Ngày nay, tiết kiệm nhiên liệu và nâng cao hiệu suất vận hành là những mục tiêu rất quan trọng với các hãng xe. Để đạt được điều đó, một bước quan trọng là "giảm cân" cho những chiếc xe của mình. Các hãng xe châu Âu đã bắt đầu dùng nhôm thay cho thép để sản xuất các bộ phận như nắp ca-pô, cửa, nắp cốp và trần xe.
Tuy nhiên, những hãng châu Á lại vẫn sử dụng thép. Các hãng châu Âu sản xuất nhiều xe sang, do đó khách hàng cũng sẵn sàng trả giá cao hơn bởi sử dụng chất liệu mới. Trong khi đó, xe châu Á chủ yếu là xe phổ thông nên thép vẫn là sự lựa chọn tối ưu, mức chi phí để chuyển từ thép sang nhôm là khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán xe
Hyundai là một hãng châu Á vừa phải quay trở lại sử dụng thép thay cho nhôm trên chiếc Genesis. Đi cùng với các bộ phận bằng thép, Genesis nặng thêm 80 kg và mức tiêu thụ nhiên liệu tăng lên 20%. Hyundai cho rằng xe giờ đây an toàn hơn bởi thép cứng, vượt qua các điều kiện an toàn của Mỹ.
Nissan là một hãng xe Nhật sử dụng nhôm cho các mẫu xe thể thao như GT-R và 370Z. Honda cũng sử dụng nhôm trên chiếc Acura và Accord tại Mỹ trong khi Lexus dùng nhôm cho dòng sedan IS.
Hyundai gián tiếp xác nhận rằng nhôm sẽ không nằm trong cấu trúc thân xe của hãng này trong thời gian tới. Một trong những lý do mà Hyundai đưa ra là hãng xe này có chương trình sản xuất thép riêng biệt dưới tên Hyundai Steel. Giá nhôm cao gấp 4 lần giá thép.
Nhôm không phải là không có nhược điểm. Các công ty sử dụng toàn bộ động cơ bằng nhôm như Honda và BMW, được biết đến với hiệu suất cao nhưng đồng thời cũng bị phê bình vì độ ồn của động cơ, đặc biệt là động cơ diesel.
Thép thông thường đang dần được thay thế bằng thép cường lực, 9/10 nhà sản xuất dùng loại thép này cho biết có độ cứng tăng 20%, trọng lượng giảm 20%. Nhu cầu về nhôm được dự đoán tăng lên 35% tới năm 2016, và dần trở thành xu hướng ở cả những hãng xe châu Á.