Tái hiện trận vây bắt Lê Văn Luyện

Bắt giữ Lê Văn Luyện. Ảnh: Xuân Bách
Bắt giữ Lê Văn Luyện. Ảnh: Xuân Bách
TPO - Sau gần hai tuần kể từ khi Lê Văn Luyện bị cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Na Hình (Văn Lãng, Lạng Sơn) bắt giữ, phương án vây bắt đối tượng được thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, đồn trưởng tiết lộ với phóng viên báo Tiền Phong

 > Nhiều nghi vấn đặt ra trước ngày Lê Văn Luyện gây án

Bắt giữ Lê Văn Luyện. Ảnh: Xuân Bách
Bắt giữ Lê Văn Luyện.

Theo thượng tá Nhạ, sau khi nhận được thông tin Luyện có thể lên biên giới Lạng Sơn, Ban chỉ huy đồn hội ý khẩn cấp, ngay chiều 29-8, tổ chức lực lượng cơ động gồm 6 trinh sát viên do Phó đồn trưởng nghiệp vụ trực tiếp chỉ huy, phối hợp với lực lượng truy nã của C45 Bộ công an, công an huyện Văn Lãng triển khai chốt chặn các ngả đường, rà soát toàn bộ địa điểm nghi đối tượng có thể lẩn trốn.

Trước đó, các lực lượng công an, biên phòng đến gia đình bà Lê Thị Định (SN 1982), chồng là Lê Văn Nghi (SN 1980), trú tại thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, Văn Lãng, là cô chú ruột của hung thủ Luyện. Tuy nhiên, tên Luyện đã không có mặt tại đây.

Sáng 28-8, nhận được nguồn tin của quần chúng nhân dân, có một thanh niên lạ mặt, có đặc điểm giống người trong ảnh truy nã xuất hiện tại khu chợ đường biên Na Hình, người này lởn vởn ở quán bi-a, đi tìm cơm ăn. Lập tức, 20 sĩ quan, chiến sĩ đồn Na Hình tổ chức chia làm bốn tổ chốt chặn tất cả các ngả đường, rà soát toàn bộ khu vực thôn Na Hình, đặc biệt là khu vực chợ và nhà ở của bà Định, cô ruột Luyện. Ban chỉ huy đồn biên phòng thông báo khẩn cấp cho công an huyện Văn Lãng cử lực lượng đến phối hợp, chốt chặn nút giao thông từ địa bàn biên phòng ra thị trấn Na Sầm, nơi có quốc lộ 4B.

Trước sự truy bắt gắt gao của các ngành chức năng, Lê Văn Luyện nhờ ông Lê Văn Nghi và Hoàng Văn Trai (SN 1978, là hàng xóm của Nghi), dẫn qua biên giới, với lý do đi tìm việc làm ở Trung Quốc. Tối 30-8, lực lượng công an đã triệu tập vợ chồng Lê Văn Nghi và Lê Thị Định ra công an huyện Văn Lãng. Tại đây, Nghi nhận lỗi lầm, xin “đoái công chuộc tội”, lĩnh trách nhiệm đi dụ tên Luyện trong vòng ba ngày. Ông Nghi đã cam đoan, sẽ dụ cháu ruột về một cách an toàn.

Sáng sớm 31-8, ông Nghi đến trạm kiểm soát biên phòng Na Hình xin đi chợ Bằng Tường (Trung Quốc) mua phân về bón ruộng. Khi đó, Nghi có thông tin “mật”, sẽ đón Luyện về nước, ngay lập tức đồn biên phòng Na Hình triệu tập cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, lên kế hoạch tác chiến vây bắt.

Ban chỉ huy đồn biên phòng Na Hình nhận định: Dân vùng biên của ta sang Trung Quốc làm thuê, đi chợ, chủ yếu theo đường mòn, đường tắt khu vực mốc 1042, 1050, 1057, khả năng tên Luyện sẽ theo đường này. Trực tiếp đồn trưởng chỉ huy mũi tấn công trọng yếu. Trường hợp, ông Nghi về một mình, nắm bắt được nơi Luyện trú ẩn, trực tiếp đồn trưởng sẽ cùng phiên dịch sang đồn công an Ái Kéo (Trung Quốc), thông báo, đề nghị họ phối hợp truy bắt.

 
Tái hiện trận vây bắt Lê Văn Luyện ảnh 2

Chỉ trong vòng nửa tiếng hội ý, các mũi chiến đấu lên đường. Trong hai tổ phục kích được trang bị vũ khí chốt chặn tại đường mòn 1042, 1050, với sự chỉ huy của thiếu tá Ngọc Thanh Xuân, Phó đồn trưởng Nghiệp vụ, có nhiệm vụ đón lõng, phục bắt đối tượng. Tổ cảnh giới bố trí ở đồi cao thuộc địa bàn Khe Tẩu Đông, có nhiệm vụ quan sát, phát hiện từ xa, thấy đối tượng xuất hiện, báo cho chỉ huy đồn triển khai lực lượng cơ động ra bắt. Đơn vị huy động tối đa lực lượng trinh sát có mang theo chó nghiệp vụ, do thiếu úy Triệu Minh Phong, nhân viên đội cảnh khuyển đảm nhiệm điều khiển.

Vào lúc 16 giờ 30 phút, tại đường mòn Pò Khuyên, canh cột mốc 1057 (thuộc xã Thụy Hùng), Lê Văn Luyện lọt vào ở phục kích của lực lượng biên phòng. Lệnh truy bắt phát ra, hai trinh sát bí mật tiếp cận, hỗ trợ đại úy Nguyễn Đức Cường bắt gọn Luyện. Ngay lập tức tên Luyện, bị dẫn giải tới đồn biên phòng. Sau khi tiến hành các thủ tục ban đầu, đồn biên phòng Na Hình bàn giao đối tượng và tang vật cho Ban chuyên án điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Thượng tá Nhạ đánh giá: Việc bắt được đối tượng Luyện một cách nhanh gọn, an toàn là kết quả của công tác nắm tình hình, dự báo, phương án tác chiến nhạy bén, sát đúng. Bên cạnh đó là sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, của công an Lạng Sơn, quần chúng nhân dân. Đây thực sự là một trận đánh “đẹp, hoàn hảo”, được dư luận quần chúng đánh giá cao. Chiến công này đã góp phần xây dựng biên cương vững mạnh, cuộc sống người dân trở nên bình yên, đồng bào các dân tộc trên địa bàn an tâm sinh sống, sản xuất.

> Chùm ảnh: Tái hiện trận vây bắt Lê Văn Luyện

> Toàn cảnh vụ án giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Bích, Bắc Giang

Theo Viết
MỚI - NÓNG