Tài “phù phép” của Mạc Ngôn

Tài “phù phép” của Mạc Ngôn
TP - Nói theo chữ của các nhà lý luận thì cách “phù phép” của Mạc Ngôn chính là thi pháp, là phép “lạ hóa”, “huyền thoại hóa” hiện thực của ông.

Những năm qua, bạn đọc đã quen thuộc với Mạc Ngôn qua nhiều bộ tiểu thuyết “trường thiên”, nhất là “Báu vật của đời” và “Đàn hương hình”.

Lần này, dịch giả Trần Trung Hỷ (Đại học Huế), qua NXB Văn học và Công ty Sách Phương Nam đã cho ấn hành một lúc 6 tiểu thuyết “trung thiên” của ông - mỗi tập chỉ khoảng 200-300 trang.

Số trang khiêm tốn, bối cảnh hạn hẹp - như “Trâu thiến” thì đúng là chỉ quanh chuyện thiến trâu và “Hoan lạc”, nếu tóm tắt chuyện, chỉ là cuộc đời một thanh niên nông thôn 4 “keo” thi hỏng đại học đã phải uống thuốc sâu tự tử - nhưng với tài “phù phép” của một tiểu thuyết gia thượng thặng, Mạc Ngôn vẫn lôi cuốn được độc giả và khi gấp sách lại, chúng ta không thôi suy ngẫm về lẽ sống ở đời.

Nói theo chữ của các nhà lý luận thì cách “phù phép” của Mạc Ngôn chính là thi pháp, là phép “lạ hóa”, “huyền thoại hóa” hiện thực của ông. (Như trong “Báu vật của đời”, là việc ông tả cảnh… sờ vú ở “Chợ Tuyết”, là chuyện bộ râu Tư Mã Khố cứng như thép làm mẻ hết dao thợ cắt tóc…).

Nói cách khác, ông đã tạo ra một “thế giới nghệ thuật” nhãn hiệu Mạc Ngôn khiến hiện thực ông miêu tả không chỉ có sức hấp dẫn mà gợi mở những ý tưởng sâu xa hơn.

Trong “Trâu thiến”, cảnh hơn ba trăm cán bộ công chức của “công xã” ngộ độc do tranh ăn thịt con trâu thiến bị chết của dân không chỉ là sự mỉa mai tệ nạn các quan ăn tham phần của dân.

Mạc Ngôn viết: “Một chuyện kinh động đất trời, kinh động nhân tâm…đến cả ủy ban cách mạng trung ương… Theo phân tích của các chuyên gia phá án, kẻ gây án có khả năng là những đặc vụ được phái đến từ Quốc Dân Đảng Đài Loan, tất nhiên cũng không ngoại trừ là thuộc giai cấp đối kháng ẩn tàng trong nước…Các thôn tiến hành quản thúc thật chặt bốn thành phần phản động trong thôn mình, ngay cả chuyện đi đái đi ỉa cũng phải có dân quân kèm…”. 

Như thế, đâu chỉ là chuyện “trâu thiến” nữa. Chưa hết, khi chuyên gia thiến trâu dọa người phụ trách chăn nuôi ở thôn rằng “thiến xong con trâu, tôi sẽ thiến nốt ông luôn” thì không ngờ kẻ bị dọa cười to: “Thiến tôi thì đâu cần đến tay bác sĩ thú y như ông…” vì lão đã nhờ bệnh viện thiến để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch! Lại không còn là chuyện trâu thiến nữa, mà dính đến vấn đề tăng dân số đang làm Trung Quốc đau đầu…

“Hoan lạc” còn gợi những vấn đề đáng suy ngẫm hơn. Tên sách dễ gợi người ta nghĩ đến “sex”, nhưng Vĩnh Lạc, chàng “sinh viên hụt”, cho đến lúc uống thuốc sâu tự tử, chỉ duy nhất một lần được sờ vú cô láng giềng lớn tuổi Tiểu Thuý và khi đã sang “cõi khác”, mặc dù “cảm thấy mình thanh thản tự do…không ham muốn, không suy nghĩ…không phải ngửi thấy cái mùi xác chết thối và mùi tanh tưởi của những đồng tiền…Linh hồn hoan lạc của ta…”, nhưng rồi lại kêu lên: “Hoan lạc là gì? Ở đâu có hoan lạc?...Cội nguồn của hoan lạc là từ đâu?...”.

Cuộc đời ngắn ngủi và bi thảm của Vĩnh Lạc với “ba điều ước” giản dị bất thành (một miếng ăn ngon, một chỗ ngồi trong trường đại học và một tình yêu) là những vấn đề muôn thuở của con người. Nhưng không chỉ có thế. “Hoan lạc” cho chúng ta thấy tình cảnh khốn khó của nông dân và sự bất công đã làm con người tha hóa như thế nào - thậm chí phải tìm đến cái chết.

Những nhân vật quanh Vĩnh Lạc, có kẻ chỉ thoáng xuất hiện, cũng để lại dư âm xót xa về số phận con người. Hãy nghe một “cựu phó bí thư” nói với bí thư thôn: “…Tấm thẻ Đảng của lão là đem tính mạng ra mà đổi, còn thẻ Đảng của ông là do mẹ ông cởi dây lưng quần mà đổi lấy!”. Chị dâu của Vĩnh Lạc thì ngay khi biết tin Tiểu Thúy nhảy xuống sông tự tử vẫn quắc mắt chửi mẹ chồng chỉ vì mẹ hái cho Tiểu Thúy quả dưa chuột: “Bà ăn dưa chuột của tôi, bụng bà sẽ mọc đầy nhọt độc!...”.

Người mẹ già nua không làm được gì nữa thì đành xách bị đi ăn xin để có tiền cho con nạp vào “lò luyện thi”.

Rồi một anh bộ đội phục viên kiêm đảng viên cộng sản bị bệnh tâm thần, độc thoại với những “kẻ thù” của anh: “…Các người không đối xử với ông đây như con người… các người đều chê cười ông đây không có vợ. Ông đây đã từng có vợ, nó ngủ với người ta bị ông đây bắt tại trận. Dùng dây thừng trói chặt nó lại, dùng gậy đánh, dùng kềm lửa kẹp thịt nó, dùng bàn là để đốt da nó, nhúng đầu nó vào trong thùng tương ớt…nhưng nó thà chết chứ không chịu khuất phục! Nó mới là một đảng viên cộng sản chân chính!... Mày chuyên dùng quyền thế để chiếm đoạt vợ người khác! Chúng mày chỉ là những con khỉ mặc áo quần mới, đội mũ mới mà thôi!...”.

Còn ông anh cả của Vĩnh Lạc thì cáu giận trước mọi gánh nặng mà nông dân phải gánh chịu (…”cán bộ thôn đi uống rượu cũng có đóng góp của nông dân”…) đã văng tục: “Cho dù ra thành phố đi hốt cứt cũng vinh dự hơn chết dần chết mòn ở cái xó xỉnh này…”Nhất nông nhì sĩ” cái khỉ mốc…Nhất nông cái cục cứt chó!...”.

Trước những cảnh đời như thế, Vĩnh Lạc đã thốt lên: “Sinh ra trong một cái thôn thế này, ngay cả bảo kiếm bằng kim cương cũng phải han gỉ thôi!”…

Trong sách “Mạc Ngôn và những lời tự bạch” (NXB Văn học, 2004), Mạc Ngôn đã thẳng thắn tuyên bố: “…Nhờ thoát khỏi khẩu hiệu “văn học phục vụ chính trị”, tôi mới viết được những tác phẩm văn học tương đối đúng với nghĩa của nó…”.

Tuy vậy, với nhãn quan và tài năng của một nhà văn xuất thân từ một vùng đất nghèo khổ, từng chiến đấu trong hàng ngũ quân giải phóng, tác phẩm của ông lại có tính “chính trị ” rất cao. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung quốc đã phải chú ý đến sự “hài hòa” trong đường lối của mình, chính là vì những vùng nông thôn đã bị bần cùng hóa, chịu quá nhiều bất công như “Hoan lạc” đã miêu tả? Và hình như vấn đề  nông dân và nông thôn đang là “điểm nóng” không chỉ của Trung Quốc…”.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.