Taliban chuẩn bị ra mắt chính phủ mới, kinh tế Afghanistan bên bờ sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
Các tay súng Taliban trên con phố ở thủ đô Kabul. (Ảnh: Reuters)
Các tay súng Taliban trên con phố ở thủ đô Kabul. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 2/9, Taliban cho biết đang chuẩn bị ra mắt chính phủ mới khi nền kinh tế Afghanistan đang bên bờ vực sụp đổ, hơn 2 tuần lực lượng này chiếm được thủ đô Kabul và Mỹ kết thúc 20 năm chiến tranh bằng cuộc ra đi hỗn loạn.

Ahmadullah Muttaqi, một quan chức của Taliban, thông báo trên mạng xã hội rằng lễ ra mắt đang được sửa soạn tại dinh tổng thống ở Kabul. Đài truyền hình tư nhân Tolo nói rằng chính phủ mới sắp ra thông báo.

Nhà lãnh đạo tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada dự kiến sẽ là người nắm quyền lực tối cao trong hội đồng chính phủ, bên dưới ông sẽ là tổng thống, một quan chức Taliban nói với Reuters.

Tính chính danh của chính phủ mới trong mắt các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế sẽ là vấn đề vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Afghanistan trước nguy cơ sụp đổ vì Taliban trở lại nắm quyền, các nhà phân tích nhận định.

Lãnh đạo tối cao của Taliban sẽ có 3 cấp phó, gồm Mawlavi Yaqoob - con trai của nhà sáng lập quá cố Taliban Mullah Omar; Sirajuddin Haqqani – thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani đầy quyền lực; và Abdul Ghani Baradar – một trong những thành viên sáng lập của phong trào.

Gunnar Wiegand, giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Uỷ ban châu Âu, nói rằng EU sẽ không chính thức công nhận Taliban cho đến khi lực lượng này đáp ứng được các điều kiện, bao gồm thành lập một chính phủ đa dạng, tôn trọng nhân quyền và cho phép các nhân viên cứu trợ tiếp cận không hạn chế.

Một hội đồng lãnh đạo không qua bầu cử là cách Taliban vận hành chính phủ đầu tiên của họ khi trở lại cầm quyền sau 20 năm bị Mỹ lật đổ.

Trong những ngày qua, Taliban cố gắng thể hiện hình ảnh ôn hoà hơn với thế giới, sau khi lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn để trở lại cầm quyền, với lời hứa bảo vệ nhân quyền và kiềm chế trả đũa những người từng phục vụ Mỹ và chính phủ cũ.

Nhưng Mỹ, EU và các quốc gia khác đang hoài nghi về những bảo đảm đó, nói rằng việc công nhận chính thức chính phủ mới và viện trợ kinh tế sẽ tuỳ thuộc vào hành động của chính phủ mới.

“Chúng tôi không đánh giá họ dựa trên lời nói mà sẽ nhìn vào hành động của họ”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói trong cuộc họp báo ngày 1/9.

“Vì thế họ cần phải chứng tỏ rất nhiều thứ từ hồ sơ của chính họ… giờ họ có thể đạt được nhiều thứ nếu có thể điều hành Afghanistan theo cách khác so với những gì họ làm khi cầm quyền trước đây”, bà Nuland nói.

Gunnar Wiegand, giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Uỷ ban châu Âu, nói rằng EU sẽ không chính thức công nhận Taliban cho đến khi lực lượng này đáp ứng được các điều kiện, bao gồm thành lập một chính phủ đa dạng, tôn trọng nhân quyền và cho phép các nhân viên cứu trợ tiếp cận không hạn chế.

“Các quốc gia EU và G7 đều nhất trí rằng chúng ta cần làm việc với Taliban, chúng ta cần trao đổi với Taliban, chúng ta cần tác động đến Taliban, chúng ta cần tận dụng những lợi thế chúng ta có. Nhưng chúng ta sẽ không vội công nhận chính phủ mới hay thiết lập quan hệ chính thức”, ông Wiegand nói trước Nghị viện EU tại Brussels.

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm hoạ tồi tệ khi hạn hán nghiêm trọng và những đảo lộn do chiến tranh buộc hàng ngàn người dân Afghanistan phải bỏ nhà đi.

Afghanistan đang vô cùng cần tiền, và Taliban khó có thể tiếp cận nhanh số tài sản 10 tỷ USD mà ngân hàng trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài.

Taliban đã yêu cầu các ngân hàng mở cửa, nhưng hạn chế mức tiền rút ra khi người dân xếp hàng dài trước các ngân hàng.

GDP của Afghanistan dự kiến sẽ giảm 9,7% trong năm tài khoá này, và sẽ tiếp tục giảm 5,2% trong năm tới, theo đánh giá của Fitch Group.

Afghanistan cần đầu tư nước ngoài để hỗ trợ triển vọng lạc quan hơn. Điều này có thể thành hiện thực nếu một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nga công nhận chính quyền Taliban, Fitch đánh giá.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG