Tái cơ cấu ngân hàng: Niềm tin được phục hồi

TP - “Tái cơ cấu ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp “táo bạo” trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thông qua việc hợp nhất, sáp nhập và gần đây nhất là giải pháp mua với giá 0 đồng”, nhận định chung của nhiều chuyên gia.
PG-Bank sáp nhập vào VietinBank và nhanh chóng hòa cùng mạng lưới. Ảnh: Như Ý.

Thực hiện đúng bước đi, lộ trình

Sau gần 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, thị trường bất động sản trầm lắng, không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…), với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình.

 Nhờ đó, dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng được phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia bền vững. Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh TCTD mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện kinh tế, pháp lý, đến nay về cơ bản Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ, theo đúng mục tiêu, nguyên tắc định hướng và lộ trình đề ra. 

TS. Lê Xuân Nghĩa  cho biết, thanh khoản hệ thống được cải thiện, niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng tăng lên. Xử lý nợ xấu đạt được nhiều tiến triển. Xử lý sở hữu chéo đã có tiến bộ ban đầu. Áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đồng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 trụ cột gồm: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì tái cơ cấu các TCTD là lĩnh vực đi đúng tiến độ và thực hiện đúng lộ trình, đã đạt được những thành tựu được xã hội ghi nhận hơn so với tái cơ cấu của đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Giải pháp “táo bạo” 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, có thể thấy là hệ thống ngân hàng có nhiều ngân hàng yếu kém. Đến nay sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành Ngân hàng đã có chuyển biến rất tích cực. 

Những kết quả của việc tái cơ cấu đã tạo được niềm tin đối với thị trường, với người gửi tiền và nhà đầu tư, đó là thành công lớn nhất. Đặc biệt, qua việc mua lại một số NHTM  với giá 0 đồng đã chứng tỏ cho nhà đầu tư, người dân rằng, NHNN luôn quyết liệt trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, quá trình cơ cấu lại các TCTD chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không trực tiếp sử dụng tiền của Ngân sách Nhà nước. Số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm dần (17 tổ chức) thông qua sáp nhập, hợp nhất, rút giấy phép, đặc biệt là các NHTMCP yếu kém. 

NHNN đã rất quyết liệt trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém nhưng quán triệt nguyên tắc không gây ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. GS.TS. Nguyễn Văn Nam, thành viên hội đồng lý luận T.Ư cho biết. “Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự vào cuộc một cách chủ động và tích cực của các NHTMNN lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV trong quá trình tham gia cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và một số ngân hàng sau khi được tái cơ cấu đến nay đã từng bước hoạt động bình thường, ổn định”, ông Nam nhấn mạnh.

Những nỗ lực của NHNN trong việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã được các tổ chức tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao. Tháng 3/2015, Moody’s có báo cáo đánh giá việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực. Mới đây, Bloomberg  nhận định về tình hình kinh tế của Việt Nam, cho rằng niềm tin của nhà đầu tư đang phục hồi trở lại sau khi các ngân hàng yếu kém nhất được sáp nhập vào các ngân hàng lớn.