Tạm dừng tuyển sinh những trường không đủ điều kiện

Tạm dừng tuyển sinh những trường không đủ điều kiện
Đó là kiến nghị của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng (VHGDTTNNĐ) của Quốc hội đối với Bộ GD-ĐT đối với một số đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Tạm dừng tuyển sinh những trường không đủ điều kiện ảnh 1
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành - Ảnh: Quốc Dũng (Tuổi Trẻ).

Kiến nghị này được đưa ra sau quá trình ủy ban thực hiện giám sát việc thi hành Luật giáo dục liên quan đến mạng lưới cơ sở đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH, CĐ. 

Theo đánh giá của Ủy ban VHGDTTNNĐ, so với các tiêu chí và điều kiện thành lập trường trong các quy định hiện hành về việc mở trường, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của một số trường ngoài công lập thành lập mới chưa hội tụ đủ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo, gây tâm lý lo lắng trong sinh viên và xã hội.

Đánh giá này được ủy ban đưa ra trên cơ sở đánh giá thực trạng của 154 trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp từ năm 2005 đến nay.

Chỉ thích đào tạo kinh tế, ngoại ngữ!

Sau khi so sánh với các yêu cầu đối với một trường ĐH trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục, báo cáo giám sát của ủy ban cho rằng: “Việc mở các ngành đào tạo của các trường tuy đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, có đánh giá nhu cầu xã hội và năng lực thực tế của các trường, nhưng các trường ngoài công lập vẫn tập trung chủ yếu mở các ngành đào tạo ít phải đầu tư trang thiết bị thí nghiệm, thời gian thí nghiệm, thực hành không nhiều như ngoại ngữ, kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, thương mại, du lịch. Rất ít trường đào tạo các ngành xây dựng, giao thông, cơ khí, nông nghiệp…”.

Không chỉ thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất ở các trường ĐH, CĐ mà các đại biểu Quốc hội đã tới giám sát còn có tình trạng “nhiều môn học chưa có giáo trình, tuy được mở ngành đào tạo, đã tuyển sinh nhưng chương trình đào tạo vẫn thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, dạy đến đâu chuẩn bị đến đó. Đối với một số môn học còn xảy ra tình trạng cán bộ thỉnh giảng tự quyết hoàn toàn về nội dung giảng dạy, nhà trường không có đề cương chi tiết”.

Kết quả giám sát trực tiếp từ nhiều trường ĐH, CĐ của ủy ban cho thấy: “Hiện nay, các trường đều đang phải đối mặt với việc giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô đào tạo ngày một tăng, khối lượng giảng dạy lớn với số lượng giảng viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng”.

Tình trạng quá tải về giảng dạy, không thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ chuyên môn đã được các thành viên của Ủy ban VHGDTTNNĐ đánh giá là “hạn chế khá cơ bản, có ảnh hưởng trực tiếp đến nâng cao chất lượng giáo dục ĐH”.

Trong đó, đối với các trường ĐH, CĐ mới được thành lập, chủ yếu là các trường ngoài công lập, hạn chế lớn nhất là đội ngũ giảng viên với các nhược điểm vừa thiếu vừa yếu, lại thường xuyên biến động.

Là người trực tiếp tham gia các đoàn giám sát, phó chủ nhiệm ủy ban Lê Văn Học nhận xét: Một số trường ngoài công lập khi xin thành lập thì cam kết rất nhiều nhưng sau khi có quyết định thành lập trường thì không thực hiện đúng những cam kết đó, đi vào hoạt động, tuyển sinh đào tạo khi còn rất thiếu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo…

Điều kiện thành lập trường vừa khó vừa thấp?

Từ kết quả giám sát trực tiếp tại nhiều trường ĐH, CĐ, Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội đánh giá nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những hạn chế kể trên của các trường ĐH, CĐ mới thành lập là do các quy định về tiêu chí, điều kiện và quy trình thành lập trường trong các văn bản của nhà nước “chưa thuận lợi và chưa khuyến khích những người tâm huyết đầu tư vào giáo dục ĐH”.

Ủy ban cũng chỉ ra đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa quy định cụ thể về cơ cấu chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy (tỉ lệ tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên môn bắt buộc…), tỉ lệ cán bộ giảng dạy/sinh viên…

Mặt khác, ủy ban cũng nhận định các điều kiện để thành lập một trường ĐH, CĐ hiện nay “chưa cao, chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời kỳ mới”.

Quy định về vốn điều lệ để thành lập một trường ĐH tư thục là 15 tỉ đồng được các đại biểu Quốc hội đánh giá “quá ít so với yêu cầu phải đầu tư” đối với việc xây dựng một trường ĐH.

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại cũng chưa có quy định về việc hậu kiểm như kiểm tra, giám sát kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ sau khi nhà trường được thành lập, chưa có chế tài xử lý đối với những chủ đề án không thực hiện đúng cam kết.

“Cần phải kiên quyết không cho tăng chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đối với các trường chưa đảm bảo điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên” - Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội đã cương quyết đưa ra kiến nghị này đối với Bộ GD-ĐT.

Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới và tiêu chí thành lập ĐH, CĐ để đảm bảo việc thành lập trường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, có cơ chế chính sách về quy hoạch đất cho giáo dục ĐH, miễn giảm thuế cho các trường ĐH, CĐ tư thục thời gian đầu mới thành lập, có cơ chế vay vốn xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ và có trách nhiệm trong “đặt hàng” các cơ sở ĐH đào tạo và nghiên cứu.

Tăng học phí phải có lộ trình phù hợp

“Cần xem xét toàn diện đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, tăng học phí đào tạo cần phải có lộ trình phù hợp với khả năng đóng góp của người học và đảm bảo nâng cao chất lượng, quy định giới hạn trần học phí trong các cơ sở đào tạo ngoài công lập”.

Đây là một trong bốn kiến nghị của Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội đối với Bộ GD-ĐT sau khi tiến hành giám sát tình hình thực hiện Luật giáo dục.

Theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ quy định mức trần đối với học phí tại các cơ sở đào tạo công lập, học phí thu tại các cơ sở ngoài công lập không có mức trần giới hạn.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG