T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH: Chú trọng dạy nghề và khởi nghiệp

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH.
Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH.
TP - Chiều 27/3, tại Hà Nội, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung ký kết chương trình phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2017-2020.

Theo báo cáo tại buổi lễ, trong khoảng thời gian 2012-2016, hai bên đã chủ động, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi cho các cấp bộ Đoàn tham gia có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đối với thanh thiếu niên; phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ và chăm sóc thanh thiếu niên, nhi đồng; phát triển mạnh mẽ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu tăng nguồn vốn vay từ Quỹ Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề (vốn 120) cấp cho T.Ư Đoàn lên hơn 72 tỷ đồng, với hơn 1.000 dự án giải quyết việc làm cho khoảng 3.300 lao động là thanh niên. Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp bộ Đoàn đã đăng ký hơn 1,3 triệu ngày tình nguyện chăm sóc các nghĩa trang, công trình Tổ quốc ghi công; thăm hỏi, tặng quà gần 120 nghìn mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; hỗ trợ giúp đỡ hơn 75 nghìn con em thương binh liệt sĩ; sửa chữa, xây mới gần 3.800 ngôi nhà với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, những kết quả đạt được là sự phấn đấu, nỗ lực, gắn kết chặt chẽ giữa các ban, đơn vị của cả hai bên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, đẩy mạnh phong trào thanh niên cả nước trong suốt thời gian qua; giải quyết vấn đề việc làm, đào tạo nghề, kéo giảm tệ nạn xã hội, chăm sóc trẻ em. Ông Đào Ngọc Dung mong muốn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường kết nối, phân luồng cho các đối tượng là học sinh trong độ tuổi THCS, để đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, đúng với Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2015 mà Bộ Chính trị đã ban hành.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng LĐ-TB&XH và nhấn mạnh: Chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 giữa hai bên là tiền đề tốt để triển khai phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” dành cho học sinh hệ trung cấp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, phối hợp triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020. 

Nhiều chương trình, hoạt động cụ thể

Theo chương trình phối hợp, T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thanh thiếu niên và xã hội về chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Đặc biệt, triển khai các chương trình, hoạt động cụ thể, gồm: Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên. Chẳng hạn, phối hợp thực hiện chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021; phối hợp triển khai các nội dung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; phối hợp nghiên cứu mở rộng đối tượng và định mức vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua kênh uỷ thác của Đoàn TNCS HCM; phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt là trong các đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số và thanh niên khuyết tật;…

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục phối hợp triển khai chính sách đền ơn đáp nghĩa; nâng cao hiệu quả các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường thực hiện quyền trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống các tệ nạn trong thanh thiếu niên. Nâng cao nhận thức, hành động của thanh thiếu niên và xã hội trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn, Hội trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, hai bên phối hợp nghiên cứu đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách xã hội về thanh thiếu niên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thanh thiếu niên phát triển toàn diện.

MỚI - NÓNG