Thực hiện mong muốn của người cha từng là bộ đội đặc công Quân khu 5 chống Mỹ ở chiến trường Quảng Ngãi, Phạm Tuân trở thành học viên chuyên ngành Sĩ quan Chỉ huy - Tham mưu, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Duyên nợ của anh với biên cương tình cờ đến từ một chương trình truyền hình kể về câu chuyện gần dân, giúp dân của một cán bộ biên phòng ở Cao Bằng. Từ đó, dấu chân người lính trẻ Phạm Tuân đã in dấu khắp các bản làng, trường học, đồn, trạm biên phòng ở 23 xã biên giới Lai Châu.
Qua những câu chuyện kể say sưa của Phạm Tuân, chúng tôi hình dung nhiều điều về sự nhiệt thành của những người lính trấn giữ biên ải Lai Châu đối với đồng bào mình, mà Phạm Tuân là điển hình nổi bật.
Tuân kể: “Trẻ em vùng cao thiệt thòi nhiều thứ, từ cái ăn, cái mặc cho đến đồ dùng học tập cũng như đời sống tinh thần. Mỗi khi đông về, nhìn các em học sinh ở các bản làng xa xôi lặn lội tới các điểm trường học chữ trong cái lạnh thấu xương, tôi thấy day dứt không yên. Quãng thời gian 3 năm làm Trợ lý Thanh niên, tôi được tham gia nhiều chuyến đi cùng các đoàn công tác tới những địa bàn gian khó nhất. Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình cần làm gì đó để người dân ngày một bớt đi khó khăn”.
Và chàng thượng úy biên phòng trấn ải miền Tây Bắc luôn có ước mong cháy bỏng một lần được tới thăm quần đảo Trường Sa, để cảm nhận sâu sắc hơn về những người lính đảo chắc tay súng giữ chủ quyền. Theo Phạm Tuân, đến với Trường Sa, những cảm nhận trực quan sẽ giúp anh có thêm hiểu biết để truyền tải tình yêu Tổ quốc, giang sơn bờ cõi và hình ảnh người lính tới đồng đội, đồng bào trên biên giới trong hành trình binh nghiệp của người lính quân hàm xanh.
“Đối với những người làm công tác vận động quần chúng như tôi, điều khó nhất là phải làm sao để nhân dân thực sự tin mình, nghe mình thì mọi việc mới thành công”, thượng úy Tuân tâm sự.
Buổi lễ khánh thành nhà ăn bán trú trường Tiểu học Tung Qua Lìn (xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Đây là một trong hai công trình do thượng úy Phạm Tuân trực tiếp đóng góp và kêu gọi ủng hộ
Thượng úy Phạm Tuân phối hợp với Chùa Cao Linh tặng 70 téc nước cho nhân dân bản Mù Sang, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ
Thượng úy Phạm Tuân (thứ 2 từ trái qua) cùng với Đoàn trường đại học Kinh tế Quốc dân thăm mẹ liệt sĩ tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ