Đôi chân được coi đó là trái tim thứ 2 của con người, vì thế Đông y rất coi trọng việc tập luyện và chăm sóc đôi chân, đồng thời còn mát xa chân bằng nước nóng để phòng ngừa bệnh tật. Ngâm chân không chỉ thúc đẩy lưu thông máu trong cơ thể, điều chỉnh hệ thống nội tiết, mà còn tăng cường miễn dịch. Đây là phương pháp thư giãn vừa thoải mái vừa tốt cho sức khỏe.
Có rất nhiều phương pháp ngâm chân, các cách ngâm chân không giống nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Dưới đây là những phương pháp ngâm chân giúp giữ ấm và phòng bệnh trong mùa đông.
Ngâm chân bằng nước nóng giúp giảm đau đầu
Ngâm chân trong nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40℃, sau 15 đến 20 phút cơn đau đầu sẽ giảm đi đáng kể. Ngâm chân bằng nước nóng giúp bàn chân và mạch máu được giãn nở bởi nhiệt, máu sẽ lưu thông từ đầu xuống dưới bàn chân, nên có tác dụng giảm áp lực mạch máu ở đầu.
Do dưới gan bàn chân có liên kết với các bộ phận của cơ thể, kể cả đầu nên mát xa gan bàn chân có thể kích thích kinh lạc, giảm đau đầu. Đặc biệt là huyệt Thông tuyền dưới gan bàn chân, thẳng tới não, mát xa huyệt này có thể dẫn máu xuống, giảm đau đầu.
Xông hơi chân bằng thảo dược giúp phòng và trị bệnh
Theo Đông y, cảm lạnh chủ yếu là do thời tiết bên ngoài, chức năng phổi bị rối loạn gây ra. Loại nước thuốc dùng để ngâm chân được bào chế từ nhiều loại thảo mộc như ngải cứu, lá lốt, thiên niên kiện, quế khấu...
Khi trải qua quá trình đun nấu, các hoạt chất có trong dược liệu sẽ hòa tan trong nước hoặc tỏa ra hơi, tác động trực tiếp lên da và niêm mạc, hoặc ngấm vào trong niêm mạc phát huy tác dụng tốt cho cơ thể như cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường khả năng miễn dịch, tiêu viêm, kháng khuẩn, rút ngắn thời gian điều trị bệnh, giảm biến chứng và phòng ngừa bệnh cảm lạnh tái phát.
Ngâm chân bằng giấm loại bỏ mùi hôi chân
Những người bị hôi chân, hãy cho thêm chút giấm vào nước ngâm chân. Cách này không chỉ có thể loại bỏ mà còn ngăn chặn mùi hôi chân hiệu quả.
Ngoài ra, ngâm châm với dấm còn có tác dụng giảm mệt mỏi, giúp bạn ngủ nngon. Chỉ cần dùng 40g dấm gạo (dấm trắng) pha với nước ấm rồi ngâm chân trong vòng 15- 20 phút có tác dụng làm tăng sự tuần hoàn máu trong cơ thể, giảm thiểu mệt mỏi, giúp giấc ngủ tốt hơn, rất hữu hiệu trong việc chữa mất ngủ.
Ngâm chân giúp giảm mệt mỏi, ngủ ngon
Cách này rất hiệu quả. Nếu có một loạt triệu chứng khó chịu như ngủ không ngon, tinh thần uể oải, chán ăn, tâm lý bất an, có thể ngâm chân trong nước nóng khoảng 30 phút, sau đó chà xát lòng bàn chân 10 – 20 phút cho đến khi cảm thấy nóng, sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái, toàn thân được thư giãn.
Ngoài ra, cho thêm vài viên đá cuội trong chậu nước nóng có thể nâng cao hiệu quả ngâm chân, thúc đẩy đả thông kinh mạch, mang lại hiệu quả ổn định tinh thần, tốt cho tim thận và cải thiện giấc ngủ.
Những lưu ý khi ngâm chân
- Nhiệt độ nước ngâm chân là 38 – 43 độ, nhưng tốt nhất đừng vượt quá 45 độ.
- Thời gian ngâm không quá lâu, khoảng 15 – 30 phút là đủ. Khi ngâm mạch máu sẽ dẫn xuống chân, não bộ dễ cung cấp thiếu máu.
- Ngâm chân cho đến khi cơ thể phát nóng, đổ mồ hôi nhẹ là được.
- Thời gian ngâm chân tốt nhất là 5 – 7h tối, bởi vì đây là lúc thận hoạt động mạnh nhất.
- Sau khi ăn một tiếng không nên ngâm chân. Sau khi ăn cơ thể chuyển phần lớn máu về đường tiêu hóa, nếu ngâm chân bằng nước nóng ngay sau khi ăn, số máu vận chuyển đến được tiêu hóa sẽ chuyển xuống chân, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ và gây thiếu dinh dưỡng.
- Khi xông hơi bằng thảo dược tốt nhất nên dùng bồn gỗ. Bởi vì thành phần hóa học của các loại bồn kim loại không ổn định, dễ xảy ra phản ứng với axit tannic trong thảo dược, sinh ra các chất có hại như …, khiến hiệu quả trị liệu của thảo dược bị suy giảm.
- Ngâm chân quan trọng phải kiên trì.
Theo Trí thức trẻ