Cứu sống ca bệnh đặc biệt
Bệnh nhân N.V.T (34 tuổi, Hà Nội) là một nam huấn luyện viên dạy khiêu vũ trẻ bị tắc động mạch phổi tự nhiên được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh này thường gặp ở bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật, hoặc ít vận động nhưng anh T. lại là người ưa hoạt động và gần đây cũng không có bệnh tật nào liên quan đến phẫu thuật. Được biết, trước khi nhập viện 2 ngày bệnh nhân bị đau khoeo chân trái, nghĩ do công việc dẫn đến đau cơ, nên không đi khám. Nhưng sau đó chỉ trong 1 ngày bệnh nhân bị ngất 2 lần, rồi khó thở, đau ngực nên người nhà đưa vào bệnh viện khám.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, oxy máu giảm, phải thở máy thông qua ống nội khí quản, dùng thuốc để nâng huyết áp. Đặc biệt đã có lúc bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn phải ép tim ngoài lồng ngực liên tục tim mới hoạt động trở lại. Tình hình bệnh nhân bị sốc nặng như thế này không cho phép di chuyển bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi ở khoa Chẩn đoán hình ảnh cách 50m, nơi thiếu các phương tiện hồi sức. Vì thế ngoài việc bệnh nhân được chụp X.quang, điện tim tại giường, bệnh nhân còn được làm siêu âm tim ngay tại giường để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Siêu âm tim tại giường cho thấy buồng tim phải của anh T. bị dãn, có cục máu đông nhảy nhót trong buồng tim phải. Các bác sĩ trực của khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực đã quyết định dùng ngay thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông giúp giảm tắc nghẽn động mạch phổi, mà không đợi hình ảnh xác định của huyết khối trong động mạch phổi của phim cắt lớp vi tính. TS Hoàng Bùi Hải, trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực cho biết, đây là quyết định mà các bác sĩ của khoa chưa từng làm bao giờ, khi cho thuốc tiêu sợi huyết mà chưa chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi.
Sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết và thuốc heparin tiếp tục được truyền theo đường tĩnh mạch, tình trạng bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng, siêu âm tim lần 2 ngay sau khi tiêu sợi huyết đã không còn thấy cục huyết khối trong buồng tim phải. Khi bệnh nhân ổn định hơn, phim cắt lớp vi tính động mạch phổi đã được thực hiện, cho thấy có hình ảnh huyết khối tia nhánh nhỏ của động mạch phổi 2 bên, một bằng chứng khẳng định bệnh nhân bị tắc động mạch phổi; siêu âm tĩnh mạch sâu chân trái cho thấy có huyết khối, chứng tỏ huyết khối trong động mạch phổi và ở trong tâm thất phải của bệnh nhân có nguồn gốc từ tĩnh mạch sâu chân trái. Chỉ sau 1 ngày bệnh nhân được thôi dùng thuốc nâng huyết áp, 2 ngày sau được rút ống nội khí quản, bệnh nhân tự thở hoàn toàn, bệnh nhân được chuyển sang dùng thuốc chống đông đường uống và ra viện sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện.
Phát hiện chậm, nguy cơ tử vong cao
TS Hoàng Bùi Hải cho biết, tắc động mạch phổi là một cấp cứu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, tắc động mạch phổi có tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Hầu hết các trường hợp tử vong đều do tắc động mạch phổi tái phát sau vài giờ đầu tiên. Ngược lại nếu được chẩn đoán và điều trị phù hợp tỷ lệ tử vong giảm còn 2-8%. Với bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, tỷ lệ tử vong 100%; khi có dấu hiệu sốc, tỷ lệ tử vong cũng rất cao có thể lên đến 60% và đòi hỏi phải được chẩn đoán nhanh chóng, điều trị kịp thời theo phác đồ.
Thuốc tiêu sợi huyết là loại thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông, giúp động mạch phổi được thông thoáng, giúp giảm gánh nặng cho tim từ đó nâng được huyết áp bệnh nhân trở lại mức ổn định. Hiện trên thế giới đã sử dụng loại thuốc này khá phổ biến. Ở Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những cơ sở sử dụng thuốc tiêu sợi huyết sớm và thường xuyên, có nhiều trường hợp được cứu sống nhờ sử dụng thuốc này mà chưa gặp trường hợp nào bị biến chứng chảy máu đáng kể. Đây là biện pháp lựa chọn đầu tiên để tái tưới máu phổi cho bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có sốc, có suy thất phải. Chỉ khi thuốc này có chống chỉ định thì các phương pháp khác như lấy huyết khối qua ống thông hoặc phẫu thuật mở ngực mới được xem xét do tính phức tạp của các kỹ thuật này đòi hỏi về trang bị và con người, đặc biệt các trường hợp sốc nặng càng không thể chuyển bệnh nhân đi khỏi khu vực hồi sức.
TS Hoàng Bùi Hải cho biết: Siêu âm tim tại giường ở khoa Cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân bị sốc nghi ngờ do tắc động mạch phổi cấp là rất cần thiết. Nhiều trường hợp bệnh nhân quá nặng không thể di chuyển đi chụp, thậm chí nhiều cơ sở không có máy chụp cắp lớp thường trực thì siêu âm tim tại giường là một biện pháp cuối cùng giúp tiếp cận sớm với bệnh lý nguyên nhân suy tim phải cấp, đặc biệt là tắc động mạch phổi cấp để có thể xử trí kịp thời cứu bệnh nhân.