>> Các bị cáo vụ PCI hối lộ ở Việt Nam nhận tội
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ |
Việc đình chỉ trên là để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra kết luận vụ việc liên quan đến ông Sỹ trong vụ hối lộ quan chức của Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI-Nhật Bản), Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, điều hành việc củng cố nhân sự BQLDAĐLĐT để tổ chức thực hiện Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình.
Trước đó ngày 11/11, các cựu lãnh đạo của Cty tư vấn Nhật Bản PCI thừa nhận trước Tòa án Tokyo đã hối lộ 820.000 USD cho một quan chức ở TP Hồ Chí Minh. Theo tờ Yomiuri Shimbun thì các công tố viên Nhật Bản khẳng định PCI đã cam kết đưa cho ông Sỹ tổng cộng 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng để PCI được nhận các hợp đồng tư vấn liên quan đến các dự án trên(?).
Ngày 13/11, trong phiên chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ, đề nghị phía Nhật Bản chuyển hồ sơ để Việt Nam xử lý, không thể để công dân Việt Nam bị cơ quan tư pháp nước khác điều tra.
Sau thời gian dài, phía Nhật Bản mới gửi hồ sơ, nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý. Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, làm rõ tới đâu xử lý tới đó.
Sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho báo giới biết Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh sớm giải quyết đúng pháp luật. Theo nguồn tin của Tiền Phong hiện các cơ quan chức năng đang phối hợp làm rõ để sớm có kết luận vụ việc trên.
Đầu tháng 7/2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ khẳng định sau khi có những thông tin trên, ông đã cho bộ phận chuyên môn tập hợp toàn bộ hồ sơ để sẵn sàng phối hợp, cung cấp khi các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu.
Ông Sỹ cho biết thêm PCI trúng thầu tư vấn sau khi tham gia đấu thầu cùng các nhà thầu khác, các khâu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công ở từng hạng mục, gói thầu đều được tổ chức công khai, rộng rãi hoặc có giới hạn.
Toàn bộ quy trình tổ chức đấu thầu, xét kết quả và công bố nhà thầu trúng thầu đều có sự giám sát, phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), người cấp vốn ODA cho dự án. Ông Sỹ còn nói rằng chưa có tổ chức điều tra hoặc báo chí nước ngoài nào đến BQLDAĐLĐT tìm hiểu sự việc.
Theo ông Sỹ thì phía Nhật điều tra PCI là nhằm làm rõ công ty này có dùng tiền để cạnh tranh không lành mạnh với các nhà thầu khác hay không chứ không phải làm rõ hiệu quả sử dụng vốn ODA ở Việt Nam cũng như tại dự án Đại lộ Đông Tây!?
Đại lộ Đông Tây có tổng chiều 21,890km, được khởi công xây dựng ngày 31/1/2005 sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh. Ngày 15/9/2008, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định phân công ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh phụ trách dự án Xây dựng Đại lộ Đông – Tây thay cho ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Riêng dự án cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu là 4.163 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA vay của JBIC 4.426 triệu yên (tương đương 3.213,980 tỷ đồng); vốn đối ứng 949,970 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2008, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ban QLDAĐLĐT tạm ngừng giải ngân các hợp đồng tư vấn của PCI trong các dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP (giai đoạn 1 và 2) theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cho đến trước khi bị đình chỉ công tác ông Sỹ là Giám đốc của Ban quản lý cả hai dự án trên , PCI cũng là công ty tư vấn của cả hai dự án này. |