Tai vạ

Tai vạ
TP - “Mồ cha không thờ, đi thờ đống mối” (271 tỷ đồng đầu tư xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử)- chuyện nghe oải nhất tuần qua còn đang sốt sình sịch thì thiên tai ập đến làm cả Hà Nội bàng hoàng không kịp trở tay. Sau giông lốc, nhìn Hà Nội khác nào chiến địa ngổn ngang. Nhiều người có ô tô hỏng nặng còn đưa ảnh lên mạng xã hội coi như chuyện đáng ăn mừng “thế còn là may”.

Trước đó nữa, một chuyện “chán như con gián” đó là nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng mắc lỗi sơ đẳng về nghề nghiệp, ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín. Đây không phải sự cố ý để thủ lợi gì cả, tiếc rằng sự đơn giản đến không thể tin được đã đẩy ông vào tình thế trớ trêu. Thay vì chỉ “giữ cho riêng mình” bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác” đã qua Photoshop - như hằng tâm niệm, thì ông lại “lú lẫn” đưa ra quốc tế. “Lú lẫn” là từ của chính ông, rằng gần đây do sức ép của bom và những ám ảnh chết chóc trong chiến tranh nên ông mới giao đĩa trong đó có tấm ảnh đặc biệt kia cho nhà tuyển chọn người Pháp để rồi bị bên thứ ba phát hiện. 

Khổ chủ đoán đồng nghiệp Đan Mạch có chút bất đồng trong quan niệm nghệ thuật nên mới để ý kỹ tấm ảnh ấy. Biết làm sao được khi người tinh quái phát hiện sai lầm chết người đã không hề có ý định bỏ nhỏ với tác giả, không bỏ qua sự cố của ban tổ chức (phía Pháp). Bây giờ, không chỉ người trong cuộc muốn quên chuyện càng nhanh càng tốt. Chả lẽ lại ngồi ước “Giá mà bức ảnh đừng nổi tiếng đến thế, nổi tiếng thế giới”. (Trước đó có vẻ tác giả không hề biết giá trị ảnh phẩm của mình- từng bị báo Quân đội Nhân dân từ chối in do chụp người không rõ).

Một chủ nhân giải Nobel mới đây đã gần như kết thúc sự nghiệp cố vấn khoa học cao cấp của ĐH College London, Anh quốc. Nguyên văn phát biểu ngắn của ông, bị coi là biểu hiện của một “tên ngốc kỳ thị giới tính”, “nhà khoa học ghét đàn bà” dẫn đến tai vạ, như sau: “Hãy để tôi nói bạn nghe về rắc rối của tôi với các cô gái. Có ba điều xảy ra khi họ trong phòng thí nghiệm: Bạn yêu họ, họ yêu bạn và khi bạn phê bình thì họ khóc”.

Vợ chồng nhà khoa học than vãn họ phải trả giá quá kinh khủng, bất công cho sai lầm của mình, là nạn nhân của truyền thông và thói nệ danh. Đây lại cũng do nổi tiếng quá, sống trong xã hội đề cao bình đẳng giới quá. Thử tưởng tượng câu này phát ra ở Việt Nam và có thể châu Á nói chung, thì ai thèm để ý cơ chứ!

MỚI - NÓNG