Tác giả Yến Thanh và hồi ức về bài thơ “Cúc ơi!”

Nhà thơ Yến Thanh, tác giả bài thơ “Cúc ơi” Ảnh: Q.L.
Nhà thơ Yến Thanh, tác giả bài thơ “Cúc ơi” Ảnh: Q.L.
TP - Nửa thế kỷ trôi qua, bài thơ đã tạc vào thời gian khoảnh khắc hy sinh anh dũng của nữ thanh niên xung phong (TNXP), của Tiểu đội TNXP anh hùng một thời trấn giữ Ngã ba Ðồng Lộc.

Ngày đêm bám trụ san lấp hố bom

“Năm 1968 đơn vị của tôi ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc. Tiểu đội 4 thuộc Ðại đội 552 TNXP Hà Tĩnh đóng quân cách chỗ chúng tôi một quả đồi”, nhà thơ Yến Thanh, tên thật là Nguyễn Thanh Bính, nguyên cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP 55, kể. Quê Thạch Hà (Hà Tĩnh), tốt nghiệp trường Trung cấp Thủy bộ Hà Nội năm 1965 rồi trở về quê công tác, ông Bính được Ty Giao thông biệt phái sang làm cán bộ kỹ thuật lực lượng TNXP. Trong 6 năm (1965-1971) cùng đồng đội vào sinh ra tử ở trọng điểm Ngã ba Ðồng Lộc, có mặt nơi “túi bom, chảo lửa” thời khắc nóng bỏng nhất, nay tuổi đã ngoài “thất thập”, ông Nguyễn Thanh Bính vẫn nhớ như in sự kiện ngày 24/7/1968.

“Có một đoàn xe chở nhiên liệu đang ém ở bãi đậu phía Bắc Ngã ba Ðồng Lộc chưa qua được trọng điểm, lệnh của tỉnh là phải sớm san lấp hố bom, thông đường”, ông Bính nhớ lại. Tiểu đội 4 do A trưởng Võ Thị Tần chỉ huy làm ngày làm đêm, vừa đào hầm hào trú ẩn vừa bám trụ mặt đường san lấp hố bom. Ðầu giờ chiều ngày 24/7/1968, máy bay địch tiến đánh Ngã ba Ðồng Lộc, ném xuống hai loạt bom. Ðến 16h cùng ngày, một tốp F4 ập đến, lượn mấy vòng rồi bay ra phía biển. Ngay sau đó có một chiếc phi cơ đột ngột quay lại cắt loạt bom trùm xuống đội hình 10 nữ TNXP. “Sau tiếng bom nổ, các lực lượng trực chiến xung quanh chạy đến cứu viện. Giữa ngổn ngang hố bom chỉ thấy cuốc xẻng, cáng thương nằm lăn lóc. Xung quanh không một tiếng người”, một cựu TNXP nhớ lại. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ đào bới, kiếm tìm, đồng đội phát hiện thấy 9 thi thể nữ TNXP bị vùi lấp trong hầm, riêng Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc chưa tìm thấy. Ðêm đó, 9 nữ TNXP được đồng đội đưa đến an táng tại đồi Bãi Dĩa, cách Ngã ba Ðồng Lộc khoảng 3km. Một lực lượng khác tiếp tục xuyên đêm tìm A phó Hồ Thị Cúc.

 “Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”…

“Sáng ngày 25/7/1968, tôi đến chỗ ban chỉ huy đại đội 552, thấy cỗ quan tài chờ chị Cúc nằm đó thì nước mắt trào ra, đau nhói”, giọng ông Bính ngắt quãng. Hồ Thị Cúc sinh năm 1944, quê Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Nạn đói 1945 khiến Hồ Thị Cúc mồ côi bố và bà nội. Ông nội đón hai mẹ con bà Trinh (mẹ chị Cúc) về nuôi. Một thời gian sau bà Trinh đi bước nữa, Hồ Thị Cúc lớn lên nhờ sự cưu mang của ông nội cho đến khi tham gia TNXP. “Cô gái Sơn Bằng có một tuổi thơ khổ cực và hy sinh anh dũng, khiến tôi rất xúc động. Bài thơ “Cúc ơi” ra đời trong cảnh ngộ như thế. Tôi viết trong khoảng ba giờ đồng hồ, viết xong giấu vào túi áo chưa dám cho ai xem vì sợ những câu, những chữ đầy nước mắt sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu của anh em”, ông Nguyễn Thanh Bính nói.

“Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”... Chi bộ đại đội TNXP 552 không đồng ý việc huy động máy ủi kiếm tìm thi thể Hồ Thị Cúc, mà thống nhất là phải đào tìm bằng tay. Những ngón tay rớm máu của đồng đội không quản ngại nắng mưa, bất chấp đạn bom rình rập quyết tâm tìm cho được nữ TNXP đã ngã xuống. “Ngày 25/7, qua một ngày trông ngóng, vẫn chưa thấy chị Cúc đâu. Sáng 26/7/1968, tôi và Bí thư chi bộ C552 ra hiện trường, ở đó có một bàn thờ dã chiến nghi ngút khói hương. Tôi nhẩm đọc bài thơ, nén tâm nhang thành kính trước linh hồn của người con gái TNXP anh hùng. Ðọc xong, tôi hóa bài thơ cạnh hố bom. Ðến khoảng 10 sáng hôm đó, đồng đội đã tìm thấy Hồ Thị Cúc”, ông Bình xúc động kể lại.

Tối 26/7, diễn ra lễ truy điệu 10 nữ TNXP Tiểu đội 4. Những câu chữ thổn thức của bài thơ ra đời ngay trên trận địa Ngã ba Ðồng Lộc được ông Bính cất kỹ trong lòng. Ngày 29/9/1968, chuyên mục thơ trên sóng của Ðài tiếng nói Việt Nam phát hai bài “Cúc ơi”, “Ngã ba tên em” của tác giả Yến Thanh (Nguyễn Thanh Bính), nghệ sỹ Văn Thành đọc trên nền nhạc bài “Cúc ơi”. Về bút danh Yến Thanh, ông Bính thổ lộ: “Ðó là tên ghép giữa tên lót của tôi và tên của một người bạn nhiều năm chiến đấu ở Ngã ba Ðồng Lộc”.

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang

Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?

Chín bạn đã quây quần đủ hết

Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần biết

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

(Trích đoạn bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh)

MỚI - NÓNG