò an toàn và làm bến đò cố định giúp bà con an tâm đi lại.

Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết huyện đã xin cấp trên cho xây dựng cầu treo. Trong thời gian chờ đợi có cầu, sự học của các cháu và việc đi lại của dân thôn Ea Chai vẫn phải trông cậy vào đôi tay chai sạm của ông Sỹ lái đò.

Không riêng học sinh, ngay cả giáo viên, người dân cần qua sông ông Sỹ đều vui lòng phục vụ, không nhận tiền công, chỉ lấy tiền dầu đổ máy, ai đưa ít nhiều gì cũng được.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.