Tái hiện sức sống hiện vật bằng lời nói

0:00 / 0:00
0:00
Hai nữ thuyết minh viên Nguyễn Thị Quỳnh Hương (trái) và Nguyễn Thị Vân Anh (phải) tại một máy bay chiến đấu trưng bày trong bảo tàng
Hai nữ thuyết minh viên Nguyễn Thị Quỳnh Hương (trái) và Nguyễn Thị Vân Anh (phải) tại một máy bay chiến đấu trưng bày trong bảo tàng
Bảo tàng Quân khu 4, nơi đây lưu giữ những hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử vô giá. Hằng năm, bảo tàng đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan và những thuyết minh viên đã “thổi hồn vào hiện vật”, tái hiện lại cuộc kháng chiến anh dũng của cha ông; truyền cảm hứng, giáo dục lòng tự hào đến với thế hệ trẻ.

Thổi hồn vào hiện vật

Thiếu tá, thuyết minh viên Nguyễn Thị Quỳnh Hương không chỉ giúp người xem “mục sở thị” từng hiện vật mà còn khiến du khách nghẹn ngào, xúc động bởi mỗi hiện vật chị giới thiệu là một câu chuyện về sự hy sinh, tinh thần chiến đấu anh dũng. “Những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng không chỉ đơn thuần là chiếc áo choàng, mũ cối, đôi dép... mà đó là di sản vô giá về những chứng tích, nhân vật lịch sử. Vì thế những người làm công tác thuyết minh ở đây phải xuất phát từ trái tim, tình cảm tri ân, lòng tự hào dân tộc”, Thiếu tá Hương cho hay.

Gia đình có truyền thống công tác trong ngành quân đội nên từ nhỏ chị đã mơ ước trở thành quân nhân. “Những lời kể của cha về các cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra trên vùng đất Quân khu 4, về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ của các thế hệ đi trước, tôi cảm thấy khâm phục, từ đó bắt đầu nghiên cứu về lịch sử. Cơ duyên thật may mắn, tôi được nhập ngũ vào quân đội và học trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, chuyên ngành Bảo tàng. Tốt nghiệp năm 2000 rồi về công tác tại Bảo tàng với nhiệm vụ làm Thuyết minh. Tôi bắt đầu chuỗi ngày “thổi hồn vào hiện vật””, chị Hương chia sẻ.

Nằm giữa phố thị sôi động, náo nhiệt nhưng khi vào Bảo tàng Quân khu 4, du khách sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm, linh thiêng của nơi này. Với hàng nghìn hiện vật được trưng bày, Bảo tàng Quân khu 4 trở thành biểu tượng của niềm tự hào, giá trị lịch sử vô giá ở mảnh đất đầy nắng gió miền Trung. Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi làm thuyết minh viên, chị Hương kể: “Có lần tôi đón, giới thiệu cho một đoàn khách là các chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ tại đảo Cồn Cỏ. Kỷ vật mà tôi thuyết minh là tấm ảnh chân dung Bác Hồ tặng đảo, một kỷ vật thiêng liêng đối với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã và đang công tác trên hòn đảo này. Sau khi nghe thuyết trình, các chiến sỹ trẻ đã cảm nhận được tình yêu của Bác, sự kỳ vọng, mong đợi cũng như những lời dặn dò của Bác. Có chiến sỹ ngậm ngùi, có người xúc động rơi lệ”.

Tái hiện sức sống hiện vật bằng lời nói ảnh 1

Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Thị Quỳnh Hương giới thiệu hiện vật trưng bày

Tâm sự về công việc hàng ngày của một thuyết minh, Thiếu tá Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, trong hoạt động của bảo tàng, có nhiều khâu công tác nhưng công tác tuyên truyền, giới thiệu cho khách tham quan là khâu giữ vai trò quan trọng quyết định. Hướng dẫn viên được xem là người đại diện, bộ mặt của bảo tàng. Vì thế tất cả những ấn tượng tốt hay xấu của du khách phần lớn phụ thuộc vào sự đón tiếp và giới thiệu của hướng dẫn viên. Công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yêu cầu về hình thức đến trình độ hiểu biết, tác phong chuyên nghiệp.

Những người trẻ truyền cảm hứng

Công tác tại Bảo tàng Quân khu 4 được 5 năm, Thượng úy Nguyễn Thị Vân Anh (Thuyết minh viên) được xem là người em út trong “gia đình lớn” này. “Hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Từ bé, tôi luôn ấp ủ ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục, đối với tôi đó là sự thiêng liêng và niềm tự hào. Thật ra quan niệm của tôi trước nay luôn “nghề chọn người”, vì vậy tôi nghĩ rằng việc được trở thành một quân nhân, một người “thổi hồn vào hiện vật” đều là “duyên””, Thượng úy Vân Anh cho biết.

Cũng theo chia sẻ của nữ quân nhân trẻ tuổi, lần đầu khi đứng thuyết minh trước khách tham quan, mặc dù đã chuẩn bị rất kĩ càng nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng, căng thẳng. “Tối hôm trước nhận nhiệm vụ, tôi đã đứng trước gương tập nói, tập diễn đạt, trình bày, suốt đêm không ngủ vì hồi hộp. Sáng ra, được sự động viên của gia đình, các anh chị trong cơ quan, tôi cũng tự tin hơn rất nhiều. Hơi có ấp úng nhưng khách tham quan rất thông cảm cho một thuyết minh trẻ mới vào nghề như tôi”, Vân Anh kể.

Thượng tá Trần Ngọc Quang - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Nhà trưng bày chính của Bảo tàng giới thiệu trên 1.000 hiện vật; nhà trưng bày Di vật liệt sỹ giới thiệu hơn 2.000 di vật, nó có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần khớp nối, làm rõ thông tin các phần mộ liệt sỹ do các Đội quy tập của Quân khu 4 tìm kiếm, cất bốc từ các địa bàn trong nước và nước bạn Lào.

Là người trẻ tuổi nhất trong cơ quan, Vân Anh được lãnh đạo Bảo tàng Quân khu 4 thường xuyên giao nhiệm vụ truyền cảm hứng cho những người trẻ khi đến tham quan. Vân Anh nói: “Đã có nhiều lần tôi thuyết minh cho học sinh, sinh viên, những đoàn khách trẻ vô cùng thú vị. Bởi các em rất ham tìm hiểu và thích thú khám phá với nội dung trưng bày tại Bảo tàng. Qua các hiện vật, hình ảnh, tôi muốn gửi gắm đến các bạn sự tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta; đằng sau mỗi hiện vật là cả sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì non sông đất nước”...

MỚI - NÓNG