Tạ Quang Bạo: Cuộc dạo chơi hội họa

0:00 / 0:00
0:00
Điêu khắc gia, họa sỹ Tạ Quang Bạo
Điêu khắc gia, họa sỹ Tạ Quang Bạo
TP - Tạ Quang Bạo “ẵm” tất cả những giải thưởng danh giá cho sự nghiệp điêu khắc của mình: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước… Bỗng nhiên, gần đây ông quay lại với hội họa, không phải để chinh phục giải thưởng, mà chỉ để giải tỏa tâm trạng.

Ông vẽ say mê, ở những khoảng ngưng nặn tượng, trong áp lực của tuổi già, bệnh tật… Ước mơ cuối đời của nhà điêu khắc nổi tiếng là có một triển lãm cá nhân, khoe tất cả tranh sơn mài ông đã sáng tác.

Vàng son một thuở

Nhà điêu khắc từng cầm cọ từ những năm 70 của thế kỷ 20. Tranh của ông hồi ấy cũng ăn khách, chủ yếu bán cho khách nước ngoài. Tạ Quang Bạo là một trong những họa sỹ Việt Nam đầu tiên có tranh bán tại Singapore. Nhưng hội họa chỉ là một cuộc dạo chơi, Tạ Quang Bạo bị điêu khắc cuốn đi… Sau gần nửa thế kỷ, khi tuổi tác và sức khỏe đã ngả màu hoang phế, ông trở lại với hội họa một cách tự nhiên, không định trước.

Tạ Quang Bạo: Cuộc dạo chơi hội họa ảnh 1

"Say" của Tạ Quang Bạo

Chọn sơn mài làm chất liệu chủ đạo, đã vậy ông chỉ thích vẽ tranh lớn, không ưa những bức nhỏ xinh. Nhà điêu khắc tự mình làm khó mình trong buổi hoàng hôn của cuộc đời như thế! Là người con sông Mã, tượng hay tranh Tạ Quang Bạo đều gợi nét khỏe khoắn, phóng khoáng? “Tôi thích bột màu và sơn mài. Bởi cảm giác hai chất liệu này gần gũi, thân thuộc. Những năm 70 tôi vẽ bột màu. Bây giờ chọn sơn mài. Sơn mài bền vững với thời gian”, ông chia sẻ. Tạ Quang Bạo không chơi sơn Nhật mà dùng sơn ta. Vàng, son một thuở sống dậy trong những bức tranh đa dạng đề tài. Hiện tại, ông đi lại rất khó khăn,một chân bị teo nên không thể đi xa, chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà, nhưng không vì thế nguồn cảm hứng trong sáng tạo bị hạn chế. “Đề tài quanh ta”, ông nói.

Mắt tôi hút vào bức tranh lớn treo trên tường, họa một người đàn bà nude cầm một cái chai, ông đặt tên tranh là “Say”. Vì sao Tại Quang Bạo không vẽ đàn ông say, lại vẽ đàn bà say? Có ý “chọc” chị em chăng? Ông cười: “Thời đại mới, nam nữ bình đẳng”. Ông chỉ cho tôi một bức sơn mài có tên “Mặt trời xuống núi” thấp thoáng hình ảnh người đàn bà vùng cao. Một bức khác ông đặt tên: “Đêm 30”, trông khá trừu tượng. “Đêm 30 cảm giác lắm… ma”, nhà điêu khắc giải thích.

Tạ Quang Bạo: Cuộc dạo chơi hội họa ảnh 2

Một tác phẩm của Tạ Quang Bạo

Tạ Quang Bạo vẫn làm điêu khắc nhưng túc tắc, thư thả. Ông vừa nặn tượng, vừa vẽ tranh, cho nên thời gian để ra đời một tác phẩm không thể đong đếm. Như bức “Say” ông thai nghén và sinh nở trong gần 2 năm. Trong lúc làm “Say”, ông tranh thủ làm thêm vài bức khác. Chỉ có một họa sỹ trẻ thường xuyên hỗ trợ Tạ Quang Bạo ở những phần việc cần sức vóc. Gần hai năm miệt mài, Tạ Quang Bạo đã có 7,8 bức sơn mài. Ở tuổi này, ông không có nhu cầu tham gia thị trường điêu khắc hay hội họa: “Tôi vẽ để chơi”. Như những nghệ sỹ cao tuổi khác, Tạ Quang Bạo không muốn bán tượng, bán tranh vì tiếc, vì thương những “đứa con” của mình. Bởi ông biết bản thân đã qua thời sung sức nên bán đi là hết, giữ lại thì còn. Tạ Quang Bạo vẽ tranh không để chứng tỏ đa tài, cũng không mang ra so bì, cạnh tranh với tác phẩm của những họa sỹ khác. “Tôi không có tham vọng gì về tranh. Tranh hay tượng đều giúp tôi giải quyết được tâm trạng của mình ở chiều cuối. Làm điêu khắc đã mệt rồi. Vẽ tranh mang lại sự sảng khoái, nhẹ nhàng”, ông tâm sự.

Thuở tóc xanh, Tạ Quang Bạo nổi tiếng trong làng văn nghệ với những cuộc tình náo động, từng khiến ông bị kiểm điểm lên xuống. Nhưng bây giờ, ông thú nhận: “Chẳng đủ sức để yêu đàn bà nữa”.

Chẳng đủ sức yêu nữa

Thuở tóc xanh, Tạ Quang Bạo nổi tiếng trong làng văn nghệ với những cuộc tình náo động, từng khiến ông bị kiểm điểm lên xuống. Nhưng bây giờ, ông thú nhận: “Chẳng đủ sức để yêu đàn bà nữa”. Và cũng không đàn bà nào đủ năng lượng để thắp sáng tuổi già của Tạ Quang Bạo: “Chẳng ai giải quyết được tâm trạng của tôi. Người tình của tôi cuối cùng chỉ là nghệ thuật. Chỉ có nghệ thuật làm tôi vui”.

Ông đang sống cùng con cháu, trong một ngôi nhà rộng rãi mà phần lớn diện tích được dành để ông khoe tranh, khoe tượng. Hồi đầu năm, điêu khắc gia nổi tiếng nhập viện, ông phải đặt stent mạch vành. Ra viện, ông bắt tay ngay vào công việc, vừa vẽ tranh, vừa nặn tượng. Nhiều người hỏi, vì sao ông không chịu nghỉ ngơi? Với Tạ Quang Bạo nghỉ ngơi khác nào … chết. “Ngừng hoạt động chẳng còn ý nghĩa gì. Chỉ có làm việc cuộc sống mới ý nghĩa”, ông nói.

Nhiều năm trước, tôi đến thăm Tạ Quang Bạo khi ông vừa trải qua đợt tai biến, đang giai đoạn hồi phục, chân đi tập tễnh. Hôm ấy, họa sỹ Hoàng Đình Tài (1945-2016) qua nhà rủ đi xem một triển lãm tranh đang gây tranh luận trong giới, ông lập tức gọi taxi lên đường. Tạ Quang Bạo là thế! Tuổi tác, sức khỏe không ngăn được đam mê nghề. Ông không ngừng học hỏi, bồi đắp kiến thức. Bên cạnh sáng tạo nghệ thuật, ông còn ham đọc sách, từ sách mỹ thuật đến văn chương. Nhà điêu khắc không ngạo mạn nhưng tự tin ở mình. Tạ Quang Bạo gọi điện mời tôi đến xem tranh của ông, khi tôi ngắm tranh ông liên tục hỏi: “Tranh có được không?”. Nhưng chưa cần tôi khen thì họa sỹ đã tự trả lời: “Có thẩm mỹ thì làm gì chẳng được!”.

Tranh của Tạ Quang Bạo không chịu ảnh hưởng của ai, cũng không theo phong cách nào cụ thể. “Tôi vẽ theo kiểu của tôi. Thích gì vẽ nấy”, ông nói. Mong ước cuối cùng của nhà điêu khắc là kịp làm một triển lãm tranh sơn mài trước khi “đưa tay vẫy ngoài vô tận”. Tuy vậy, ông không chạy đua với thời gian trong cuộc chơi hội họa, khi nào đủ tranh thì sẽ mở triển lãm. Thế thôi!

Tạ Quang Bạo là tác giả của nhiều tượng đài tại nhiều tỉnh, thành của đất nước: “Chiến thắng Quế Sơn”; “Chiến thắng sông Lô”; “Tưởng niệm Noọng Nhai” (tượng đài và phù điêu), “Ngời sáng quê hương”; tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”… Không chỉ ghi dấu ấn với tượng đài, tượng salon của Tạ Quang Bạo cũng được nhiều nhà sưu tập yêu thích. Tranh và tượng của ông không thể thiếu bóng dáng người phụ nữ Việt Nam. “Trên đời này không có gì đẹp bằng phụ nữ Việt Nam. Trong chiến tranh, họ phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Khi làm mẹ, họ ôm ấp, vỗ về và chắp cánh cho những đứa con bay xa”, ông nói.

MỚI - NÓNG