T

TP - Hình dung đầu tiên của tôi về cuộc đời mình bắt đầu từ một căn bếp. Rộng rãi, thoáng mát, với hai, ba, hoặc thậm chí nhiều hơn cửa sổ trắng. Không hiểu sao tôi luôn nghĩ rằng những ô cửa sổ nhất định phải màu trắng chứ không phải bất kỳ một màu sắc nào khác.

> Gọi từ quên lãng

Minh họa: H’Bao.

Tôi sẽ trồng một ít hành, tỏi hoặc thêm nha đam nữa cũng tốt. Vừa có thể ngắm chúng lại có thể đem dùng. Tôi tự tay gắp cho Huân những món ăn tôi nấu, đặt những chậu hoa nhỏ xinh bên cạnh lọ muối lọ tiêu.

Mẹ vẫn thường nói với tôi trong cơn say, bằng cách nói nhấn nhá rành mạch, nhưng đắng nghét hơi rượu. Bà bảo rằng con gái sướng khổ gì thì cứ lấy chồng đi khắc biết.

Mẹ sướng hay khổ? Có phải bởi tôi luôn ước ao những điều bà chưa bao giờ có được. Bắt đầu từ căn bếp của mẹ tôi.

*

Thường khi tôi trở về phòng là T. đã ngồi ở đó, bao giờ cũng thế, vận trên người chiếc váy màu trắng có những sợi xước chạy dọc theo viền đăng ten ống áo.

Chúng tôi chỉ gặp nhau vào buổi đêm, khi tôi đã bã bời sau một ngày quần quật nói cười. Tôi không nằm trong số người đam mê công việc hiện tại của mình. Tôi đặt tên cho những việc tôi vẫn làm là Buồn ngủ, Khó thở, Đánh mất. Chúng cũng chẳng phản đối tôi. Nhưng Huân thì có.

Đó là nơi tốt nhất dành cho em, cho gia đình của chúng ta sau này.

Tôi bằng lòng nhốt những điều xa vời, những thứ hão huyền mơ mộng (như lời Huân nói) vào bức tường màu vữa non ngào ngạt không khí nhân tạo phả ra từ chiếc máy điều hòa và tiếng ro ro của sự thỏa hiệp.

Tôi kể với T. rằng hôm nay lúc dậm phấn trong nhà vệ sinh, đã bóc được một mẩu rất to da môi. Đau điếng. Những hôm trước cũng vậy, và lần này thì đốm máu bắt đầu loang đến. Cơ thể tôi cứ khô queo như một mầm cây lâu ngày quên tưới nước.

T. ngồi trên ghế gỗ, loại ghế có tay vịn khá rộng và dáng khum khum cong vếch đặt ở góc phòng, tay cầm cuốn tiểu thuyết nhưng không đọc.

Tôi đã hứa sẽ cùng T. đọc nó, từ rất lâu rồi, thế mà hôm say khướt, hôm thì mệt mỏi, hôm chán, hôm buồn. T. chẳng giận, nhưng T. vẫn cầm mãi cuốn sách ấy, làm tôi thấy áy náy.

T. luôn là người hiểu tôi nhất, nhưng càng ngày tôi càng đẩy T ra xa. Xa hơn cả ngày chúng tôi bắt đầu tách rời.

*

Huân gọi điện hỏi em ngủ chưa. Huân không nghĩ được câu nào khác hay sao. Hay Huân không còn gì để nói với tôi nữa. Em đợi tin anh rồi em mới ngủ. Chúc anh ngủ ngon. Hay tôi cũng không còn gì để nói với Huân?

Trước khi tắt đèn, tôi kịp ghi vào nhật ký của mình mấy chữ. Hôm nay tình cờ đọc được một bài thơ của Nguyên trên báo, thấy nhớ Nguyên khủng khiếp, giờ này Nguyên đang ở đâu?

*

Thứ hai đầu tuần nào cũng lắm việc. Ở cái mảnh đất này chưa quá năm, tôi đã từ một đứa con gái lẻo khẻo ốm ách ốm o trở thành tổ lái cự phách. Chẳng cần ai dạy, tôi cũng học được cách lách qua đám đông để giật về chút thời gian cho mình.

Chẳng ai đi đếm số người ở trên đường, người ta quan tâm tới con số thống kê các phương tiện đi lại. Cũng chẳng ai chong chong nhìn vào khuôn mặt nhau, chiếc xe cóng cạnh hay cà tàng khẳng định diện mạo nhanh chóng hơn.

Nơi tôi đang sống, tôi buộc lòng phải ghi nhớ số chứng minh, số hộ chiếu, số thẻ ra vào cơ quan, số đăng ký xe, số tài khoản ngân hàng, số thứ tự xếp hàng khám bệnh, số báo danh trong cuộc thi... Rồi từ một lúc nào đó tôi quen với việc người ta gọi nhau bằng những con số ấy.

Và sẽ là một niềm kinh hoàng nếu không nhớ nổi đúng những tín hiệu đèn báo, những biển cấm, biển chỉ dẫn, và vô số những thứ lủng củng chăng mắc liên tiếp trên những con đường.

Tự nhiên tôi nhớ bức tranh Nguyên cho tôi xem hôm trước. Nguyên vẽ một cỗ máy chứa rất nhiều những số liệu, dữ liệu và dữ kiện.

Nguyên đặt tên bức tranh ấy là Người. Chẳng hiểu sau lúc ấy tôi bất giác đưa tay lên đầu mình, sờ thử xem nó đã biến dạng hay chưa.

Đồng nghiệp quay ra nhìn tôi và đồng loạt cười chào như đã lập trình sẵn. Thậm chí họ chẳng buồn quan tâm tôi có cười chào lại họ hay không.

Công việc cụ thể đã được giao tận mail từng người, tài liệu cũng để sẵn trên bàn, mỗi người một việc, việc ai nấy làm, chẳng có thời giờ cho những thứ bâng quơ.

Tôi rót cho mình một tách cà phê nhưng không uống, các bàn khác cũng thế. Chỉ những đôi mắt là đảo liên hồi trên màn hình máy tính. Tự nhiên tôi muốn mình ho lên được một vài tiếng. Liệu ai đó có hỏi han.

Huân nhắn tin. Anh đi công tác. Xa. Lâu. Tôi tắt điện thoại. Thảo nhanh một cái đơn gửi sếp. Theo mẫu quy định sẵn. Đơn xin nghỉ phép. Thời gian: X(số) ngày. Lý do: chữa bệnh.

*

Ngôi nhà nằm sâu cuối con đường. Lần nào mẹ cũng như biết trước để tất tả chạy ra đón tôi, mặc dù chẳng bao giờ tôi nói trước với bà là tôi sẽ về.

Lấy chồng đi. Bà lại lẩm bẩm liên hồi câu nói ấy trong lúc vạch áo tôi lên để sờ nắn từng mẩu xương chồi lên khỏi bề mặt da. Bàn tay ráp rịt. Khô sần. Mặn mốc.

Đến khi tôi trút bỏ hết những thứ phục trang được đóng khung bởi Buồn ngủ, Khó thở, và Đánh mất, cũng là lúc bà xoa dụi hết đám tế bào chết đang ken dày kin kít trên cơ thể.

Tôi nghe tiếng chúng rơi xuống nền nhà. Nhẹ nhõm. Thanh thản. Như thể chúng cũng chẳng ưa gì tôi cả. Cứ thế tôi thiêm thiếp chìm vào cơn buồn ngủ, cùng mùi mồi củi lâu ngày lại bén lửa trong căn bếp của mẹ tôi.

Căn bếp ấy, lúc tôi còn nhỏ lắm. Tôi vẫn ngồi cạnh mẹ để nhìn những thanh củi đang cháy. Tôi mặc váy màu trắng, tóc đen mượt, xõa xuống những viền đăng ten mẹ may thêm trên ống tay áo.

Hồi ấy, mẹ chưa uống nhiều rượu như bây giờ, tay còn mềm và đôi mắt bà tình tứ mê dại. Những người đàn ông liều mình tìm đến ngôi nhà phía cuối con đường đều bị cuốn chìm trong những đợt sóng mênh mang thỏa ra từ đôi mắt ấy. Lan sang cả đêm. Lẫn trong những tiếng va ma lực, người ta nghe được âm vang của ích kỷ, của khát khao, sự chiếm đoạt, của cả cái đớn hèn.

Rồi khi đêm loãng dần trong ánh trắng ban mai, là lúc những người đàn ông men ngược theo con đường chỉ toàn vết chân kẻ khác. Bước nọ díu bước kia. Rồi ngã xuống khi cố xóa đi vết chân của chính mình. Không một lần ngoái nhìn mái bếp xô ra phía cuối con đường của mẹ.

Cũng có người ở lại với chúng tôi. Đó là những buổi sáng tiếng bổ củi rộn ràng vang lên khi tôi vẫn còn đang dở ngủ.

Khi tỉnh dậy, góc bếp đã chất đầy củi khô. Lửa cháy đượm bập bùng dưới nồi cơm sắp chín. Tôi ngửi thấy mùi của những hạt cơm bén cháy. Mẹ xếp thêm những bó tỏi to tròn xếp trên gác bếp, quét tước khắp chốn bằng chiếc chổi phát ra tiếng kêu quèn quẹt vui vui.

Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu. Cứ mỗi lần bà thảng thốt chạy ra con đường tìm những bước chân, là mỗi lần căn bếp của bà xô thêm một chút.

Ai chịu ở đời ở kiếp với người đàn bà mang tiếng lăng loàn, và một đứa con hoang. Ai làm ấm căn bếp của mẹ. Ai chịu làm chồng mẹ.

Mẹ uống nhiều hơn, những nồi rượu nấu bằng đống củi còn ngổn ngang trong góc bếp. Bà tãi tro quanh nồi, vùi mãi mà không phai đi cái đắng nghét của hơi cay.

T. kể cho tôi nghe về giấc mơ của T. Mẹ chúng tôi ngồi lơ lửng trên một đám mây xanh màu ngọc bích. Vô cùng xinh đẹp, ấm áp và dịu dàng. Bà đưa tay hứng những giọt nước chảy ra từ đuôi mắt, đem giấu xuống lòng đại dương.

Tôi không hiểu sao T. lại có những giấc mơ kỳ quặc như vậy. Nhưng ai có những ảo giác của riêng mình, nhìn thấy được những điều của riêng mình. T. nói đã nhìn thấy thiên sứ của mình. Trong vòng tay thiên sứ đó, mọi thứ tiêu tan.

Tôi chối bỏ thiên sứ. Rời bỏ thiên sứ. Đi tìm căn bếp với những ô cửa sổ màu trắng. Chưa một trang nào trong cuốn tiểu thuyết trên tay T. được lật. Tôi nhớ lời hứa với T. chứ. Tôi nhớ mà.

Lấy chồng đi con.

Ngày/tháng/năm được lấp bằng những dòng nhật ký dài. Có thể mọi thứ chỉ là trò đùa trong tâm tưởng tôi thôi.

*

Chuyến xe khách cuối ngày, người vẫn nêm đến nghẹt. Đường nhiều ngã tư. Bên ngoài tấm kính, dòng người lặng lẽ tắt ngang.

Mà thật lạ, cả đoàn người đi qua nhưng tôi không tài nào tìm được một điểm để phân biệt họ.

Tôi thường đi qua một cửa hàng bán ti vi. Ở đó, họ đem bày rất nhiều tivi giống y chang nhau, người mua thử nọ thử kia, ngắm nghía kỹ càng đến đâu thì cũng uổng công.

Bởi người ta chỉ biết được nó thật sự tốt hay xấu khi đã mang về nhà sử dụng (tất nhiên đồ điện tử thường được bán kèm theo giấy bảo hành).

Quãng đường còn khá dài, giờ tan tầm, chiếc đài radio trên xe lảm nhảm liên hồi tên những con đường X, Y, Z, đoạn tắc xảy ra ở km số 1,2,3.

Anh lái xe bực dọc với tay dò lại tần số, những âm thanh người méo mó, loạn xạ như mất trí.

Và chẳng hiểu sao tôi lại bị ám ảnh bởi một bản tin cuối ngày được đọc bởi chất giọng từ tốn, vô hồn của cô phát thanh viên lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi.

“Theo thống kê mới nhất của chương trình điều tra quốc gia, số trẻ em mắc chứng chậm nói ngày càng gia tăng và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là trẻ ít được trò chuyện.

Phát triển khả năng nói cho trẻ là tổng hợp của khả năng bẩm sinh và nuôi dạy. Gene có thể tham gia vào việc trẻ nói sớm hay muộn. Tuy nhiên, nó phụ thuộc rất nhiều vào việc nuôi dạy.

Trẻ có được kích thích nói hay không? Trẻ có cơ hội trò chuyện hay không? Và một số điểm mà cha mẹ cần lưu ý là dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con.

Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nên nói liên tục nếu có thể…”.

Tôi giật mình ngừng hình dung về những chiếc tivi và bắt đầu tưởng tượng tới một cái máy học nói. Dành cho tôi.

Mà tại sao tôi lại chưa nghĩ rằng mình cũng sẽ có một đứa trẻ. T. thì luôn nghĩ về điều đó. T. nói muốn có một đứa con giống Nguyên, còn sẽ làm thơ như Nguyên nữa. T. thích thơ Nguyên, yêu thơ Nguyên lắm.

Nguyên bảo làm thơ thì khổ. Thơ Nguyên toàn bịa đấy đừng tin. Thơ tán gái. Tán ấy được không. Nguyên lúc nào cũng châm chọc tôi như thế.

Chúng tôi quen nhau qua tiếng hát của Nguyên. Nguyên giỏi lắm thứ thế. Mà cái gì Nguyên cũng bảo để tán gái. Mà Nguyên có yêu ai đâu.

Thỉnh thoảng tôi mang thơ của Nguyên về cho T. đọc. T. ngồi thu hai chân bên cửa sổ, đôi mắt long lanh những sợi xước viền đăng ten xống áo trên chiếc váy màu trắng. T. muốn phiêu du cùng Nguyên tới những chân trời ấy.

Tôi bảo T, Nguyên thì có gì ngoài nhạc với thơ.

Thế mà T. khóc.

Đó lại là cách tôi chọn. Chối bỏ Nguyên. Rời bỏ Nguyên.

Và lên giường đi ngủ cùng một cơn đau đầu khủng khiếp, sau chuyến đi dài. Giấc ngủ sâu, mê mệt.

*

Cơn đau đầu làm tôi dậy rất muộn vào buổi sáng ngày hôm sau. Thế nào cơ quan cũng đã ngập đầu với đống công văn giấy tờ. Có lẽ trong lúc tôi đang bóp kem từ tuýp thuốc đánh răng thì những chồng tài liệu bìa cứng màu xanh đã xếp lên cao ngất, xô lệch cả những tấm biển nhỏ có dòng chữ in hoa.

Văn phòng ngập trong những kế hoạch và dự định. Họng tôi đắng nghét, cảm giác giống như đang bị ốm thật, chứ không phải chữ ‘bệnh’ được điền dối trá trong tờ đơn xin nghỉ.

Trời đất, chẳng lẽ lời nguyền rủa của cô bạn đồng nghiệp trong lúc túi bụi với đống công việc bị đẩy sang vì sự vắng mặt của tôi lại trở thành hiện thực.

Những dấu hiệu trầm trọng diễn ra nhanh chóng trong vài chục giây sau đó. Nhanh hơn cả việc bôi son. Cuống họng tôi hẹp dần. Từng chút một. Tôi cảm nhận được rõ ràng những tiếng lần dần của sự co lại.

Khô. Lạnh. Quyết liệt. Chưa như thế bao giờ. Tôi nuốt thử nước bọt xem có đau không. Có thể là chứng viêm họng. Tôi ốm mất. Nhưng trán không sốt, các cơ không mỏi. Chỉ có cổ họng là kín đặc một cách khó hiểu.

Tôi uống một viên thuốc giảm đau (loại không gây ngủ, có hiệu quả trong điều trị các cơn đau nhẹ như chứng nhức đầu hay đau răng), mặc dù không cảm thấy đau một chút nào cả.

Cả văn phòng đang nhốn nháo, căng thẳng và sợ hãi. Rất nhiều áo blouse trắng đi ra đi vào leng canh dụng cụ.

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ kết thúc từ tháng trước. Tên những đồng nghiệp của tôi là gì nhỉ.

Tôi quen gọi họ là “Cặp mông cong cớn” và “Quần bó sát khiêu khích” ngày ngày chăm chỉ lượn lờ qua lại cửa phòng sếp lớn chờ một tiếng gọi với ới ơi.

“Những con cá mắm nhăn nheo buộc cổ mình trong chiếc thòng lọng xanh đỏ” chảy dài nước miếng. Cặp mông và cá mắm có mục đích như nhau. Song trong cuộc chiến không lời nói đó cá mắm luôn chịu khuất phục. Cá mắm thua ngay khi bị chính những chiếc quần bó sát khiêu khích hút hồn.

Blouse trắng đẩy tôi vào trong căn phòng nồng mùi vải rèm cửa. Há miệng. Thanh nhôm dài sáng bóng xông vào cổ họng. Ngắc ngứ.

Blouse trắng nhìn thẳng vào họng tôi, dò một lần nữa qua màn hình máy soi. Mắt nhăn. Trán nhăn. Loằng ngoằng như sâu đo. Hiển nhiên là chúng ta không thể bao giờ biết được sự xáo trộn phía trong. Tôi cũng không bao giờ biết về Huân. Chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương đeo trên ngón áp út. Rộng hơn ngón tay tôi.

Những bàn bên cạnh tôi, mông cong đang há miệng. Những bàn bên cạnh tôi. Cá mắm cũng đang há miệng.

Blouse trắng nhìn vào những tờ phiếu nội soi với kết quả bình thường, những con sâu đo bò lan rộng hơn nữa. Không tìm được nguyên nhân. Không biểu hiện triệu chứng. Thật là một chứng bệnh quái gở. Lây lan nhanh hơn cả cúm gà. Nhưng hình như đây không phải căn bệnh lây lan, hoặc không hoàn toàn thế. Nó mang mầm từ phía bên trong. Họ tạm gọi đó là đại dịch đánh mất tiếng nói. Từng tiếng sợ hãi co rúm lại bởi những luồng hơi ậm ẹ cố bật ra khỏi miệng.

Tôi đợi những hồi chuông dài từ số máy của Huân để nghe cổ họng mình đặc kịt khi cố hỏi Huân ổn không. Vẻn vẹn chỉ có thế. Bất lực.

Tôi cố nhớ lại giọng nói của Huân. Giọng Nguyên như thế nào nhỉ. Những người đồng nghiệp của tôi. Hàng xóm. Người lái xe taxi. Âm thanh của chúng như thế nào.

Tôi không nhớ được gì hết. Quá lâu ngày chúng tôi không lắng nghe nhau. Chúng tôi không nói. Tôi nghĩ đến sự câm lặng của mẹ. Rõ ràng không biết điều gì đáng sợ hơn. Mẹ tôi. Mẹ. Mọi thứ chạy òa qua, chỉ có những âm thanh quay lại nhìn tôi ma mãnh.

Và rồi.Tất cả tối đen, im lặng. Tôi chỉ kịp nghe thấy những tiếng âm âm, vang vang. Hoảng hốt, toán loạn, sợ sệt.

Tôi vẫn đang nằm mơ thôi, phải không?

*

Ai đó đang dìu tôi về một miền đất rất xa. Ở nơi đó, tôi nhìn thấy chính tôi. Thấy tôi được sinh ra, được cắt rốn, được bú sữa me.

Tôi nằm trong một đống tã vá xíu chằng chịt nhưng khuôn mặt đẹp như một tiên đồng. Mẹ kéo nôi hát ru tôi bằng những câu chuyện cổ. Sự tích ba ông đầu rau. Coi sóc bếp lửa.

Mẹ nặn ba hòn sét đặt chụm đầu vào nhau để nấu bếp, hòn ở giữa có một vết ấn ngón tay lõm tròn. Táo Bà. Trăng tròn đỏ quạnh. Hai người chồng. Vết lõm có khi nào hiểu được mẹ tôi.

Cõi bếp mẹ quạnh hiu buồn tủi. Trong chuyến đi lần này, tôi gặp lại ba ông đầu rau. Chân không mặc quần cưỡi chép vàng bơi trong đại dương giấu nước đuôi mắt mẹ.

Ẩn dưới vảy cá vàng, những người đàn ông núp như loài ký sinh. Bầu trời dĩ nhiên vẫn cao và xanh như cổ tích. Cá chép không bay lên được. Ai đã tạo ra những thứ thật đẹp, để rồi kiệt sức. Chỉ mẹ tôi gầy mòn xơ xác như hoa phi lao.

Tôi nhìn thật kỹ người đang dìu tôi đi những bước mỏi mệt mê man. Chúng tôi đang chạm được vào nhau. Cô ấy vẫn vậy. Gương mặt đẹp như tiên đồng. Váy trắng viền đăng ten ống áo.

Như những ngày ngồi dụi đầu vào chân mẹ mà ngủ ngon lành bên những ngọn lửa bập bùng cháy khét. Cánh mũi phập phồng mùi khét ấy, cả mùi mặn mòi từ bàn tay khô sần đang vuốt ve đám tóc mềm mượt xõa xuống viền áo trắng tinh.

Giấc ngủ ngon lành và giấc mơ thiên sứ. Tôi luôn tin mình giỏi nhớ các ký tự, hàng đống đống thứ lổn nhổn vẫn ghim vào đầu tôi mỗi ngày. Sao ký tự đầu tiên của chính mình, tôi sợ sệt lãng quên.

Ký tự đầu tiên vẫn kiên trì chờ tôi cùng đọc cuốn tiểu thuyết. Bìa sách màu vàng. Màu tôi thích nhất. Được viết bởi chính tôi.

T

T…t…t…ôi…tôi.

*

Huân không tài nào tin được những điều tôi kể. Anh ta bóc tách những sự kiện ấy ra và nhúp chúng vào từng chỗ riêng.

Như cách người ta chia ổ cho máy tính. Ổ A: Ảo giác. Ổ G: Giấc mơ. Ổ H: Hiện thực. Đến khi chính Huân cũng không thể phân biệt nổi thế nào là giấc mơ đúng nghĩa, hiện thực phải chăng và ảo giác hợp lý.

Đầu óc Huân bắt đầu phình ngang và đặc queo như nhựa tổng hợp. Sợ hãi nhét chiếc nhẫn kim cương lại hộp. Trong ngày Nguyên đưa tôi về sửa lại căn bếp của mẹ tôi.

Truyện ngắn của
Nguyễn Thị Vân Anh

Người ta chia ổ cho máy tính. Người ta có thể chia ra các ổ trong bộ não được không? Với Nguyễn Thị Vân Anh thì dường như là có: Ổ A: Ảo giác. Ổ G: Giấc mơ. Ổ H: Hiện thực.

Trong truyện ngắn dường như có hai cuộc đời của hai nhân vật, mâu thuẫn nhau, nhưng đó chỉ là một – cái – tôi. Cái tôi vật lộn với đời sống của một người trẻ mới lập nghiệp bon chen trong thành phố. Cái tôi mơ mộng tới những miền hư ảo mà đẹp. Cái tôi với mối tình chán nản, quy hàng. Cái tôi vượt thoát, làm điều mình thực sự muốn.

Một điểm sáng: Tình tiết căn bệnh hẹp cổ họng, không thể nói lây lan trong công sở - thực sự ám ảnh.

Nguyễn Thị Vân Anh, sinh năm 1989, tại Bắc Ninh. Cô đang theo học khóa 11 Khoa Viết văn – Báo chí ĐH Văn hóa HN.

 
Theo Báo giấy