Tái khởi động đường sắt cao tốc là đúng luật

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đường sắt cao tốc chỉ dành cho người giàu
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đường sắt cao tốc chỉ dành cho người giàu
TPO – Đường sắt cao tốc chỉ dành cho người giàu, trong khi đường sắt khổ 1m435 phục vụ tất cả mọi người, giúp phát triển các vùng tại sao không ưu tiên hơn? – Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hồ Nghĩa Dũng chiều nay, 23 – 11.

>> Không thể không có đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
>> Giấc mơ Shinkansen ở Đài Loan

Luật không cấm việc tiếp tục nghiên cứu đường sắt cao tốc

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đoàn Lạng Sơn, chất vấn, căn cứ pháp lý nào để Bộ Giao thông Vận tải lại tái khởi động dự án đường sắt cao tốc, trong khi ở kỳ họp trước, Quốc hội đã không thông qua siêu dự án này?

"Tuy Quốc hội chưa thông qua dự án này, nhưng Quốc hội không “cấm” việc tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu là đúng luật, để làm rõ thêm những vấn đề tiền khả thi của dự án – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải thích.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Dân Việt

Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc trong phần phát biểu của mình, tỏ ra không thỏa mãn với ý kiến trên. Lý do, theo nhà sử học này, đường sắt cao tốc chỉ dành cho những người giàu, còn đường sắt khổ 1m435 lại phục vụ đông đảo nhân dân và phát triển các vùng, nên cần phải có trước.

Chúng tôi không phản đối đường sắt cao tốc nhưng chúng ta phải có lộ trình phù hợp với điều kiện đất nước – đại biểu Dương Trung Quốc góp ý.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư có vô can trong quản lý Vinashin?

Sáng nay, đại biểu Đồng Hữu Mạo, đoàn Thừa Thiên Huế, đã hỏi các bộ Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính về trách nhiệm trong quản lý Tập đoàn Vinashin.

Trả lời trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay, Bộ này cũng tiến hành giám sát và có kiến nghị; tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2003, việc đầu tư của các Tập đoàn được phân quyền nên theo ông Phúc, vấn đề Vinashin là trách nhiệm chung của cả Quốc hội (vì biểu quyết thông qua luật), Chính phủ, chứ không phải của riêng ai cả. Theo luật, Bộ Kế hoạch - Đầu tư không can thiệp được.

"Chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch phát triển và giám sát mục tiêu kế hoạch. Tôi thấy Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ" - ông Phúc nói.

"Vinashin là bài học cho chúng ta về quản lý nhà nước, trong đó có việc xây dựng luật" – Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận xét.

Không đồng tình với người đứng đầu ngành Kế hoạch – Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, đoàn Quảng Nam, lên tiếng, cách trả lời của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc như vậy là chưa thấu đáo.

 “Bộ Kế hoạch – Đầu tư không thể vô can trong quản lý Vinashin. Mô hình Tập đoàn Nhà nước được làm thí điểm theo chủ trương của Chính phủ. Chủ trương này do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chấp bút soạn thảo trình Chính phủ. Luật Doanh nghiệp cũng do Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ, Quốc hội ban hành. Bởi thế, khi phát hiện ra những bất hợp lý, trong trường hợp Vinashin, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải báo cáo các cơ quan chức năng để điều chỉnh kịp thời, chứ không chỉ đổ lỗi cho việc xây dựng luật" – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lập luận.

Dự kiến sáng mai, 24 - 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời Quốc hội về việc quản lý của Chính phủ với các vấn đề kinh tế, xã hội...

Vinashin mỗi ngày phải trả nợ 30 tỉ

Về vấn đề nợ của Vinashin, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phân tích, nếu Chính phủ khoanh nợ Tập đoàn này thì chính là Nhà nước và nhân dân sẽ phải trả nợ; với lãi suất vay hiện nay, cứ mở mắt ra là phải trả tiền lãi 30 tỉ đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG