Tấm áo cũ

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp
TP - Hoàn vốn là dân chuyên văn nổi tiếng trường huyện. Chuyện thi đỗ thủ khoa, rồi vào học khoa Văn Tổng hợp là một điều quá hiển nhiên.
Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

Hoàn rất đẹp, cái đẹp hơi ngơ ngác của thiếu nữ tỉnh lẻ cộng thêm vẻ mơ màng lãng đãng của nàng thơ, khiến bất kỳ gã đàn ông: từ già đến trẻ, từ trí thức đến yêng hùng, từ dạn dĩ đến nhút nhát… đã chạm mắt Hoàn là tơi tả con tim, vẹo vọ lý trí. Hoàn lại còn rất ngây thơ.

Cô ngây thơ một cách nguyên sơ, thanh khiết đến nao lòng. Hoàn cứ bồng bềnh trong những áng văn, vần thơ luôn được tung hô, ngưỡng mộ của mình. Rất tự nhiên Hoàn nhận về mình ngôi vị của một thiên sứ trong suốt, long lanh. Cô ban phát nụ cười với tất cả những gã đàn ông lúc nào cũng xúm xít quanh cô.

Cô muốn chia sẻ tâm trạng lâng lâng bay bổng, cảm giác về một thế giới mỹ miều rực rỡ sắc màu và ngát ngát hương hoa… với mọi người. Những nụ hôn nồng nàn lên tay, lên má, lên tóc, vào trán, thậm chí nhiều khi trượt xuống cả mắt, môi và một vài chỗ nhạy cảm khác trên cơ thể non tơ, lúc nào cũng ấm áp, khoan hoà của cô, bởi đám đàn ông như đang cuồng lên vì khao khát và ngưỡng mộ chỉ làm cho vẻ thánh thiện trắng trong của cô càng thêm tinh khiết. Cuộc đời sinh viên của Hoàn cứ thi vị trôi đi triền miên với những lời mời, những lời van xin, cầu khẩn…

Những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, no cơm ấm áo đối với mọi người là cả một vấn đề lớn. Tụi sinh viên như Hoàn, cái sự ăn, cái sự mặc lại càng bức thiết hơn. Vậy mà trong những năm đó, Hoàn luôn được sống trong no ấm đủ đầy của sự cung phụng, chăm bẵm.

Tụi bạn chung phòng với Hoàn trong ký túc xá không khỏi ghen tỵ và thậm chí còn có đôi chút khinh bỉ, mỗi khi thấy Hoàn khệ nệ xách những túi thức ăn thừa từ những bữa tiệc, những hội họp, liên hoan bất tận - nhiều đến nỗi cô phải lên lịch để cho hàng tá các bác, các chú, các anh… được chia phần đưa rước.

Những túi thức ăn thừa đầy ắp tình thương trong trẻo của Hoàn đã đắp da đắp thịt cho hàng tá ông quan bà cách sau này. Ghen tỵ và khinh bỉ không làm bớt mùi thơm của gà quay hay làm giảm vị ngon của đĩa xôi giò ngần ngật calo. Nhưng hình như nó cũng làm cho tâm hồn của những văn sĩ, thơ sĩ, học giả sĩ… tương lai bị tổn thương. Không biết có phải vì thế không, mà sau này các bạn cùng phòng, cùng tầng, cùng lớp, cùng khoá rất ít khi muốn gặp lại Hoàn.

Trong những tháng ngày bĩ cực nhất của đời mình Hoàn đã hơn một lần cay đắng khi nghĩ về đám bạn đồng môn thủa nào. Nhưng rồi thời gian quả thật là phương thuốc nhiệm màu cho mọi vết thương. Hoàn đã tự lầm lũi gượng dậy, lầm lũi bước đi cho đến ngày hôm nay, tồn tại trong thế giới này, trong xóm nhỏ bình lặng này…

Ngày ấy, đối với tâm hồn trong veo của Hoàn, ông là một thánh nhân. Bước chân người lính của ông đã dầm bùn lội bụi trên khắp các nẻo đường. Khuôn mặt phong trần sạm nắng, sạm gió, ám mùi thuốc súng và hằn dấu bom đạn của ông luôn khiến Hoàn choáng ngợp vì kính ngưỡng. Rời cây súng ông trở về thời bình với một căn biệt thự cổ khuất góc được phân và một chức vị cao cấp được giao ở Bộ V.

Trong lần liên hoan tổng kết năm của một cơ quan quản lý thuộc bộ, Hoàn đã được giới thiệu làm quen với ông. Hết sức tình cờ, bài thơ Hoàn tặng khán phòng hôm đó lại là một bài thơ ca ngợi người lính. Những vần thơ non tơ, mượt mà thấm đẫm lòng biết ơn, sự kính phục, chan chứa tình yêu thương với đôi chút bồng bột khát khao… Hoàn như tan chảy trong chính những cảm xúc rất đẹp của mình.

Người lính già chợt giật mình với hình ảnh của chính mình vừa được thi vị hoá trên đôi môi thiếu nữ căng mọng, ngọt lành như một trái dâu chín giữa rừng ngày nào. Như có ai đẩy ông đến bên cô, như có ai nhấc tay ông lên nắm lấy bàn tay con gái ấm mềm đến dịu lòng của cô. Từ rất sâu trong ký ức thơ bé của mình, cô choàng tay ôm lấy cổ ông, dụi đầu vào bộ ngực vạm vỡ, thô mộc của ông.

Chiếc áo dài trắng thướt tha nắn khít dáng người nảy nở của cô - quà tặng của một chàng hoạ sĩ hào hoa - khiến bàn tay chiến binh vụng về của ông chạm vào đâu cũng thảng thốt như phạm vào thánh địa. Trong thoáng chốc, cô cảm nhận rõ ràng ông hoảng loạn bổ nhào vào trong cô - điên dại và cháy bỏng. Một cơn cuồng khoái kỳ lạ xuyên nhói, khiến cả phần dưới cơ thể cô đông cứng lại. Khi cô còn chưa kịp hoàn hồn thì ông đã không còn đứng đó nữa, nhưng sức mạnh từ cơ thể ông vẫn rần rật trong tấm thân trinh trắng của cô.

Lần đầu tiên sau những triền miên tiệc tùng hội họp, Hoàn muốn được ở một mình, muốn được chui vào một xó nào đó thật yên tĩnh… Không biết để làm gì, không biết buồn vì cái gì, nhưng khao khát cô đơn một mình cứ giãy dụa trong tâm hồn vốn luôn thanh bình êm đềm của cô. Tối hôm đó Hoàn về phòng không có túi thức ăn thừa kèm theo, không có những ríu rít la lô túm bảy tụm ba bè bạn. Cô xin lỗi mọi người, cáo mệt, trùm chăn kín, mắt mở to tê dại. Và cô thức suốt đêm trường.

Kể từ tối hôm đó Hoàn bị bệnh mất ngủ. Cô gầy và xanh đến độ bạn bè tưởng cô đã nọ đã kia. Mẹ cô bỏ cả cửa hàng tạp hoá phố huyện lên thành phố trông nom cô cả tháng trời. Con chim câu ngọt ngào, con bướm nhỏ xinh xắn, con mèo trắng dễ thương đã bay đi xa, đã bỏ Hoàn đi xa. Trái tim nhạy cảm của người mẹ quặn đau. Mẹ ôm Hoàn trong tay rưng rưng: Con gái yêu của mẹ, con hãy cứ là con của mẹ, con đừng làm mẹ sợ…

Hoàn hồng hào trở lại, cô học chỉn chu hơn và thôi hẳn làm thơ. Đôi khi, cô cũng nhận lời đi tiệc tùng, hội họp nhưng rất kén chọn nơi đến. Cô không còn dễ dàng ban phát cho cánh đàn ông con trai những ân huệ thiên sứ thủa nào. Trên khuôn mặt xinh đẹp và khô khốc của cô luôn váng vất khí lạnh của đông tàn, của hồn kiệt. Vũ điệu ngưỡng mộ dần rời xa cô, những túm lúm hậu tiệc tùng với bạn cùng phòng, với bạn cùng tầng, cùng khoa… cũng dần rời xa cô.

Hoàn trở lên kém hấp dẫn, và khó gần.

Hoàn ra trường với một tấm bằng chói loá. Cũng có nhiều nơi nhận cô về, nhưng cô chưa muốn đi làm ngay. Hoàn xin với mẹ cho cô thuê một căn phòng nhỏ tít sâu trong ngõ của một khu phố cổ. Hoàn cặm cụi một mình thu dọn, và đi về thầm lặng như một ẩn sĩ. Vài bộ quần áo sẫm mầu, mái tóc dài búi gọn sau gáy, chiếc mũ vải rộng vành và chiếc khẩu trang lúc nào cũng như gói kín Hoàn trong thế giới u uẩn đến khó hiểu của cô.

Mẹ cô bảo: hoặc là con đi làm ngay, hoặc con về với mẹ, mẹ không đồng ý cho con ở trên Hà Nội một mình như thế nữa đâu. Hoàn thương mẹ quá, hằng ngày lên chùa Hoàn vẫn cầu Trời khấn Phật cho Hoàn được sống đúng như mẹ mong muốn. Nhưng tâm cô vẫn trĩu nặng vô cớ. Sư thày trụ trì lúc nào cũng chỉ một câu nhỏ nhẹ khi cô bạch thầy ra về: Con về thế giới của con đi, mai con đừng đến nữa!

Mẹ nói sáng mai mẹ sẽ lên Hà Nội để đón Hoàn về. Cả ngày hôm nay, Hoàn cũng không lên chùa. Đã ba ngày rồi Hoàn không lên chùa. Cô sẽ về với mẹ. Cô cũng thấy mệt mỏi với chính mình lắm rồi, chẳng nên bắt khổ mẹ thêm nữa. Hình như có tiếng gõ cửa, có lẽ là bác chủ nhà. Hoàn đã trả đầy đủ mọi khoản tiền cho bác từ hôm qua rồi, không biết Hoàn có sơ xuất gì không. Hoàn vội vàng đi ra mở cửa. Đã lâu lắm rồi Hoàn không vội vàng.

Cửa mở, ông hiện ra trước mắt Hoàn bình thản như thể ngày nào ông cũng đã đến gõ cửa phòng cô. Tâm hồn Hoàn đột nhiên nhẹ nhõm trở lại. Cô khép cửa và dịu dàng kéo chốt khoá. Đèn sáng, phòng ấm, không gian thoang thoảng mùi rượu thơm toả ra từ nơi ông và mùi hương trầm cô vừa đốt lên. Cô nhìn vào mắt ông, sung sướng thấy hình mình rạng rỡ trong đó.

Đôi bàn tay mảnh dẻ của cô âu yếm khám phá thân thể ông: với một chút thích thú của con trẻ trước đồ chơi mới, với một chút đam mê dục tính thiên bẩm của người đàn bà lần đầu tiên trần truồng trước một người đàn ông không một mảnh vải che thân. Cô thấy rất rõ: dưới ánh sáng xanh ngời của ngọn đèn tuýp, những vết sẹo chằng chịt, những gân xương đã hết hạn bảo hành, những nếp nhăn hằn dấu vết thời gian đã qua không thể quay trở lại.

Cô cũng thấy một đôi mắt ngời ngợi yêu thương, thao thiết, đắm say, kìm nén và khát khao, ham hố và chế ngự… Cô nâng đôi bàn tay bỏng rẫy của ông đặt lên khuôn ngực trinh nữ đang nở rộng của mình. Ông gầm lên man dại như một con thú hoang bị cầm nhốt lâu ngày vừa được phả hít hơi rừng.

Người đàn bà trong cô, người đàn bà bị bỏ quên, bị bao kín trong cô thảng thốt thức tỉnh. Rồi cuống cuồng xé toang đam mê, rồi tham lam xiết đòi nhục cảm… Trước khi Hoàn lịm đi trong bồng bềnh ái ân, Hoàn cảm thấy rất rõ sức nặng và nhục cảm ham hố đàn ông của ông vẫn đang điên cuồng thúc hối trong người cô…

Tối hôm ấy Hà Nội có mưa đá. Cơn mưa lạc mùa dữ dội vãi như ném đá xuống mái nhà, xuống sân, xuống đường. Con trẻ hiếu kỳ trốn mẹ đi xem mưa la hét om xòm. Rất nhiều đứa lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một cảnh tượng thiên nhiên dữ dội và kỳ thú đến thế. Ngay cả người lớn, tâm trí ngổn ngang khi lo lắng nhìn lên mái ngói cũ kỹ, mái tôn đã qua chục mùa mưa bão, cũng không nén nổi tò mò cùng đôi chút thú vị khi nghểnh cổ ngó ra.

Cả tuần sau đó, Hà Nội sốt rau xanh. Cơn mưa đá xiên qua cả mấy vùng rau ngoại thành khiến bà con trồng rau chỉ còn biết than trời, còn dân ăn lương công chức nhì nhằng thì cắn răng mở ví mỗi khi đi chợ… Rồi mọi thứ lại quay trở về với quỹ đạo thường nhật của nó. Chỉ có quỹ đạo cuộc đời Hoàn là vĩnh viễn biến đổi.

Tiếng la hét, tiếng va đập, cùng với cảm giác bị đè nặng quá mức khiến Hoàn tỉnh giấc. Trong bùng nhùng của ý thức, cô nhỏm dậy và cố đẩy cái khối mờ mờ xam xám ra khỏi cơ thể đang như nghẹt thở của mình. Khi bảy phần hồn ba phần vía đã hoàn nguyên đầy đủ trong cô, thì cô mới nhận ra cơ thể cứng đờ của ông đang còng queo ngay trước mắt mình.

Hình như Hoàn đã tru lên một tiếng dài trước khi ngất đi. Tiếng tru của con sói cái cô độc trong đêm trăng tròn, tiếng tru của bầy ma nữ vừa bị cướp mất bạn tình trong vườn hoang địa phủ. Tiếng tru đã dìm Hoàn sâu trong tận cùng của bóng tối và quên lãng.

Khi Hoàn mở mắt, cô thấy gương mặt mẹ đẫm nước mắt kề ngay sát bên cô. Hoàn đã hôn mê gần một tháng trời. Bác sĩ nói, cô đã bị một sang chấn tâm lý quá mạnh, rất khó hồi phục. Việc cô may mắn tỉnh lại quả là phúc đức lớn của nhà cô. Mẹ Hoàn lập đàn, sắm lễ sám hối, cầu xin, lạy tạ bốn phương. Hoàn lật bật trở lại Hà Nội, đến nghĩa trang tìm mộ của ông.

Ngôi mộ cỏ chưa kịp kín, chân hương vẫn còn chi chít đỏ bầm. Hoàn oà khóc. Ước gì, cô cũng đang ở dưới đó cùng ông, ước gì cô lại được cùng ông nhìn vào mắt nhau khép khít hồn nhau bằng những cuồng say hạnh phúc. Ước gì sinh linh nhỏ bé đang động cựa trong từng huyết mạch của cô có thể cùng cô hoá thành thiên thần, trong chớp mắt vẫy cánh tan vào thế giới êm đềm của đoàn tụ vĩnh viễn, của hạnh phúc bất biến.

Hoàn sinh con rất vất vả. Trong suốt thời kỳ thai nghén, cô ốm lệt bệt như bị giời hành. Thằng nhỏ sinh ra nhỏ xíu nhưng rất kháu khỉnh. Chỉ khổ bà ngoại tối ngày hết cháo sữa cho cháu lại đến chăm dưỡng cho con. Bà đã phát nguyện ăn chay một tháng đôi tuần cầu phúc an cho hai mẹ con thoát lưới trần ai, đậu bến hỉ hạnh.

Khi thằng bé được tròn năm tuổi, Hoàn quyết định lên Hà Nội, nhận công việc văn thư ở một tờ báo ngành. Công việc buồn tẻ, nhưng bù lại thu nhập ổn định với những khoản tiền thưởng, tiền lễ khá hậu hĩnh. Hoàn cũng cần nhiều thời gian cho thằng bé nên cô an phận riết thành quen. Cô viết khá nhiều, đã xếp đầy chiếc tủ gỗ nhỏ trong phòng ngủ. Những trang viết của bao đêm khó ngủ, bao năm trăng lạnh, xuân rơi…

Chiều nay thằng bé đi chơi về hớn hở ra mặt. Hoàn phì cười nhìn chiếc áo trấn thủ màu xanh bộ đội nom vẫn còn mới và sặc mùi băng phiến trên thân hình lừng lững của thằng bé. Ôi thằng bé con của cô. Thằng bé với tuổi 17, cao lớn, phổng phao như một chú bò vừa đến tuổi vai cầy. Nó đang hoan hỉ kể cho cô nghe về lai lịch chiếc áo.

Mắt Hoàn bỗng dưng như lạc đi, bùng nhùng bên tai cô là hình ảnh một căn biệt thự cổ kính, khuất góc, là một người đàn bà tóc bạc trắng đôn hậu, hiền từ. Cô nghe như vần vũ quanh mình tiếng gió mùa đông bắc bất chợt ùa về. Hẳn nhiên là thằng bé phong phanh chiếc áo len mỏng sẽ bị cảm lạnh mất. Bà ta kéo thằng bé vào nhà và lấy chiếc áo kỷ vật bà đã gìn giữ suốt bao nhiêu năm cho thằng bé mặc.

Bà ta nhìn thằng bé và khóc vì thằng bé làm bà ta ngỡ như gặp lại hình ảnh thời trẻ của người chồng đã khuất thủa nào… Tên họ trùng nhau có thiếu gì. Hà Nội có vô vàn biệt thự cổ kính và khuất nẻo. Nhưng sao Hoàn vẫn thấy choáng váng, ngực cô nghẹn ứ, thổn thức. Thằng bé tưởng mẹ bị cảm gió vội vàng dìu mẹ vào giường. Bằng đôi bàn tay vạm vỡ của mình, nó ấn Hoàn nằm xuống và xăng xái chạy vào bếp.

Hoàn đứng lặng trước cánh cổng sắt cũ kỹ khá lâu. Cô rất muốn, nhưng vẫn không thể nhấc tay lên bấm chuông. Đã lâu lắm rồi, Hoàn nghĩ đã chôn vùi tất cả quá khứ. Cô đã sống mà không cần đến những hồi tưởng, những ký ức.

Cô và thằng bé, hai mẹ con hạnh phúc trong mòn mỏi lãng quên của cuộc đời… cũng sống được, cũng ngày trôi, tháng qua. Khi nhỏ thằng bé rất hay hỏi về bố. Lớn một chút, nghe chừng chán những câu trả lời gọn cụt và không mấy hào hứng của mẹ, nó thôi không hỏi nữa. Nhưng dạo gần đây, kể từ ngày gặp bà lão tốt bụng cho nó tấm áo hôm trở giời, nó năng đến chơi thăm nom bà cụ và hay hỏi về bố nhiều hơn.

Tôi chờ cô đã lâu lắm rồi… Sao bây giờ cô mới tới?

Hoàn giật mình thảng thốt nhìn lên. Bà đã đứng trước cánh cửa mở rộng tự lúc nào. Bà dịu dàng nắm lấy tay Hoàn, cô ngoan ngoãn bước theo. Trong căn phòng nhỏ nền nã, tiếng bà êm và nhẹ như bông nắng cuối chiều:

Chúng tôi cưới nhau được đúng một tuần thì ông ấy đi. Tôi cũng khoác ba lô vào chiến trường. Đằng đẵng hơn hai mươi năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Không biết vì những năm tháng ở rừng khắc nghiệt, hay vì những vết thương bom đạn tàn ác mà tôi dù cố gắng chữa chạy mọi nơi vẫn không thể có con với ông ấy được…

Chúng tôi cứ sống với những nỗi buồn chiến tranh nhay nhưa như thế cho đến ngày ông ấy gặp được cô. Tôi biết, đã có một điều gì đó rất lạ lùng đang diễn ra trong con người của ông ấy. Tôi cảm giác có sự hiện diện của cô trong cuộc sống của ông ấy, mặc dù tôi biết rõ hai người thậm chí không hề giáp mặt nhau một lần nào nữa, sau lần gặp gỡ định mệnh ấy. Rồi ông ấy chết ở nhà cô. Trên giường của cô.

Tôi không thể nói là không đau đớn, tủi hổ. Nhưng tự sâu trong bản ngã của mình, tôi vẫn thầm cảm ơn cô. Tôi tin là ông ấy đã ra đi trong ngập tràn hạnh phúc, dù hạnh phúc đó muộn mằn và quá nghiệt ngã. Sau khi ông ấy mất đi, tôi khép kín cả cổng nhà lẫn cửa lòng, sống âm thầm, xa lánh đời trần.

Tôi muốn quên đi phận bạc, xoá hết tủi cực xót xa… Rồi tôi vô tình gặp cháu co ro vì lạnh đứng đợi bạn ngay trước cổng nhà. Thế là quá khứ vụt tràn về, linh cảm đẩy bước chân tôi thoát ra khỏi tổ kén của mình. Tôi đã tìm thấy cô, tìm thấy cuộc đời cũng đầy đắng cay và buồn tủi của cô… Tôi thương tôi, thương cô, thương cháu quá cô ạ!

Hoàn nấc lên khô khốc. Trên môi cô thốt nhiên bật lên hai tiếng đầy ai oán:

Chị ơi!

Chiều muộn, trong bảng lảng của nắng nhạt, hiên thưa, hai người đàn bà lặng lẽ ngồi bên nhau. Họ cứ ngồi như vậy rất lâu, tay trong tay dịu dàng, bình yên. Khi thằng bé đến, cổng nhà mở toang. Và bình minh, bình minh rực rỡ đã tràn khắp khu vườn.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu

Tấm áo cũ là truyện đầu tiên trong dự định viết một xeri khoảng 10 truyện ngắn xoay quanh chủ đề Hạnh phúc. Tuy nhiên, dự định này vẫn còn dang dở.

Tấm áo cũ ảnh 2

Nguyễn Thị Thu nói đây là những “truyện kể” và quan niệm: Cho dù ta không có quyền năng thay đổi hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận giáng tới, nhưng ta lại có toàn quyền lựa chọn thái độ sống để có thể đem đến hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh.

Nguyễn Thị Thu tốt nghiệp Ngữ Văn Đại học Tổng hợp khóa 31, rẽ ngang đi làm chuyên viên PR. Khi còn là sinh viên và khi mới ra trường, mộng văn chương còn xanh, Nguyễn Thị Thu đã in thơ và truyện ngắn trên một số báo và tạp chí. Sau này, chị vẫn âm thầm viết nhưng rất ít gửi đi.

 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
NSƯT Chí Trung và hai nỗi hàm oan ở tuổi 63
NSƯT Chí Trung và hai nỗi hàm oan ở tuổi 63
TPO - Khẳng định mình không giàu cũng chẳng nghèo, NSƯT Chí Trung hài lòng với cuộc sống hiện tại. Lương hưu 12 triệu đồng, sống một mình trong căn nhà tập thể được anh ví có lối vào như hầm mộ nhưng thoải mái, an nhiên.