Tái xuất hiện những “điểm nóng” phá rừng ở các tỉnh phía Nam

Quảng Nam là một trong những điểm nóng về phá rừng trong thời gian qua.
Quảng Nam là một trong những điểm nóng về phá rừng trong thời gian qua.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mố số địa phương phía Nam thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng chưa kiểm soát chặt chẽ, một số tỉnh thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật; có chiều hướng tái xuất hiện những “điểm nóng” phá rừng.    

Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2018 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2019 của 32 tỉnh khu vực phía Nam do Tổng Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 20/12.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) gồm 32 tỉnh, thành phố với diện tích chiếm 49,3% diện tích toàn quốc, diện tích có rừng là 5,7 triệu ha (trong đó rừng tự nhiên 4,1 triệu ha; rừng trồng 1,6 triệu ha), chiếm 39,4 % diện tích có rừng cả nước; độ che phủ rừng đạt 32,4%.

Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, năm 2018 tại các tỉnh phía Nam giữ được tỷ lệ che phủ rừng của khu vực đạt 32,8% với cơ cấu hợp lý. Trong khi đó, cháy rừng giảm 11% về số vụ (còn 41 vụ), tuy nhiên, mức thiệt hại tăng 1,5 lần (thiệt hại 262 ha).

Về cơ bản, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn được kiềm chế, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng và cơ bản đã kiểm soát được các “điểm nóng” phá rừng, khai thác rừng trái phép. Mức độ vị phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm (giảm 28% về số vụ và 30% diện tích thiệt hại).

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. Trong 654 dự án có đề xuất chuyển đổi với diện tích trên 68.360 ha sang mục đích khác, nhưng thực tế chỉ chấp thuận chuyển đổi 32 dự án (4,9%), và diện tích chuyển đổi chỉ 1.269 ha (khoảng 1,9% đề xuất). 

Trồng rừng tăng 42,8% so với cùng kỳ 2017, tỷ lệ giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 80%.

Tái xuất hiện những “điểm nóng” phá rừng ở các tỉnh phía Nam ảnh 1 Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đồng chủ trì hội nghị

Về thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay, việc triển khai trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn được đẩy mạnh. Một số tỉnh đã ngừng sản xuất dăm gỗ (Bình Định). Môt số tỉnh đầu tư dự án mới sản xuất ván công nghiệp, sản phẩm viên nén năng lượng từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ như Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã đồng ý xây dựng dây chuyền 2 của Nhà máy ván MDF của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại tỉnh Bình Phước nhằm sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ cao su tại khu vực Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, về tổ chức, lực lượng kiểm lâm đã xây dựng phương án kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tăng cường kiểm lâm địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm túc chấn chỉnh chỉnh nội bộ và xử lý nghiêm các vi phạm trong thi hành công vụ; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp ngăn chặn và tiến hành điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, được dự luận và nhân dân đồng tình ủy hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại. Công tác bảo vệ rừng chưa toàn diện, hình hình vi phạm, phá rừng vẫn diễn ra tại một số địa phương và có chiều hướng tái xuất hiện những “điểm nóng”.

Một số chỉ tiêu chưa đạt như trồng rừng phòng hộ và đặc dụng, trồng rừng thay thế, trồng rừng ven biển. Tiến độ sắp sếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm.

Một số địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng chưa kiểm soát chặt chẽ, một số tỉnh thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp cho biết, kết quả giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước năm 2018 sẽ đạt 9,38 tỷ USD tăng 15,9% so với năm 2017.

Lâm nghiệp ngành hàng cao nhất trong ngành hàng xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản (chiếm tới trên 23%) đứng thứ 6 về giá trị xuất khẩu của các ngành hàng của Việt Nam.

Đặc biệt giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD chiếm trên 8% giá trị xuất siêu của Ngành nông nghiệp và đứng số 1 về giá trị xuất siêu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

MỚI - NÓNG