Tài xế taxi mua bình để đối phó

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Tuy chấp hành quy định mới của ngành Công an, nhưng nhiều lái xe cho rằng, do thiết kế kỹ thuật không quy định nên trên xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ rất khó tìm khu vực để bình cứu hỏa.

Bên cạnh đó, hầu hết ô tô hiện nay đã đóng bảo hiểm, nếu có xảy ra tai nạn hay cháy nổ sẽ có bảo hiểm chịu trách nhiệm, hơn nữa trong Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam cũng không quy định việc này đối với dòng xe từ 4 đến 9 chỗ nên quy định trên chưa thật sự phù hợp với thực tế. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe của hãng taxi Rồng Vàng cho biết: “Do xe không có thiết kế cho bình cứu hỏa nên tôi đã phải để bình này ở gầm ghế lái. Đây là vị trí duy nhất gần tài xế và không ảnh hưởng đến việc lên xuống xe của hành khách. Tuy nhiên nếu xe xảy ra cháy, việc xuống xe và bật ghế lên để lấy bình cứu hỏa là vấn đề không đơn giản”.

Nhiều tài xế taxi cũng cho biết, sau khi quy định ô tô phải trang bị bình cứu hỏa có hiệu lực, trên thị trường tràn ngập rất nhiều loại bình chữa cháy mini của rất nhiều hãng sản xuất. Tất cả đều không có tem, mã rõ ràng nên rất khó lựa chọn bình có chất lượng. “Để chiếm ít diện tích và gọn gàng nhiều người đã mua loại bình chữa cháy loại nhỏ với giá từ 60 đến 100.000 đồng/bình, nhưng khi lấy ra phun thử thì rất ít bọt và không thể dập tắt một đám cháy bằng giấy lộn”, anh Hữu, chạy xe cho hãng taxi Sao Mai  phản ánh.

Đại diện nhiều hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, hiện hầu hết xe của các hãng đã được trang bị bình cứu hỏa và thiết bị PCCC. Mặc dù đánh giá đây là quy định đảm bảo an toàn cho hành khách, lái xe và phương tiện nhưng đại diện nhiều hãng taxi thừa nhận, lái xe có biết cách sử dụng và bình có đảm bảo chất lượng… không ai dám khẳng định đúng tiêu chuẩn được cả.

MỚI - NÓNG