Tái cơ cấu

Tái cơ cấu
TP - Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là chuyện đại sự đối với bất cứ quốc gia nào. Ở trong nước, nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực được đưa ra.

> Ngân hàng nước ngoài cũng phải tái cơ cấu
> Đề nghị đóng cửa ngân hàng quá yếu
> Tái cơ cấu cơ học sẽ làm triệt tiêu nhau

Không ít hội thảo hoành tráng được tổ chức bàn ra bàn vào, nâng nên đặt xuống việc sắp xếp chỗ này, tái cơ cấu chỗ kia với những kế hoạch, dự định đầy ấp ủ nhằm vực dậy những “quả đấm thép” của nền kinh tế. Thậm chí, nhiều mô hình tập đoàn thí điểm đã được áp dụng nhưng sau đó lại phải hạ cấp quay về với bản chất thực của doanh nghiệp.

Việc hình thành và phải “giải tán” sau gần 2 năm 2 tập đoàn đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng là Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (còn gọi là Tập đoàn Sông Đà) và Tập đoàn HUD được coi là hai mô hình thí điểm tái cơ cấu thất bại đầu tiên của ngành xây dựng. Sự thất bại nhìn thấy rõ vì nguyên nhân rất cơ bản, lực lượng đông, lĩnh vực đặc thù nhưng không tạo được sự gắn kết để thể hiện sức mạnh vượt trội sau khi được nâng cấp lên tập đoàn. Sợi dây liên kết giữa các tổng công ty trong nội bộ tập đoàn không được hình thành, mà trái lại sự khác biệt trong quan điểm, cách điều hành cũng như sự vận hành của cả bộ máy không bắt nhịp được với nhau khi mọi thứ thực chất chỉ được ghép với nhau bằng những mệnh lệnh hành chính.

Trước đó không lâu việc tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Vinalines cũng được tiến hành bằng cách “san tải” một số đơn vị thua lỗ từ Vinashin sang Vinalines với lý do hết sức dễ thông cảm: Cùng hoạt động trong một lĩnh vực tương đương nhau. Với Vinashin, dù được nhẹ gánh một phần thua lỗ nhưng vẫn không thoát khỏi khó khăn. Còn với Vinalines gánh nặng chồng chất hơn khi những đơn vị được sáp nhập về làm ăn không hiệu quả. Việc kinh doanh ngày càng khó khăn, nền kinh tế gặp những vấn đề gây tắc nghẽn vì những vấn đề không mới khiến con tàu Vinalines cũng bị ảnh hưởng và “chìm” theo sau đó. Bài học cũng cho thấy sự ghép vội vàng các đơn vị không hề mang lại hiệu quả mà thay vào đó là sự trả giá khi các đơn vị cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đó là chưa kể đến những dấu hiệu nội bộ tự nuốt nhau.

Lời cảnh báo trả giá cho sự vội vàng của các chuyên gia thành sự thật khi nhiều đơn vị nhanh chóng lập và cũng nhanh chóng được thông qua các đề án tái cơ cấu tự xây dựng. Nhìn vào những đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty đều dễ dàng nhận thấy những gạch đầu dòng na ná nhau như: tập trung ngành nghề chính, thoái vốn ngoài ngành, tái cơ cấu quản trị, hoạt động...Hiếm thấy một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nào thuê một đơn vị tư vấn quốc tế để chỉ ra những lỗ hổng, những vấn đề nghiêm trọng trong kinh doanh và cả những viễn cảnh mà các tập đoàn, tổng công ty đang gặp phải.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu tái cơ cấu chỉ thực hiện bằng việc xếp chỗ này, lắp chỗ kia thì chẳng khác gì câu chuyện bình mới rượu cũ, tái cơ cấu chỉ hiệu quả khi cả chiếc áo và cả vỏ bình lẫn rượu được thay mới hoàn toàn. Vấn đề quan trọng nữa là để tái cơ cấu được, các doanh nghiệp phải tìm được nguồn tiền để thực hiện việc cải cách mạnh mẽ những yếu kém đang tồn tại. Khi đó tái cơ cấu mới mang lại hiệu quả đích thực. Còn nếu không mọi việc vẫn sẽ y nguyên và việc tái cơ cấu sẽ chỉ là khát vọng và bàn thảo trên giấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG