Tại sao giá vàng lại sốt?

Tại sao giá vàng lại sốt?
Cơn "sốt" giá vàng năm 2011 là câu chuyện lặp lại của năm 2004, Câu hỏi đặt ra cho giới quan sát và các nhà đầu tư hay đầu cơ vàng quốc tế là liệu giá vàng có tiến đến mức tâm lý quan trọng sắp tới là 2.000 USD/ounce?

Tại sao giá vàng lại sốt?

>> Dừng huy động và cho vay vàng: 'Tác động không lớn'

Cơn "sốt" giá vàng năm 2011 là câu chuyện lặp lại của năm 2004, Câu hỏi đặt ra cho giới quan sát và các nhà đầu tư hay đầu cơ vàng quốc tế là liệu giá vàng có tiến đến mức tâm lý quan trọng sắp tới là 2.000 USD/ounce?

Vàng đang khẳng định lại vị thế của mình. Ảnh: Internet
Vàng đang khẳng định lại vị thế của mình. Ảnh: Internet.

Nhân chuyện sốt giá vàng vào ngày cuối tháng 4-2011, lúc vàng lên đỉnh cao kỷ lục là 1.565 USD/ounce, người viết muốn trở lại cùng câu chuyện năm 2004 lúc viết trên báo Tuổi Trẻ và trao đổi với báo giới. Tháng 11-2003 chúng tôi dự báo sang năm mới 2004, vàng sẽ tăng giá trên 400 USD/ounce và dầu có thể lên đến mức 50 USD/thùng. Nhân việc giá vàng tăng vọt đúng một năm sau (11-2004), lên tới 447 USD/ounce ở thị trường London và 8,5 triệu đồng/lượng ở Việt Nam, chúng tôi đã phân tích một số yếu tố liên hệ đến việc này.

Và phân tích tình hình mới từ năm 2010 đến nay, nhiều yếu tố cũ vẫn đóng vai trò quan trọng tới giá vàng, được coi như hàn thử biểu đo "thân nhiệt" của nền tài chính thế giới.

Tại sao cơn sốt vàng trở lại?

Liên hệ cơn sốt vàng, giá dầu và khủng hoảng đồng dollar năm 2004. Sau kết quả Tổng thống Mỹ Bush đắc cử ở Mỹ, thị trường tài chính thế giới không mấy tin tưởng vào chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục thất thu ngân sách nặng nề khoảng trên 450 tỷ USD hàng năm và cán cân vãng lai thua lỗ nặng. Giá vàng trở lại cơn sốt cũ từ cuối năm 2003, vượt các mức kỷ lục cũ trong 16 năm qua và mới đây lên gần mức "chống cự" quan trọng là 450 USD/ounce. Nguyên nhân chính vẫn là thể hiện cơn khủng hoảng mới của đồng đô-la Mỹ. Do đó, các ngân hàng quốc tế bắt đầu thay dự trữ USD bằng vàng và đồng euro hay đồng yên Nhật. Nguyên do khác là tình hình Trung Đông lại căng thẳng.

Liên hệ gì giữa giá vàng tăng, sự kiện tăng giá dầu và giá bất động sản ở nhiều nơi trên thế giới? Có chăng lạm phát toàn cầu?

Nhìn lại chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các biến cố tài chính quốc tế trong một thời gian dài, người ta cũng có thể thấy giá vàng bị đẩy lên để "cân bằng" với các giá cả "bong bóng" khác trên thị trường quốc tế do chính sách của FED trong 7 năm qua (tức là từ 1997) để duy trì ổn định kinh tế tài chính toàn cầu.

Lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á vào các năm 1997-1998, FED đã dùng chính sách tiền tệ "dễ" để bơm thanh khoản vào nền kinh tế thế giới hòng tránh khủng hoảng. Việc này đã dẫn đến quả bong bóng cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Lúc quả bong bóng này vỡ, để cứu vãn hậu quả tai hại lên kinh tế toàn cầu, FED lại ra tay tương tự.

Rồi đến biến cố khủng bố 11-9-2001, FED lại nương tay và bơm thêm thanh khoản để tránh trì trệ cho kinh tế Mỹ và thế giới lần nữa. Từ đó lại thêm thị trường bong bóng cho trái phiếu (giá lên khi lãi suất xuống) lúc lãi suất Mỹ được giữ ở mức 1% trong một thời gian dài, và ảnh hưởng lan tràn toàn cầu của chính sách tín dụng "dễ" đã giúp tạo thêm bong bóng cho giá nhà đất trong thị trường bất động sản toàn cầu, nhất là ở Mỹ và Trung Quốc, trước khi quả bong bóng đó nổ tại Mỹ với cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn.

Đồng thời, do bất quân bình cung - cầu và tình hình Trung Đông, giá dầu đã được đẩy lên kỷ lục 50 USD/một thùng vào năm 2004. Từ giá cổ phiếu sang trái phiếu, rồi giá bất động sản và giá dầu cũng như một số nguyên vật liệu khác do nhu cầu tăng trưởng cao của Trung Quốc, đều có hiện tượng bong bóng. Bây giờ, do khủng hoảng đồng đô-la Mỹ, chỉ còn giá vàng bạc có thể được đẩy lên và đó là nguyên nhân cơn sốt vàng trở lại vào năm 2004.

Vàng đang lấy lại phong độ

Liên hệ cơn sốt vàng, giá dầu và khủng hoảng đồng dollar năm 2011.

Từ sau khi vượt "đỉnh 450 USD/ounce" là một dấu mốc quan trọng cho giá vàng năm 2004, vàng đã liên tiếp lập những kỷ lục khác trong những năm kế tiếp do chính sách tiền tệ mềm của ông Greenspan được duy trì ở FED, nhất là trong 8 năm nhằm giúp chính phủ đảng Cộng hòa của TT Bush giữ được tăng trưởng cao bất chấp tình trạng "vô kỷ luật" của ngân sách và chính sách tài khóa Mỹ. Nhiều người đã chỉ trích sau này là chính sách của Greenspan đã gieo mầm cho khủng hoảng tài chính Mỹ và suy thoái thế giới năm 2008.

Như dự báo của nhiều quan sát viên quốc tế, cùng với giá dầu đã vượt xa mức 50 USD năm 2004 vọt cao lên kỷ lục 147 USD/thùng, chính sách tiền tệ và tài khóa cùng nới lỏng song hành trong nhiều năm của Mỹ đã dẫn đến sự khủng hoảng của đồng USD và đưa giá vàng vào vùng lãnh thổ mới chưa hề được vẽ ra (unchartered territory), sau lúc vượt đỉnh kỷ lục cũ năm 1980 là 1.850 USD/ounce lúc xảy ra nạn bắt con tin Mỹ ở Iran.

Từ lúc vượt ranh giới tâm lý quan trọng là 1.000 USD/ounce đến nay trên 1.500 USD, thời gian đã rất ngắn so với lịch sử giá vàng lâu dài trước đây. Điều này nói lên không chỉ tâm lý lo sợ lạm phát thế giới trong tương lai, nhưng thực chất là vai trò quan trọng của vàng đang trở lại như trong hệ thống kim bản vị cũ (đã được Mỹ hủy bỏ và dùng USD làm bản vị thay thế). Và cũng nói lên sự mất tín nhiệm với đồng USD hay bất cứ thứ tiền giấy nào khác như cái "neo" trong hệ thống tài chính quốc tế hiện tại.

Ngoài ra giá vàng lại còn lên cao hơn từ năm 2010 sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, lúc các nước thi nhau khắc phục tình trạng suy thoái riêng của xứ mình, như đề tựa hàng ngày (headlines) chúng ta có thể đọc trên các mạng truyền thông quốc tế. Chẳng hạn, Các Ngân hàng TƯ Thi Nhau Giảm Tỷ Gia Để Tăng Tốc Độ Phục Hồi Kinh Tế (Central Banks Deflation Their Currencies To InFlate The World Economy).

Trận chiến tiền tệ từ 2010

Từ tháng 10 năm ngoái (2010), thời sự kinh tế thế giới sôi nổi vì tin các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhật Bản bắt đầu "trận chiến" này, giảm thêm lãi suất xuống mức 0,0-0,1%, áp dụng thêm chính sách nới lỏng tiền tệ (quantitative easing - QE) bằng cách mua thêm 62 tỷ USD các trái phiếu chính phủ nhằm tăng thêm cung tiền vào nền kinh tế, ngoài các chính khách kích thích tài khóa đã được áp dụng. Úc châu đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thay vì nâng cao như giới quan sát chờ đợi nhằm kiểm soát lạm phát. Các nước thuộc khối Euro cũng giữ nguyên lãi suất.

Riêng tại Mỹ, mọi con mắt quan sát viên đổ dồn vào theo dõi chính sách của FED, áp dụng gói QE 2 vào tháng 11 bằng cách mua thêm 600 tỷ đô-la trái phiếu Mỹ, tức là tiền tệ hóa thêm món nợ ngân sách và sẵn sàng để đồng đô-la (USD) giảm giá thêm để hạn chế thâm hụt thương mại và giảm mức thất nghiệp vẫn ở mức cao lúc ấy là 9,6%.

Lập tức các cảnh cáo về một cuộc chiến tiền tệ hay tỷ giá được IMF và World Bank nêu ra như có thể đe dọa thương mại quốc tế và làm chậm thêm phục hồi kinh tế toàn cầu thay vì tăng tốc như mong muốn của từng nước riêng biệt. Các quan sát viên quốc tế có thể nhớ lại hiện tượng cũ trong cơn đại suy thoái kinh tế những năm 1930, lúc mỗi nước chỉ theo chính sách vị kỷ thi nhau phá giá đồng tiền của mình theo quan điểm của phái "trọng thương" cũ để giữ mức xuất khẩu cao và nhập khẩu thấp, nhằm giảm thất nghiệp riêng trong nước mình.

Cơn sốt vàng trở lại năm 2011

Tác động nhanh chóng của chính sách tiền tệ nói trên là tăng giá trị của vàng bạc như thứ tài sản để trú ẩn trước kỳ vọng ngày càng gia tăng là lạm phát sẽ bùng lên trong vài năm tới, và các tiền yen, Euro, Úc châu đều tăng vọt so với USD. Người viết đã nêu lên triển vọng này từ nhiều bài trước trên các mạng truyền thông, dự báo là vàng sẽ leo lên những đỉnh cao mới dù vẫn theo hình zic-zac trong ngắn hạn.

Nới lỏng tiền tệ làm hạ lãi suất quốc tế cũng là liều thuốc kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ từ tháng 9 năm ngoái cho đến nay đầu tháng 5-2011 lúc chỉ số Dow Jones lại đang cố mon men trở lại mức 13.000 (so với đỉnh trên 14.000 trước đây). Do quyết định mua vào của nhà đầu tư sau khi chỉ số DJ từ tháng 8 đã xuống quá thấp, thêm vào là các dấu hiệu phục hồi khả quan hơn của thị trường nhà cửa và các chỉ số sản xuất (ISM) của Mỹ.

Trong buổi họp báo chính thức lần đầu tiên trong lịch sử của FED ngày 27-4 vừa qua để trình bày về chính sách tiền tệ Mỹ và ảnh hưởng lên nền kinh tế, Chủ tịch FED thông báo là QE 2 sẽ được tiếp tục giữ cho đến cuối tháng 6 vì nền kinh tế Mỹ vẫn chưa mạnh hẳn. Thật vậy, GDP Mỹ chỉ tăng 1,8% trong quý I năm nay (thay vì 2,0% như dự đoán trước đây), chậm hẳn so với 3,0% trong quý IV/2010. Chính sách tiền tệ "mềm" gần như không thể thay đổi ngay khi lãi suất ngắn hạn (Fed Fund rate) vẫn được giữ ở mức rất thấp hiện nay (0,5%).

Lập tức, các thông báo này lại đẩy giá vàng lên cao từ mức 1.500 mới lập ra đầu tháng lên đến kỷ lục quốc tế mới là 1.565 USD vào ngày cuối tháng 4, và trên 38 triệu VND/lượng ở Việt Nam.

Đằng sau chính sách FED, là những yếu tố cũ như được nói đến ở trên cho năm 2004 nhưng lại tăng áp lực mới vào cuối tháng 4-2011: giá dầu Brent vượt mức 120 USD/thùng và có thể thử thách mức cao kỷ lục 147 USD từ nay đến cuối năm; sự tiếp tục suy yếu của đồng USD (sắp chạm mức 1 Euro = 1,50 USD, 1 USD = 82 Yen); hay những biến động chính trị mới ở Trung Đông và Bắc Phi làm tăng cường vai trò trú ẩn an toàn của vàng so với các thứ tiền giấy nói chung.

Giá vàng tương lai?

Câu hỏi đặt ra cho giới quan sát và các nhà đầu tư hay đầu cơ vàng quốc tế là liệu giá vàng có tiến đến mức tâm lý quan trọng sắp tới là 2.000 USD/ounce?

Một số người nghĩ rằng câu hỏi không chỉ là vàng sẽ vượt được ngưỡng đó hay không mà là bao giờ?

Câu trả lời vẫn thuộc vào các diễn biến trên như giá dầu quốc tế, chính sách của FED sau QE 2 và giá trị tương ứng tương lai của đồng USD, tình trạng chính trị thế giới, v.v... Nhưng yếu tố đặc biệt nhất cần theo dõi và chú ý là liệu Trung Quốc sẽ quyết định ra sao về việc thả nổi đồng Nhân dân tệ RMB và chính sách ngoại hối trong việc duy trì khối dự trữ khổng lồ tương đương trên 3.100 tỷ USD, liệu họ có tiếp tục thay trái phiếu USD bằng vàng và đến mức mới là bao nhiêu? Và chính sách này có được các ngân hàng trung ương khác bắt chước áp dụng không?

Trở lại với Việt Nam, diễn biến giá vàng quốc tế cũng đặc biệt quan trọng do việc Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các chính sách hữu hiệu để quản trị thị trường vàng trong tương lai.

Theo TS. Phạm Đỗ Chí
Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.