Tấm gương đáng nể phục về nghị lực vượt khó

Tấm gương đáng nể phục về nghị lực vượt khó
TPO - Có những em bé tuổi còn nhỏ nhưng đã là tấm gương đáng nể phục về nghị lực vượt khó, biết cách vui sống và khát khao học hành cho cả cộng đồng xung quanh. Đó là điều mà đôi học trò Quỳnh Như, Y Loại đã gây ấn tượng mạnh cho tôi và nhiều người dân ở Đắk Lắk.

Gương sáng của nữ sinh xương thủy tinh

Nguyễn Ngọc Quỳnh Như sinh năm 2004, hiện đang học lớp 7S trường THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Liên tục đạt học lực giỏi dù Quỳnh Như mang trong mình căn bệnh Beta Thalassemia bẩm sinh, phải truyền máu suốt đời.

Mẹ Quỳnh Như cho biết: “Mười ba năm liên tục, tháng nào gia đình cũng phải đưa cháu đi Tp. HCM một lần để truyền máu. Do di chứng của căn bệnh, cháu Quỳnh Như bị xương thủy tinh, hai chân của cháu đã gãy đi gãy lại cả chục lần nên cong queo biến dạng. Tất cả các hoạt động phải có mẹ bế hoặc dìu đi”.

Tấm gương đáng nể phục về nghị lực vượt khó ảnh 1

 Cháu Quỳnh Như đang lọc máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Năm 2011, bố Như bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, mất hoàn toàn khả năng lao động. Căn nhà gia đình Như đang là nhà tình nghĩa do chính quyền quyên góp xây cho. Một tay mẹ Như nuôi cả gia đình, phần con cái nhỏ dại mắc bệnh hiểm nghèo, phần chồng lúc tỉnh lúc mê. Mỗi ngày, mẹ Quỳnh Như phải chở hai chị em Như đến trường, rồi đi làm thuê kiếm tiền.

Từ lớp 1 đến nay, năm nào Như cũng đạt học lực xuất sắc. Mỗi tháng phải đi TP. HCM mất mấy ngày để lọc máu, về đến nhà là em lại mượn sách vở của các bạn chép bài rất đầy đủ. Với ước mơ trở thành bác sĩ, đêm nào Như cũng thức học bài tới tận khuya, cho tới khi mẹ bắt buộc phải đi ngủ.

Thầy Lê Hồng Dưỡng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7S cho biết: Hoàn cảnh gia đình và tình trạng sức khỏe của Quỳnh Như được nhà trường đặc biệt quan tâm. Đến lớp, Như chỉ ngồi một chỗ nhưng em rất chăm ngoan, hay phát biểu, luôn được thầy cô giáo, bạn bè giúp đỡ và yêu quý.

Học giỏi để sau này đi làm nuôi mẹ.

Y Loại Niê sinh năm 2006, hiện là học sinh lớp 6A1 Trường trung học cơ sở Hòa Đông. Mẹ là H’Ri Niê, người dân tộc Ê Đê, trú tại buôn Tara, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc – Đắc Lắc. Do di chứng từ tai nạn giao thông, bà H’Ri thường bị co giật, miệng méo mó, phát âm khó khăn. Chồng mất sớm cũng vì tai nạn giao thông. Một thời gian dài hai mẹ con Y Loại phải sống trong túp lều chỉ đủ trải chiếc chiếu 1,4 m ngoài vườn người dì ruột, không ánh điện và tiện nghi sinh hoạt nào!

Ngày ngày, sau giờ học, Y Loại cùng mẹ đi chăn bò thuê, lượm phân bò, mót cà phê, nhôm nhựa bán kiếm tiền mua gạo. Đã có lúc khó khăn cùng cực, Y Loại có nguy cơ phải nghỉ học. Rất may được thầy cô và bạn bè giúp đỡ quần áo, sách vở và động viên nên Y Loại vẫn có thể đến trường.

Tấm gương đáng nể phục về nghị lực vượt khó ảnh 2

Ảnh chụp cháu Y Loại trước cổng trường.

Đặc biệt quan tâm suốt thời gian dài, chính quyền xã Hòa Đông đã nhiều lần họp bàn về việc cần tạo dựng tổ ấm cho hai mẹ con Y Loại. Đến cuối tháng 6/2017, các ban, ngành, đoàn thể xã nhất trí dùng căn nhà trước đây là điểm trường Mẫu giáo xã, nay xã không sử dụng nữa, cho mẹ con Y Loại làm nơi ở, chấm dứt gần 2 năm tá túc dưới mái lều tạm bợ.

UBND xã cũng cấp sổ chứng nhận hộ nghèo để hai mẹ con Y Loại được hưởng đầy đủ phúc lợi của Nhà nước. Hai tổ chức thiện nguyện đã tặng đôi bò cho gia đình, giúp mẹ con Y Loại tự tin vui sống bằng chính sức lao động của mình.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, hiệu trưởng cho biết: Với hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Y Loại vẫn học hành chăm ngoan là điều rất đáng khen, dù học lực lâu nay mới đạt mức trung bình khá. Từ nay mẹ con Y Loại đã có nhà, có điện, có bàn ghế để học bài. Được các thầy cô thương yêu kèm cặp, chắc chắn sắp tới sức học của Y Loại sẽ vượt lên.

Tôi về ngôi trường cấp 2 nơi Y Loại đang học, gặp chú bé xúng xính áo trắng, khăn quàng đỏ dắt chiếc xe đạp đến lớp. Thấy tôi chụp ảnh, Y Loại vui thích nói: Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này đi làm nuôi mẹ…

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.