Tại Bộ, tại trường, thí sinh chịu thiệt

Tại Bộ, tại trường, thí sinh chịu thiệt
TP - Do thiếu thống nhất giữa chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và định hướng tuyển sinh của Trường đại học Kinh tế quốc dân, 28 thí sinh đăng ký vào ngành Tài chính Tiếng Anh, khoa Ngân hàng - Tài chính có nguy cơ không được học ngành đã đăng ký.

Sau khi đến nhập học, 19/28 thí sinh đã trúng tuyển vào ngành Tài chính Tiếng Anh của Trường đại học Kinh tế quốc dân đã được trường phát phiếu, yêu cầu chuyển chuyên ngành khi đến nhập trường. Điều này đã gây bất ngờ cho số sinh viên này.

Chiều 14/9, phóng viên Tiền phong đã có buổi làm việc với ông Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng và ông Trần Thọ Đạt, Trưởng phòng đào tạo của trường về vấn đề này.

Theo giải thích của ông Phan Công Nghĩa, ngành Tài chính Tiếng Anh thuộc chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, đang được triển khai thí điểm. Sinh viên theo ngành này sẽ được học bằng tiếng Anh. Chỉ tiêu trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo năm nay là 50 sinh viên.

Tuy nhiên, căn cứ trên kết quả tuyển sinh (điểm chuẩn là 24), chỉ có 30 sinh viên trúng tuyển (trong đó có 2 sinh viên được tuyển thẳng) vào ngành mới này. Để tuyển đủ chỉ tiêu, trường đã thông báo các sinh viên có từ 24 điểm trở lên ở các ngành khác có thể đăng ký vào ngành Tài chính Tiếng Anh. Kết quả, thêm 95 sinh viên nữa đã đăng ký, nâng số sinh viên đăng ký lên 125.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà trường đã gộp cả 125 sinh viên đăng ký vào ngành Tài chính Tiếng Anh rồi lấy điểm từ trên xuống, để chọn ra 49 sinh viên. Kết quả, 19 người đã có giấy báo trúng tuyển vào ngành Tài chính Tiếng Anh (đăng ký trước khi thi) đã bị yêu cầu đăng ký sang ngành khác vì có điểm thấp hơn.

Giải thích về việc này, ông Nghĩa cho biết, việc Trường hướng dẫn 19 sinh viên kể trên làm phiếu chuyển chuyên ngành là nhằm tạm chia lớp, giúp các em có thể đi học đúng lịch (trường khai giảng từ 5/9).

Trong tuần tới, trường sẽ tổ chức một bài thi tiếng Anh và yêu cầu 125 thí sinh cùng dự thi. 50 thí sinh có điểm thi tiếng Anh cao nhất sẽ được chọn học chuyên ngành Tài chính Tiếng Anh. Trong trường hợp 28 thí sinh trúng tuyển vào ngành này có điểm thi tiếng Anh thấp, sẽ được chuyển sang học ngành Tài chính bằng tiếng Việt.

“Luật chơi” không thống nhất

Như vậy, với hướng giải quyết trên, 28 sinh viên trúng tuyển vào ngành Tài chính Tiếng Anh có thể bị loại khỏi ngành đã trúng tuyển và nhường chỗ cho những sinh viên từ chuyên ngành khác chuyển sang. Theo ông Trần Thọ Đạt, việc tổ chức thi tiếng Anh là chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Ông Đạt cho biết, dự kiến ban đầu của trường là số sinh viên trúng tuyển vào ngành Tài chính Tiếng Anh sẽ được học tiếng Anh một năm trước khi học chuyên ngành (bằng tiếng Anh). Tuy nhiên, ngày 24/8, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 7648/BGD&ĐT-ĐH&SĐH gửi các trường đang triển khai chương trình tiên tiến, trong đó có Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Công văn yêu cầu: “Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL hoặc IELTS với mức điểm theo yêu cầu của trường không phải dự kiểm tra tiếng Anh. Những thí sinh khác sẽ dự kiểm tra tiếng Anh TOEFL do trường tổ chức, đạt mức điểm theo yêu cầu nêu trên sẽ được đưa vào diện xét tuyển”.

Chính vì sự không thống nhất về “luật chơi” giữa ý định ban đầu của nhà trường và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nên 125 tân sinh viên trên phải dự thêm kỳ thi tiếng Anh “phát sinh”, dự kiến được trường tổ chức vào tuần tới.

Việc kiểm tra ngoại ngữ để chọn những sinh viên có thể theo học chương trình bằng tiếng Anh là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, quy định này lại không được đưa ra ngay từ đầu. Và, chính vì sự không thống nhất về “luật chơi” đã khiến cho những thí sinh trúng tuyển vào ngành Tài chính Tiếng Anh bị thiệt vì có thể không được theo ngành học mình chọn ngay từ đầu.

Sáng 14/9, báo Tiền phong nhận được phản ánh của anh Nguyễn Đức Hồ ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo phản ánh, con anh Hồ đã đỗ vào ngành Tài chính Tiếng Anh, Khoa Ngân hàng – Tài chính của Trường đại học Kinh tế quốc dân với 24 điểm, nhưng khi nhập trường lại bị yêu cầu đăng ký chuyển sang chuyên ngành khác.

Anh Hồ cho biết, khi biết thông tin trên, con anh khóc vì cháu và gia đình đã định hướng cho ngành học từ lâu. “Tại sao con tôi đã có giấy báo nhập học theo đúng chuyên ngành đã đăng ký, nay lại phải chuyển sang chuyên ngành khác?” - anh Hồ bức xúc đặt câu hỏi. 

MỚI - NÓNG