Tài phiệt Nga: Vung tiền bất chấp khủng hoảng

Một số nhãn hàng sang trọng đã đạt kết quả kinh doanh tốt chưa từng có ở Nga khi nhiều người dân nước này vẫn mua sắm thoải mái bất chấp khủng hoảng Ảnh: THE FASHION LAW.
Một số nhãn hàng sang trọng đã đạt kết quả kinh doanh tốt chưa từng có ở Nga khi nhiều người dân nước này vẫn mua sắm thoải mái bất chấp khủng hoảng Ảnh: THE FASHION LAW.
Một số nhãn hàng sang trọng toàn cầu đoán chắc xu hướng mua sắm của người Nga vẫn sẽ tiếp diễn mạnh, đồng thời mở thêm các cửa hàng mới trên khắp thủ đô Moscow.

Nhiều người dân Nga đã tự động cắt giảm chi tiêu khi nước này bước sang năm thứ hai suy thoái kinh tế. Thế nhưng, không phải tất cả đều như vậy mà ngược lại, có những người còn vung tay tiêu xài thoải mái.

“Dân chơi” vẫn vung tiền

Điển hình là Yaroslav Gafurov, 25 tuổi. Chàng thanh niên người Moscow cho biết lúc này mới là thời điểm hoàn hảo để gom góp những “đồ chơi” ưa thích của anh ta, tức ô tô sang trọng và đồng hồ đắt tiền.

Năm 2015, Gafurov đã chi một núi tiền rúp tương đương khoảng 1 triệu USD để sắm hàng loạt ô tô mới, gồm 1 “con” Rolls-Royce trị giá 250.000 USD, 1 cặp Bentley (1 chiếc mới ở giai đoạn đặt hàng), 1 Mercedes và 1 BMW. Anh chàng cũng tiết lộ đã chi 70.000 euro cho khoản đồng hồ đeo tay.

“Cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng chút nào đến sự tiêu dùng hằng ngày hay thói quen nghỉ mát của tôi” - trang tin Bloomberg trích dẫn lời của Gafurov. Thanh niên này cho biết văn phòng tư vấn pháp luật doanh nghiệp của anh ta đã phải dẹp bỏ khi nỗi đau của cuộc khủng hoảng kinh tế ăn sâu vào các công ty Nga.

Theo dữ liệu của Công ty Nghiên cứu Romir, kinh tế khó khăn buộc hơn 25% người Nga đang phải cắt giảm chi tiêu cho các nhu yếu phẩm và thực phẩm, so với 17% trong năm 2015. Thế nhưng, nhờ không ít khách hàng “chịu chơi” như Gafurov, một số nhãn hàng sang trọng đã đạt những kết quả kinh doanh tốt chưa từng có ở Nga trong năm 2015, mặc dù doanh số bán lẻ nhìn chung giảm sút 10%.

Theo các cuộc thăm dò trên cả nước, chỉ khoảng một nửa người dân Nga có khả năng mua sắm các món hàng khác ngoài thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Một số nhãn hàng sang trọng toàn cầu đoan chắc xu hướng nêu trên sẽ tiếp diễn, đồng thời mở thêm các cửa hàng mới trên khắp thủ đô nước Nga. Tới cuối năm 2015, thời trang cao cấp Jimmy Choo (Anh) mới mở các quầy hàng tại GUM - cửa hàng bách hóa tổng hợp lộng lẫy ở trung tâm Moscow, trong khi nhãn hàng Hermes đã tăng gấp đôi không gian bán hàng tại đây.

Công ty Thời trang Prada xác nhận doanh số ở Nga trong năm 2015 đã tăng đáng kể, trong khi hãng chế tạo ô tô Rolls-Royce nhận xét đây là thị trường tiêu thụ xe Rolls-Royce mạnh nhất ở châu Âu đại lục.

“Việc giao dịch mua bán vừa bằng đồng rúp vừa bằng ngoại tệ mạnh” - Alexander Pavlov, phó chủ tịch nhà bán lẻ các mặt hàng sang trọng lớn nhất Nga, cho biết. Còn theo Tập đoàn Tư vấn Thời trang Moscow, một số người tiêu dùng giàu có ở Nga đã cắt giảm chi phí cho các chuyến đi châu Âu nhưng mua sắm nhiều hơn trong nước.

Tiêu xài: Lựa chọn số 1

Những người Nga may mắn dư thừa tiền bạc thường không có nhiều sự chọn lựa. “Trong vòng 2 thập kỷ dưới nền kinh tế thị trường, nước Nga đã có 3 cuộc khủng hoảng tài chính. Từ đó, người Nga rút ra được bài học là khi có tiền, điều an toàn nhất phải làm là tiêu xài chúng” - ông Vladimir Kholyaznikov, Giám đốc điều hành Tập đoàn KupiVIP, nhà bán lẻ trên mạng chuyên doanh các mặt hàng thời trang cao cấp, nhấn mạnh. Theo Kholyaznikov, đơn hàng tại công ty của ông đã tăng 55% trong năm 2015.

“Mua sắm là điều người Nga thường làm. Về mặt lịch sử, quá nhiều điều bất ổn ẩn chứa trong đồng tiền cũng như của cải của họ - hôm nay anh có thể có nhưng ngày mai có thể mất hết. Vì thế, họ cố gắng tích lũy sự giàu sang, thường đầu tư vào đồng hồ sang trọng hoặc những món đồ khác có thể lưu giữ được giá trị” - nhà phân tích Zuzanna Pusz tại Ngân hàng Berenberg ở London - Anh nhận định.

Các nhà bán lẻ thời trang ở Nga xác nhận những chiếc túi xách và đôi giày đắt tiền với nhãn hiệu nổi tiếng hiện vẫn là các món hàng bán chạy giữa thời khủng hoảng. Những mặt hàng nhãn hiệu ít tên tuổi không thu hút khách hàng - theo ông Denis Bogatyrev, Giám đốc điều hành Tập đoàn BNS, điều hành 180 cửa hàng thời trang khắp nước Nga và mới mở thêm 4 cửa hàng chất lượng cao Michael Kors ở Moscow trong năm 2015.

“Tôi yêu chuộng các nhãn hàng Gucci, Chopard và Galliano và không muốn chuyển sang nhãn hàng rẻ tiền hơn. Nếu có ít tiền hơn, tôi sẽ giảm bớt số món đồ mình mua” - bà Irina Valiulina, 42 tuổi, người sống bằng lợi tức từ cổ phần bất động sản của mình, bày tỏ.

Còn về mặt hàng ô tô, nhà buôn địa phương Avilon của Bentley thừa nhận hãng mong đợi Nga trở thành một trong những thị trường chính của loại xe thể thao mới được tung ra vào đầu năm 2016 này.

Đồng rúp sụt giá cũng đã tạo ra một số cơ hội mua bán đối với những người mua sắm sáng suốt bởi giá cả hàng hóa không luôn luôn ở mức cao khi tiền tệ giảm giá trị. Trong khi đó, các nhà bán lẻ thời trang khẳng định họ sẽ kìm giá để giữ chân người tiêu dùng.

“Khi người ta mua USD ở tỉ giá cao hoặc mua món hàng sang trọng với tỉ giá hối đoái thấp hơn, họ thường xem đó là một cơ hội mua bán tốt” - ông Vladimir Kholyaznikov, giám đốc nhà bán lẻ thời trang online KupiVIP, nhận xét. Luật sư Yarolav Gafurov cũng tiết lộ anh ta mua dàn xe mới của mình với giá thấp hơn nhiều so với số tiền lẽ ra phải thanh toán ở châu Âu.

Lối sống khó từ bỏ

Theo Tổ chức Tư vấn Thời trang (Moscow), tình trạng suy thoái kinh tế và việc giá trị đồng rúp chỉ còn 1 nửa trong vòng 2 năm qua đã thu hẹp hàng ngũ những người mua sắm hàng hóa chất lượng cao ở Nga. Như thế, chỉ còn lại chủ yếu là những người giàu nhất nước mà đối với họ, các món hàng trông bắt mắt vẫn là ưu tiên hàng đầu.

“Đối với những người mua sắm hàng xa xỉ, thật khó có thể từ bỏ lối sống đó. Ngay cả vào những thời điểm khó khăn, vẫn có nhiều người sẵn sàng chi nửa triệu rúp cho một chuyến đi mua sắm” - bà Maria Vakatova, Tập đoàn Watcom, nhà tư vấn bán lẻ ở Moscow, cho biết.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG