Tấm lòng của ‘bà giáo dở hơi’

Bà giáo già làm thơ tự trào mình “dở hơi”
Bà giáo già làm thơ tự trào mình “dở hơi”
TP - Bà  làm những việc chẳng ai làm: Dạy trẻ tự kỷ, nuôi trẻ bị bỏ rơi, giúp học trò cai nghiện… Cứ miệt mài suốt mấy chục năm qua, người cảm phục bà cũng lắm, kẻ cười chê bà cũng nhiều. Có người nói: Bà bị “hâm”. Thế là, bà làm bài thơ tự trào: Bà giáo già “dở hơi”.  

Ở ngõ Khâm Đức, nằm trong phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, từ anh rửa xe tới chị cắt tóc hay một đứa trẻ con đều biết đến nhà bà giáo Đào Ngọc Huấn. Nếu hỏi nhà bà nằm ở đâu, người ta sẽ đọc vanh vách: Ở con ngách rộng, hai bên được trang trí bằng hoa. Phố chợ Khâm Thiên, đất chật, người đông, lấy đâu con ngách trồng hoa, chẳng qua đó là hoa vẽ trên tường. Khoan hãy bàn những bức tranh tường ấy đẹp hay không nhưng ở một con ngõ người lao động miệt mài mưu sinh, thế mà trào lưu Graffiti cũng “gõ cửa”. Kể cũng lạ. Tác giả của những bức tranh tường ấy chính là bà giáo già “dở hơi”.

Chở che những “thiên thần” đặc biệt

Chúng tôi đến thăm bà vào một buổi chiều tàn khi những người phụ nữ của gia đình bận rộn với công việc bếp núc. Riêng ngôi nhà nhỏ của bà Huấn, bếp vẫn chưa đỏ lửa, bà đang bận dạy một bé trai tự kỷ. Bé trai vừa viết chữ “O”, vừa nói liên hồi những từ không rõ nghĩa. Bà cũng không thể dứt việc “kèm kem” để tiếp khách, vì bé gọi bà liên tục: Mẹ, mẹ… Cho đến khi phụ huynh đến đón, bé lập tức bỏ bài vở, đeo ba lô lên vai. Vị phụ huynh nhắc con trai: Con chào bà đi. Bé quay lại đưa bàn tay xinh vẫy vẫy, lắp bắp: Mẹ, mẹ… Đây là một bé trai bị tự kỷ bà dành nhiều tâm huyết. Tầm 4 giờ chiều, dù đang bận vẽ tranh hay bất cứ công việc gì, bà Huấn cũng bỏ đó, tất tả đi đón cậu bé tại ngôi trường cậu đang theo học, rồi đưa về nhà mình dạy dỗ. Có những khi vừa ra khỏi cổng trường, cậu bé đã vứt ba lô và giày ngay xuống đất, rồi chạy đi ầm ầm, khiến bà giáo xấp xỉ 70 tuổi vai đeo ba lô, tay xách giày phải đuổi theo cậu bé trên đường phố. Song chẳng khó khăn nào khiến bà bỏ cuộc. Ròng rã suốt hai năm qua, bà ở bên cậu bé, dạy cậu những chữ cái đầu tiên của tiếng Việt: “Ban đầu, nhóc viết hai chữ “O” đã kín một trang vở. Mỗi một quyển vở tốn ba cục tẩy. Bây giờ mới được thế này”, bà kể.  Nay, nét chữ của cậu bé đã cứng cáp, ngay ngắn. Tò mò hỏi về thù lao nhận được qua công việc này, bà cười: “Tôi không mở lớp, không kinh doanh. Chỉ nhận vài cháu chăm sóc tình nguyện, phụ huynh thương bà lão già, có gửi cho tôi tiền xăng xe đưa đón các cháu, tiền đi xe ôm… Vậy thôi”. Bà không che giấu con số cụ thể: Phụ huynh đưa 500 ngàn đồng/tháng là nhiều. Cũng có phụ huynh khó khăn hơn, không đưa đồng nào, bà cũng chẳng đòi hỏi. Những đứa trẻ của bà giáo Huấn thuộc nhiều lứa tuổi: Có bé mới đang độ mẫu giáo, còn cậu bé gọi bà bằng mẹ đã hơn 11 tuổi. Chúng tôi hỏi bà đã kinh qua trường lớp chuyên đào tạo giáo viên dạy trẻ em đặc biệt chưa? Bà thú nhận: Không được học trường lớp nào, chủ yếu bà thu lượm kiến thức qua sách vở và trải nghiệm tiếp xúc với những “thiên thần” đặc biệt.

Tấm lòng của ‘bà giáo dở hơi’ ảnh 1  Bà Huấn dạy “thiên thần đặc biệt”

Dang tay với trò lầm đường, lạc lối

Bà Đào Ngọc Huấn nguyên là giáo viên cấp 1: “Tôi từng dạy ở trường Phú Diễn, rồi trường Cầu Diễn, sau lại ra trường Nguyễn Khả Trạc, ở Đồng Xa, Mai Dịch, lại về Cầu Diễn, rồi nghỉ hưu luôn”. Hơn 20 năm dạy học ở các ngôi trường ngoại thành Hà Nội, bà đã dìu dắt bao thế hệ học sinh. Có những học trò của bà lớn lên thành người lương thiện, gặt hái thành công trong cuộc sống, song cũng có những học trò đi vào ngõ tối khiến bà đau lòng. Mới có chuyện, cô giáo giúp học trò cũ cai nghiện. Nhớ lại hành trình cai nghiện cho học trò cũ đến giờ bà vẫn còn run: “Ban đêm em không ngủ được, bị lên cơn, cứ cấu, cứ giựt, đập đồ xoang xoảng, cho dù trước đó em đã nói với tôi trói hai tay em lại. Tôi thức cùng em, dùng nước lạnh đổ lên người em khi em quá vật vã, lại lấy khăn khô ấp lau cho em, mua thuốc cho em uống…”. Không chỉ giúp một trò cai nghiện, bà đã giúp tới 3 học sinh lỡ sa vào “nàng tiên nâu”: “Các em đến nhà, thú nhận với tôi, rồi nhờ tôi giúp cai nghiện”. Chúng tôi hỏi, các học trò của bà có thật sự hoàn lương sau đó? Bà thú nhận: “Có đứa thì bảo hoàn lương rồi nhưng không biết có hoàn lương thật không. Có đứa tôi vẫn đến thăm nhưng khoảng 2 năm nay thì không đến nữa. Con giai tôi bảo, mẹ già rồi, mẹ khổ quá rồi, mẹ nghỉ ngơi một chút đi”. Nhưng nào có được nghỉ ngơi, ngay sau đó bà lại bận bịu với các em nhỏ tự kỷ.  Bất kể thời điểm nào trong cuộc sống bà cũng xót xa cho những mảnh đời còn lạnh giá: “Ngày xưa, khi tôi mới ra trường, được phát 13,5 kg gạo nhưng toàn mang cho học trò nghèo, hoặc cùng ăn với trò”. Không phải bây giờ, trước đây người ta đã gọi bà Huấn là bà giáo “hâm”, thế là bà làm bài thơ tự trào, nhận luôn mình “dở hơi”.

Song không phải lúc nào sự ứng xử tử tế cũng nhận được trái ngọt. Cách đây vài năm, cũng chính tại con ngõ Khâm Đức, nơi bà đang sống, lòng tốt của bà đã bị người ta sỉ nhục: “Có một cháu trai ngoài hai mươi tuổi bị đuổi ra khỏi nhà. Tôi thương cháu nên cho cháu ở nhờ nhà tôi. Bà của cháu, vốn chơi khá thân với tôi trước đó, đã sang mắng tôi thậm tệ, đau nhất là bà ấy chửi tôi “thèm giai” nên mới chứa chấp. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc thầm”. Đã thế, chàng trai ở nhờ cũng làm bà buồn, nhân lúc bà đi làm từ thiện, chàng ở nhà đã bán hết kho sách mà bà gom góp, gìn giữ suốt mấy chục năm, vì bà có ý định viết sách về giáo dục. Trở về nhà, thấy kho sách “không cánh mà bay” bà đành phải nghĩ cách để “tiễn khéo” chàng trai không biết điều ấy.

Mẹ của những bé thơ không nhà

Nổi tiếng với tấm lòng Bồ Tát nên bà Đào Ngọc Huấn không ít lần bị người nọ, người kia gây phiền: “Hồi đó, tôi đang sống ở Mai Dịch. Một người phụ nữ trẻ đến bảo: Nghe nói cô giáo rất yêu thương trẻ thơ. Em bận quá lại phải đi việc rất cần, em gửi cháu một lát, quần áo cháu đây. Thế là tôi đồng ý. Nào ngờ họ đi một mạch, không quay lại. 3 mẹ con tôi nuôi bé. Có một lần mẹ của bé về thăm, vào lúc tôi vừa mua cho con gái ruột cái xe đạp mới, mẹ bé mượn đi, lần này bặt tăm cả người lẫn xe đạp”. Em bé bị người mẹ vô tâm bỏ rơi ấy được bà đặt cho cái tên kiêu sa: Hoàng Yến. “Hoàng” là họ của cha bé, bà đã vô tình biết được khi chuyện trò cùng mẹ của bé. Nuôi Hoàng Yến từ khi đỏ hỏn đến khi bé đã biết làm vài việc cỏn con, con ruột của bà Huấn nhắc: “Mẹ ơi, em sắp đến tuổi đi học rồi đấy. Mẹ xem làm giấy khai sinh cho em, để em được đi học”. Nghe con nhắc, bà dắt xe đạp bắt đầu hành trình tìm kiếm cha em bé. Nghe láng máng mẹ bé kể, cha bé tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe, ở Ngõ Thổ Quan, (hay Quan Thổ?) trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội. Bà đi hết ngõ Thổ Quan không tìm được người có tên “Hoàng Tùng”.  Lại sang ngõ Quan Thổ, đi khắp Quan Thổ 1, Quan Thổ 2 rồi Quan Thổ 3, bà dừng lại ở một quán nước, hỏi người bán nước: Ở đây có ai tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe? Một người phụ nữ từ ngôi nhà cạnh đó nói vọng ra: “Cháu ơi, cháu quen Tùng nhà bác à?”. Bà mừng rỡ, bước ngay đến. Trò chuyện một hồi mới hay, cha mẹ Hoàng Yến khi xưa yêu nhau nhưng bị các bậc phụ huynh ngăn cản, họ chia xa. Sau khi sinh Hoàng Yến, người mẹ trẻ đã mang con bỏ ở nhà cô giáo có tấm lòng nhân hậu. Đến nhà cha của Hoàng Yến, bà giáo Huấn mới biết, bố em và bên nội lâu nay vẫn đi tìm “giọt máu” bị bỏ rơi. Bà giáo trả con cho người ta. Đến nay, cô bé Hoàng Yến ngày nào đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác.

Song Hoàng Yến không phải trường hợp duy nhất bị bỏ rơi mà bà Huấn nhận về nuôi. Còn một trường hợp khác cũng gửi con cho bà, là một vị phụ huynh trong lớp. Vị này sinh 4 người con, toàn con gái nên lén lút quan hệ với một cô gái khác, hi vọng có con giai. Song lại thất vọng, khi đứa con sinh ra vẫn tiếp tục là gái. Sau đó, ông cùng gia đình vào vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, vợ hờ của ông mang đứa con gái mới sinh gửi cô giáo Huấn. Bà nuôi đứa trẻ được một thời gian thì vị phụ huynh đang sống ở Lâm Đồng biết chuyện đã ra Hà Nội xin lại con.

“Thương người như thể thương thân”

Nhiều người băn khoăn: Vì sao bà giáo Đào Ngọc Huấn lại có tấm lòng từ bi hiếm gặp? Phải chăng bà mắc “bệnh thành tích”, thích được ngợi ca? Nhưng nếu không có sự giới thiệu của một nữ cán bộ phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, chúng tôi khó có cuộc tiếp xúc với bà, bởi bà ngại xuất hiện ồn ào. Bà giáo Huấn tâm sự: “Tôi thương những mảnh đời bất hạnh vì bản thân tôi cũng bất hạnh”. Quê bà ở Thái Thụy, Thái Bình nhưng bà sinh ra ở Hải Phòng. Bà không rõ mặt mẹ đẻ, lớn lên trong vòng tay bà nội. Trước đây, cha bà tham gia hoạt động tình báo cho cách mạng, từng bị tù đày ở Côn Đảo, rồi bị tử hình. Ông bị hiểu nhầm là “người của địch”, cách đây hơn 10 năm mối oan mới được rửa. Vì lí lịch từng bị cho “có vấn đề” nên bà và các anh chị trong gia đình chịu nhiều thiệt thòi khi ra công tác. Riêng bà Huấn, lại gánh thêm đời riêng bất hạnh. Bà sớm làm mẹ đơn thân, ngay khi đứa con thứ hai còn nằm trong bụng. Tần tảo nuôi hai con lớn lên bà càng cảm thương cho những thân phận kém may mắn.

Bà Đào Ngọc Huấn đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, bình dị: “Lương hưu của tôi trên 3 triệu đồng một tháng nhưng tôi được con gái “tài trợ” tiền điện, nước, internet”, bà khoe. Với mức lương hưu khiêm tốn ấy, bà vẫn làm từ thiện, giúp đỡ người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn… “Tôi ăn uống đơn giản lắm, có khi củ khoai, cái bánh mỳ cũng qua bữa. Có hôm hàng xóm gọi: Bà giáo ơi, có bát canh, bà có ăn không? Tôi ăn bát canh và thôi không nấu nướng gì nữa”, bà sống đạm bạc, tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện. Thế nên người ta có bảo bà “dở hơi”, bà không dám phản ứng, chỉ cười. Cách đây không lâu, để dạy trẻ tự kỷ, bà mua lại một cây đàn piano cũ, với giá 26 triệu đồng. Người bán đàn cho phép bà trả góp. Biết vẽ, biết đàn, biết thơ phú song hầu hết những món tài lẻ ấy đều do bà mày mò tự học. Ngày trước bà chăm đọc sách, mấy năm nay, bà vào mạng tra cứu tài liệu. Bà giáo tự nhận “dở hơi” nhưng chẳng bao giờ chịu đi sau thời đại.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.