Tái cơ cấu Ngân hàng và những nỗi lo

Tái cơ cấu Ngân hàng và những nỗi lo
TP - Mùa Đại hội cổ đông ngân hàng năm nay mới bắt đầu nhưng ở một số ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu và sáp nhập, phần nghị sự trở thành tâm điểm “nóng” khi Hội đồng quản trị phải trực diện trả lời các vấn đề liên quan đến nợ xấu, lỗ lãi, chia cổ tức. Hầu hết cổ đông đều quan tâm đến “được, mất” của mình.

> Ngân hàng sắp hạ lãi suất?
> Những vụ sụp đổ bán hàng đa cấp rúng động thị trường

Nợ xấu cho ra và xử lý

Cuối tuần qua, tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã CK: SHB), phần nghị sự nóng hơn trước thông tin về món nợ khó đòi tại Vinashin được đại diện SHB công bố khi cổ đông yêu cầu giải trình thêm về nợ xấu. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, tính đến ngày 31/12/2012, dư nợ của Vinashin tại SHB còn 4.004 tỷ đồng, chiếm hơn 44% tổng nợ quá hạn của ngân hàng này.

Trước thắc mắc của cổ đông, đại diện SHB cho hay nợ xấu này chủ yếu được chuyển sang từ Habubank trong quá trình sáp nhập. “Toàn bộ khoản nợ sẽ được chuyển qua Công ty mua bán nợ và tài sản của Bộ Tài chính (DATC) để phát hành trái phiếu có chuyển đổi của Bộ Tài chính”, đại diện SHB khẳng định tại đại hội.

Ngay trước thềm đại hội cổ đông, dự kiến tổ chức vào 28/4 tới, Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC, Mã CK: PVF) công bố báo cáo tài chính năm 2012.

 “Chúng tôi đã sử dụng bách nghệ trong đòi nợ và phải có các loại võ, sử dụng tất cả các biện pháp đông tây y kết hợp để đòi nợ”. 

Một điểm được PVFC chủ động thông tin là tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ tín dụng PVFC cấp cho một số công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là 1.057 tỷ đồng (gồm cả dư nợ của Vinashinlines đã được bàn giao sang Vinalines từ 2010) và một số công ty thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là 1.669 tỷ đồng.

Về hướng xử lý, PVFC cho biết căn cứ các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản Nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinalines, tổ chức tín dụng này được giữ nguyên trạng thái nợ và chưa trích dự phòng bổ sung.

“Tổng công ty đang làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi với các khoản cho vay này” - một đại diện PVFC khẳng định.

Tiền hậu hôn nhân: sẽ ra sao?

Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) diễn ra cách đây 3 tuần tại thành phố Cần Thơ, thủ phủ của ngân hàng này. Dù 8 giờ 30 phút đại hội mới bắt đầu nhưng có cảm giác hầu hết cổ đông đến dự đều sốt ruột và có mặt sớm hơn quy định.

Sự đặc biệt của phiên đại hội này, ngoài diễn ra sau 1 năm bị gián đoạn, điểm nhấn chính là việc HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông về việc Western Bank tiến tới có thể “kết hôn” với một tổ chức mới, đó là Công ty tài chính Dầu khí (PVFC).

Trên gương mặt những người có mặt của cả cũ và mới ngân hàng, có đôi chút lo lắng. Có cổ đông hỏi thẳng số phận NHTMCP Phương Tây sẽ thế nào nếu tiến tới hôn nhân? Mọi băn khoăn chỉ thực sự được giải toả khi HĐQT “trình làng” một phương án rành mạch nếu hợp nhất với PVFC.

Thêm vào đó, khi vị đại diện PVFC lên có đôi lời với cổ đông nhấn mạnh việc “hậu” hôn nhân chắc chắn sẽ là một kết cục đẹp bởi cả hai sẽ tận dụng thế mạnh của nhau, đặc biệt bảo đảm quyền lợi của cổ đông và người lao động. Kết quả, 100% tham dự đại hội Western Bank đã nhất trí trình NHNN Đề án hợp nhất với PVFC.

Như vậy, Western Bank vừa có tiền để giải quyết các món nợ, làm trong sạch tình hình tài chính của mình. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu hiện tại của PVN tại PVFC là 78% có thể sẽ giảm xuống còn 48% sau hợp nhất.

Điều gì nổi lên tại các ngân hàng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và sáp nhập? Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét: “Nếu nhìn vào những cuộc hôn nhân đã diễn ra, nổi lên nhất chính là nợ xấu.

Việc các ngân hàng ôm một cục nợ lớn nếu xử lý không khéo sẽ “kéo lùi” sự phát triển của chính bản thân ngân hàng đó. Đơn cử trường hợp Habubank, ở đây SHB đã “ôm” một cơ thể có bề dày và tầm vóc lớn hơn chính mình, điều đó sẽ rất khó khăn cho SBH trong quá trình xử lý nợ.

Hay như với 3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên, chắc chắn những khoản nợ xấu của các ngân hàng này khi nhập lại sẽ chỉ làm món nợ xấu cũ được khoác một chiếc áo mới phình hơn mà thôi.

Chia sẻ với Tiền Phong, lãnh đạo một đơn vị đang “chờ” tiến tới một cuộc hôn nhân đã e dè bộc bạch: “Sáp nhập hai cơ thể khác nhau về cả tầm vóc, kết cấu cũng như tư duy trong điều hành quản trị doanh nghiệp thực sự là một bài toán khiến chúng tôi đau đầu. Chỉ e các bộ phận không chịu “ráp” lại cho vừa mà cứ khập khà khập khiễng. Tôi nghĩ nếu có vừa và chạy ngon, chí ít cũng phải mất vài năm”.

Từ cuối năm 2011 và trong năm 2012 thị trường đã chứng kiến một số sự kiện sáp nhập, mua lại trong ngành ngân hàng. Nổ phát súng đầu tiên là NHTM Sài Gòn với sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng TMMCP: Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa, kế đến là cuộc hôn phối giữa SHB và Habubank. Nay các ngân hàng đang trong quá trình tự tái cơ cấu bao gồm: NaviBank, TrustBank, TienphongBank, Western Bank và GP Bank.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG