Tái tạo thịt viên... voi ma mút

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một công ty nuôi cấy Úc đã tạo ra một viên thịt voi ma mút, làm hồi sinh thực phẩm từ những loài động vật đã tuyệt chủng từ lâu.

Công ty Vow tại Úc, nơi đã tái tạo lại thịt voi ma mút, đang thực hiện một cách tiếp cận khác đối với thịt nuôi cấy. Có rất nhiều công ty đang nghiên cứu các sản phẩm thay thế cho thịt thông thường, chẳng hạn như thịt gà, thịt lợn và thịt bò.

Thế nhưng Vow lại đang nhắm đến việc trộn và kết hợp tế bào từ một số loài độc đáo để tạo ra các loại thịt mới. Dự án nhằm chứng minh tiềm năng của thịt phát triển từ tế bào mà không cần giết mổ động vật và làm nổi bật mối liên hệ giữa sản xuất chăn nuôi quy mô lớn với sự tàn phá động vật hoang dã và khủng hoảng khí hậu.

Công ty đã nghiên cứu tiềm năng của hơn 50 loài, bao gồm lạc đà, trâu, cá sấu, kangaroo, công và nhiều loại cá khác nhau. Thịt nuôi cấy đầu tiên được bán ra thị trường sẽ là chim cút Nhật Bản, mà công ty dự kiến sẽ có mặt tại các nhà hàng Singapore trong năm nay.

“Mục tiêu của chúng tôi là giúp một vài tỷ người ăn thịt chuyển đổi từ việc ăn protein động vật thông thường sang ăn những thứ do chính con người tạo ra. Và chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để làm điều đó là phát minh ra thịt. Chúng tôi tìm kiếm những tế bào dễ phát triển, thực sự ngon và bổ dưỡng, sau đó trộn và kết hợp những tế bào đó để tạo ra loại thịt thực sự ngon”, ông George Peppou, giám đốc điều hành của Vow cho biết.

“Chúng tôi chọn voi ma mút lông xù vì nó là biểu tượng của sự mất mát đa dạng, và của sự biến đổi khí hậu”, ông Tim Noakesmith, người đồng sáng lập Vow với ông Peppou cho biết. Sinh vật này được cho là đã bị tuyệt chủng bởi sự săn bắn của con người và hiện tượng nóng lên toàn cầu sau kỷ băng hà cuối cùng.

Tái tạo thịt viên... voi ma mút ảnh 1

Các tế bào sản xuất protein thịt voi ma mút được tạo ra tại Viện Kỹ thuật sinh học Úc tại Đại học Queensland

Ý tưởng ban đầu là của ông Bas Korsten tại công ty sáng tạo Wunderman Thompson: “Mục đích của chúng tôi là bắt đầu cuộc thảo luận về cách chúng ta ăn uống, cũng như xem xét những lựa chọn thay thế trong tương lai sẽ trông như thế nào. Thịt nuôi cấy là thịt, nhưng bản chất của nó không giống những gì chúng ta đã biết”.

Vow đã làm việc với Giáo sư Ernst Wolvetang, tại Viện Kỹ thuật Sinh học Úc tại Đại học Queensland để tạo ra protein cơ bắp của voi ma mút. Nhóm của ông đã lấy trình tự DNA của voi ma mút, một loại protein cơ quan trọng giúp tạo hương vị cho thịt và lấp đầy một số khoảng trống bằng cách sử dụng DNA của voi thông thường.

Trình tự DNA này được đặt trong các tế bào gốc từ một con cừu và chúng sẽ nhân lên để phát triển thành 20 tỷ tế bào mà từ đó được công ty sử dụng để “nuôi trồng” thịt voi ma mút.

“Quá trình dễ dàng và nhanh chóng đến đáng ngạc nhiên. Chúng tôi đã làm tất cả điều này chỉ trong một vài tuần”, giáo sư Wolvetang nói. Ông nói thêm ý tưởng ban đầu là sản xuất thịt chim dodo, nhưng các chuỗi DNA cần thiết không tồn tại.

Tuy nhiên, chưa một ai dám nếm thử thịt viên voi ma mút. “Con người đã không nhìn thấy loại protein này trong hàng nghìn năm. Vì vậy, chúng tôi không biết hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ phản ứng như thế nào khi chúng ta ăn nó. Nhưng như những loại thịt khác, chúng tôi chắc chắn rằng cơ thể chúng ta có thể khiến các cơ quan xử lý chấp nhận nó một cách dễ dàng”, ông Wolvetang cho biết.

Giáo sư Wolvetang có thể hiểu vì sao mọi người lại cảnh giác với loại thịt như vậy. “Nó hơi lạ và mới – lúc đầu thì luôn như vậy. Nhưng từ quan điểm bảo vệ môi trường và về mặt đạo đức, cá nhân tôi nghĩ rằng thịt nuôi cấy rất có ý nghĩa”.

Tái tạo thịt viên... voi ma mút ảnh 2

Thịt viên voi ma mút được tạo ra để chứng minh tiềm năng của thịt phát triển từ tế bào

Việc sản xuất thịt quy mô lớn, đặc biệt là thịt bò, gây ra thiệt hại lớn cho môi trường với nhiều nghiên cứu cho thấy để chấm dứt khủng hoảng khí hậu, các quốc gia giàu có phải giảm mạnh việc ăn thịt. Thịt nuôi cấy sử dụng ít đất và nước hơn nhiều so với chăn nuôi và không tạo ra khí thải mêtan.

Vow cho biết, năng lượng mà họ sử dụng đều từ các nguồn tái tạo và huyết thanh bào thai, một phương tiện tăng trưởng được sản xuất từ bào thai gia súc, không được sử dụng trong bất kỳ sản phẩm thương mại nào của họ. Cho đến nay, công ty đã huy động được 56 triệu USD (1,3 nghìn tỷ VND) tiền đầu tư.

Ông Wolvetang tin rằng sẽ ngày càng có nhiều sự giao thoa giữa công nghệ nghiên cứu tế bào gốc của con người và ngành sản xuất thịt nuôi cấy. Ví dụ, các tế bào có thể được lập trình để phát triển phù hợp với môi trường trực tiếp của chúng, nghĩa là việc “nuôi trồng” các miếng thịt chứa cơ, mỡ và mô liên kết là hoàn toàn khả thi.

“Tôi hy vọng dự án hấp dẫn này sẽ hướng sự chú ý về tiềm năng phi thường của thịt nuôi cấy trong việc sản xuất thực phẩm bền vững hơn.

Tuy nhiên, vì các nguồn thịt phổ biến nhất là động vật trang trại như gia súc và gia cầm, nên phần lớn lĩnh vực protein bền vững tập trung vào việc tái tạo thực tế thịt từ những loài này.

Bằng cách nuôi cấy thịt bò, thịt lợn, thịt gà và hải sản, chúng ta có thể tạo tác động lớn trong việc giảm lượng khí thải từ nông nghiệp chăn nuôi truyền thống”, cô Seren Kell tại Viện Thực phẩm Tốt Châu Âu cho biết.

Thịt viên voi ma mút đã được ra mắt vào tối thứ Ba (28/3) tại Nemo, một bảo tàng khoa học ở Hà Lan.

Theo theguardian.com, ngày 28/03/2023
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.