Tại anh, tại ả

Tại anh, tại ả
TP - Những ngày qua, cơn bão dịch lợn tai xanh lan nhanh một cách chóng mặt, tấn công đàn lợn trên 50.000 con ở 12 tỉnh miền Bắc và gần nửa trong số này đã chết và bị tiêu hủy.

>> Ngăn chặn dịch lợn tai xanh, cách nào?

Các hộ nuôi lợn (cả lợn lành và lợn bệnh) đều chung cảnh hốt hoảng, lo âu, còn bà nội trợ cũng băn khoăn, khi bữa ăn hằng ngày dần vắng bóng thịt lợn.

Năm nay, không phải lần đầu dịch lợn tai xanh bùng phát ở Việt Nam, mà nó gần như đến hẹn lại lên, chỉ khác năm nay dịch bùng phát nhanh.

Nhưng nhìn lại, từ việc khống chế, quản lý đến việc xử lý dịch bệnh vẫn lúng túng. Chính sách hỗ trợ người dân khi lợn bị tiêu hủy đã rõ, thế nhưng do sự khấp khểnh giữa mức hỗ trợ ở các địa phương trong vùng dẫn đến hiện tượng tuồn lợn bệnh từ nơi hỗ trợ thấp đến nơi hỗ trợ cao, khiến dịch bệnh càng lan nhanh.

Ví như, khi công bố dịch, Hưng Yên, Hà Nội đưa ra mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn so với giá đang bán trên thị trường trong thời gian dịch, khiến nhiều chủ chăn nuôi “xin chết” cho lợn, dù lợn mới có dấu hiệu bệnh.

Tuy nhiên, ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Thái Bình công bố mức hỗ trợ chỉ 18.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Thú y Bắc Ninh, hiện giá thịt lợn hơi không bệnh bán trên thị trường khoảng 26.000 đồng/kg, nên ứng mức hỗ trợ 70% là 18.000 đồng/kg là hợp lý.

Tại Bắc Giang, dù chưa công bố dịch, nhưng tỉnh này cũng đã có quyết định mức hỗ trợ là 15.000 đồng/kg.

Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch mới đây, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y cho rằng, mức hỗ trợ chênh lệch giữa các địa phương trong vùng, chẳng khác nào mở rào cho lợn bệnh di chuyển.

Ông Năm đề nghị các tỉnh, thành trong vùng cần nghiên cứu, thống nhất phương án hỗ trợ, tránh mức quá chênh lệch, gây khó khăn cho công tác chống dịch.

Ngoài chính sách hỗ trợ bất cập, theo lãnh đạo một Chi cục Thú y, hiện nay ở một số địa phương nơi dịch tai xanh đang hoành hành có tâm lý “hai chờ, một chạy”, là chờ chết, chờ chôn, và bán chạy.

Tức là chính quyền, cơ quan thú y địa phương không tập trung cứu chữa, đưa ra phác đồ, hướng dẫn điều trị kịp thời khi lợn có dấu hiệu bệnh. Thấy lợn ốm, công tác cứu chữa gần như bỏ lửng. Dân hoang mang, dẫn đến tâm lý buông xuôi, hoặc tìm cách mổ thịt bán lợn chạy, cố vớt vát đồng vốn, khiến dịch lan nhanh, khó kiểm soát.

Đáng ngại hơn nữa là khâu kiểm dịch gần như bỏ lửng, nên người tiêu dùng ra chợ không biết lợn nào sạch, lợn nào bệnh. Dẫn đến không ít người chọn cách nhịn ăn thịt lợn, dù không muốn. Hệ lụy kéo theo, cả người đang nuôi lợn sạch cũng lao đao.

Không biết tại ngành nông nghiệp hay ngành y tế, hay tại cả hai?!

MỚI - NÓNG