Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở nước ta lại được quán triệt một cách sâu sắc, vận dụng một cách linh hoạt. Chính quyền một số địa phương ở TPHCM đã chủ động, tích cực thuyết phục người dân chung tay phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội theo phương pháp hi-tech (sử dụng công nghệ cao). Đó là lắp đặt camera an ninh dọc các tuyến đường, khu nhà trọ… Ban đầu, không ít người dân lo ngại việc lắp đặt “mắt thần” sẽ xâm phạm quyền riêng tư của họ. Hơn nữa, kinh phí đầu tư không hề thấp. Sau khi hiểu rõ lợi ích của “mắt thần”, nhiều người vẫn lo lắng vì ngay cả những nước tiên tiến trên thế giới cũng từng gặp khó khăn trong việc thiết kế, lắp đặt, huy động tài chính…
Cuối cùng, các lực lượng, cán bộ công an đã vận động được người dân địa phương tự nguyện đóng góp kinh phí để giăng thiên la địa võng hi-tech bắt tội phạm, cảnh báo, răn đe những đối tượng có ý định trộm cắp, cờ bạc, mua bán dâm, gây tai nạn giao thông rồi bỏ mặc nạn nhân sống chết trên đường… Điều này cho thấy, nếu người dân và chính quyền chung tay góp sức, nếu người dân đồng lòng, nhất trí cao, không có việc gì là không thể. Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Những khó khăn trong vận hành, khai thác hệ thống “mắt thần” sẽ từ từ được khắc phục. Sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh phiền toái cho người dân lương thiện mới là điều quan trọng. Mô hình chính quyền, người dân chung tay phát triển “thiên lý nhãn”, “thiên lý nhĩ” có lẽ sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Mới đây, TPHCM có kế hoạch lắp đặt nhiều camera an ninh dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ để đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực này.
Trên thế giới, đây không phải là mô hình mới. Từ lâu, các nước phát triển đã sử dụng “mắt thần” trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Ngay sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở cuộc thi marathon tại thành phố Boston (Mỹ), lực lượng chức năng đã tìm ra thủ phạm nhờ hệ thống camera công cộng. Nhưng giống như ở Việt Nam, thời gian đầu, người dân Mỹ cũng e ngại “mắt thần” ảnh hưởng quyền riêng tư.