Taliban khó từ bỏ được ma túy

0:00 / 0:00
0:00
Ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn Taliban
Ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn Taliban
TP - Mặc dù Zabihullah Mujahid (người phát ngôn của tổ chức vũ trang cực đoan Taliban) mạnh miệng cam kết Taliban sẽ đưa Afghanistan trở thành “quốc gia không ma túy”, nhưng các chuyên gia đều cho rằng rất khó để họ thoát khỏi những vụ giao dịch ma túy có lợi nhuận khủng.

Ngày 17/8, Mujahid tuyên bố trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên được tổ chức sau khi Taliban chiếm được Kabul hai ngày trước đó: “Chúng tôi đảm bảo với dân chúng cả nước và cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi sẽ không sản xuất thêm bất kỳ loại ma túy nào nữa. Nếu mọi người còn nhớ, chúng tôi đã loại bỏ kế hoạch sản xuất ma túy vào năm 2001. Nhưng thật không may, đất nước của chúng tôi bị (Mỹ) chiếm đóng vào thời điểm đó, và ngay cả cấp chính phủ cũng mở đường cho việc tái sản xuất ma túy - tất cả mọi người đều bị cuốn vào”.

Ông ta cao giọng: “Nhưng từ nay trở đi sẽ không ai được tham gia vào việc sản xuất và buôn lậu ma tuý. Hôm nay khi tiến vào Kabul, chúng tôi thấy nhiều thanh niên ngồi dưới gầm cầu hoặc cạnh tường, họ đang phê thuốc. Đó thật là điều bất hạnh. Nhìn thấy những người trẻ tuổi không có niềm tin vào tương lai ấy, chúng tôi cảm thấy rất buồn. Từ nay, Afghanistan sẽ là một quốc gia không ma túy, nhưng chúng ta cần sự trợ giúp của quốc tế. Cộng đồng quốc tế hãy giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi có được các loại cây trồng thay thế. Chúng tôi có thể cung cấp các loại cây trồng thay thế. Sau đó tất nhiên, chúng tôi sẽ sớm kết thúc việc sản xuất ma túy”.

Các lời lẽ chống heroin của Taliban, giống như các cam kết tương tự nhằm tôn trọng nhân quyền và tự do truyền thông, được các nhà phân tích xem là một phần trong nỗ lực mới của Taliban nhằm thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn để chiếm được sự ủng hộ của quốc tế.

Ông Jonathan Goodhand, một chuyên gia về vấn đề buôn bán ma túy quốc tế tại Đại học SOAS London, nói rằng ma túy đã trở thành nguồn lực then chốt của Taliban và họ sẽ rất khó để từ bỏ nó.

Goodhand nói: “Họ muốn tạo ra hình ảnh bản thân ôn hòa hơn và sẵn sàng tiếp xúc với phương Tây. Họ ý thức được rằng vấn đề ma túy là một phương thức để đạt được mục tiêu của họ”. Goodhand nói, nhưng mặt khác, bất kỳ cuộc trấn áp ma túy nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nông dân trong khu vực trung tâm chính trị của Taliban, đặc biệt là các tỉnh Helmand và Kandahar. Ông nói thêm rằng “chắc chắn sẽ rất khó thực hiện các biện pháp cấp tiến để chống lại ma túy”.

Taliban khó từ bỏ được ma túy ảnh 1
Lính chính phủ Afghanistan đột kích một cánh đồng trồng cây thuốc phiện do Taliban kiểm soát ở tỉnh Kandahar

Tại cuộc họp báo, Zabihullah Mujahid đã khẩn cầu sự viện trợ của quốc tế để cung cấp cho nông dân các loại cây trồng thay thế cây thuốc phiện; cây thuốc phiện là nguyên liệu chính để sản xuất morphin và heroin. Lời kêu gọi này có thể khiến những người trong 10 năm qua làm việc cho quân đội NATO, các tổ chức phi chính phủ và Liên Hợp Quốc bật cười. Họ đã rất cố gắng phá bỏ sự phụ thuộc của Afghanistan vào việc trồng cây thuốc phiện, nhưng tất cả đều vô ích.

Các cuộc điều tra cho thấy nông dân ở các khu vực do Taliban kiểm soát thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ các lãnh chúa địa phương và chiến binh Taliban để trồng cây thuốc phiện. Trên thực tế, việc sản xuất heroin ở Afghanistan đã tăng mạnh trong những năm gần đây và cung cấp nguồn tài trợ chính cho Taliban. Mặc dù Zabihullah Mujahid mạnh miệng cam kết Taliban sẽ đưa Afghanistan trở thành “quốc gia không ma túy”, nhưng các chuyên gia đều cho rằng rất khó để họ thoát khỏi những vụ giao dịch ma túy có lợi nhuận khủng.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc về nguồn tài trợ của Taliban được công bố hồi tháng 6/2021 cho thấy: “Nguồn tài chính chủ yếu của Taliban vẫn là các hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy và sản xuất thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và nguồn thu từ việc thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc có ảnh hưởng”.

Mặc dù không thể xác định chính xác, nhưng ước tính thu nhập hàng năm do Taliban tạo ra nằm trong khoảng từ 300 triệu USD đến 1,6 tỷ USD. Báo cáo của văn phòng tổng thanh tra chính phủ Mỹ đưa ra hồi tháng 5/2021 dẫn lời một quan chức Mỹ ước tính rằng nguồn thu từ ma tuý chiếm đến 60% tổng nguồn thu của Taliban.

Con số khổng lồ này cũng được chính Taliban công bố. Mullah Yaqood, thành viên ban lãnh đạo và là con trai của Mullah Mohammad Omar, người sáng lập Taliban, cho biết, lực lượng này thu được 1,6 tỷ USD chỉ trong một năm tính đến tháng 3/2020, tương đương với khoảng 1/3 tổng thu nhập của chính phủ Afghanistan trong cùng thời gian. Trong đó, thuốc phiện, nguyên liệu chính để điều chế morphin, codein và heroin là một trong những nguồn thu lớn nhất của Taliban.

Theo Báo cáo về nạn sản xuất và buôn bán ma túy thế giới năm 2020 của Liên Hợp Quốc, Afghanistan là nơi cung cấp khoảng 84% nguồn thuốc phiện trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), sản lượng thuốc phiện của Afghanistan tăng mạnh trong 3 năm qua. Bất chấp đại dịch COVID-19 tàn phá, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan vẫn tăng 37% trong năm 2020.

Ước tính sản lượng thuốc phiện của Afghanistan đạt kỷ lục vào năm 2017, với 9.900 tấn, trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 7% GDP của Afghanistan, theo báo cáo của UNODC. Phần lớn lợi nhuận về ma túy ở Afghanistan đổ về túi Taliban. Taliban áp thuế 10% đối với mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ ma túy.

Liên Hợp Quốc và Washington cho rằng Taliban tham gia tất cả các hoạt động liên quan đến ma tuý, từ trồng thuốc phiện, chiết xuất, buôn bán và thu thuế từ những người trồng thuốc phiện, điều hành phòng thí nghiệm điều chế ma tuý, đến thu phí từ những kẻ buôn ma tuý đưa ra khắp châu Phi, châu Âu, Canada, Nga, Trung Đông và châu Á.

MỚI - NÓNG