Taliban ngồi trên kho tài nguyên 1.000 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Taliban ngồi trên kho tài nguyên 1.000 tỷ USD
TPO - Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan trước chiến dịch tấn công thần tốc của Taliban đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo. Nó cũng khiến các chuyên gia an ninh nghĩ đến vấn đề điều gì sẽ xảy ra với trữ lượng tài nguyên cực kỳ dồi dào của Afghanistan?

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng năm 2010, các quan chức quân sự và chuyên gia địa chất học của Mỹ tiết lộ rằng quốc gia ở khu vực giao thoa giữa Trung và Nam Á này nằm trên một kho khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, có thể thay hoàn toàn cục diện kinh tế quốc gia.

Các mỏ quặng sắt, đồng và vàng nằm rải rác trên nhiều tỉnh của Afghanistan. Quốc gia này có còn trữ lượng đất hiếm dồi dào, trong đó có trữ lượng lithium nhiều bậc nhất thế giới. Lithium là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các loại pin sạc và những công nghệ quan trọng để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) hồi tháng 5 nói rằng cần tăng mạnh nguồn cung lithium, đồng, nicken, cô-ban và các nguyên tố đất hiếm để giúp thế giới xử lý khủng hoảng khí hậu.

Ba quốc gia gồm Trung Quốc, CHDC Congo và Úc hiện chiếm tới 75% sản lượng lithium, cô-ban và đất hiếm toàn cầu.

Một chiếc xe hơi chạy điện cần lượng khoáng sản nhiều gấp 6 lần so với xe truyền thống. Lithium, nicken và cô-ban là những nguyên liệu quan trọng để làm ắc-quy phục vụ loại xe này. Các mạng điện cũng sử dụng lượng đồng và nhôm lớn. Đất hiếm còn được dùng để chế tạo nam châm giúp tuốc-bin điện gió hoạt động.

Chính phủ Mỹ ước tính trữ lượng lithium của Afghanistan có thể ngang với Bolivia, nơi đang có trữ lượng lớn nhất thế giới từng được biết đến.

Taliban ngồi trên kho tài nguyên 1.000 tỷ USD ảnh 1

Cục quặng đồng được nhìn thấy ở tỉnh Logar của Afghanistan năm 2013

Nguồn tài nguyên quý giá của Afghanistan phần lớn vẫn nằm dưới đất. Dù đang có một số hoạt động khai thác vàng, đồng và sắt, nhưng việc khai thác lithium và đất hiếm đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, công nghệ cao hơn và thời gian dài hơn. IAE ước tính phải mất trung bình 16 năm để chuyển từ giai đoạn phát hiện đến bắt đầu khai thác.

Bất ổn, thiếu hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng là những nguyên nhân cản trở hoạt động khai thác trữ lượng khoáng sản giá trị của Afghanistan. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đang quan tâm đến nguồn tài nguyên đó.

Đầu tuần này, Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về khai thác đất hiếm, nói rằng họ đang “duy trì trao đổi và tiếp xúc với Taliban”. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc chắc chắn đang quan tâm đến nguồn khoáng sản phong phú của Afghanistan.

Bắc Kinh có thể vẫn thận trọng với việc lập liên doanh với Taliban vì tình hình chưa ổn định. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi trong tương lai nếu Taliban ổn định được đất nước và xúc tiến quan hệ với các quốc gia như Trung Quốc.

Theo CNN
MỚI - NÓNG