Syria: Ông Assad có tránh được số phận Gadhafi, Saddam Hussein?
TPO-Mỹ vẫn quyết tấn công quân sự Syria. Tổng thống Bashar Asad cần rút ra cho mình những bài học từ các cuộc chiến tranh ở Nam Tư, Iraq và Lybia.
Việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Syria là vấn đề đã được quyết định trên thực tế. Nội dung của bản nghị quyết cho phép tấn công quân sự đã được Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ nhất trí. Chủ tịch Hạ viện John Beiner đã ủng hộ việc sử dụng lực lượng vũ trang tiến công Syria và cam kết sẽ thuyết phục được các nghị sỹ đồng nhiệm của mình.
Ông Assad vẫn tỏ ra hết sức kiên cường trước áp lực khủng khiếp. |
Hiện nay, những lực lượng chủ yếu của hải quân Mỹ gồm các tàu sân bay, tàu ngầm và khu trục hạm mang tên lửa hành trình đã tập kết ở Địa Trung Hải và Hồng Hải. Tình hình xung quanh Syria giống hệt kịch bản chuẩn bị tiến công Nam Tư, Iraq, Lybia trước đây. Vấn đề chính là liệu nhà lãnh đạo Syria Bashar Asad có rút ra được cho mình những bài học từ lịch sử và ông có những khả năng gì để đáp trả?
Chiến tranh thế giới thứ ba có bùng nổ?
Nội dung bản nghị quyết của Quốc hội Mỹ cho thấy mục tiêu chủ yếu của các đòn tiến công quân sự vào Syria là “kiềm chế việc chính phủ Syria có thể sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt trong tương lai”. Để thực hiện nhiệm vụ này dự kiến sẽ sử dụng không quân trong vòng 90 ngày, không can dự vào cuộc đối đầu trên bộ. Trước đó Mỹ đã thông qua quyết định tiếp tục cung cấp vũ khí để hỗ trợ cho các chiến binh. Phần lớn các nhóm khủng bố khác nhau tại Syria đều liên quan tới Al Qaeda.
Trong những năm gần đây quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch tương tự. Lần nào cũng dựa vào ưu thế trên không và vũ khí công nghệ cao, đồng thời Mỹ cố gắng tối đa tránh những cuộc đụng độ trực tiếp trên bộ. Tướng Nga Vladimir Slipchenko đã gọi việc áp dụng chiến thuật như vậy là “chiến tranh thế hệ thứ sáu”. Chúng chủ yếu dựa trên việc tiến hành chiến dịch thông tin quy mô lớn và sử dụng vũ khí chính xác cao có bán kính sát thương lớn. Các mục tiêu được lựa chọn không chỉ là những công trình quân sự, mà cả cơ sở hạ tầng và những địa điểm tập trung đông người. Triệt hạ nền kinh tế quốc dân và gây tổn thất lớn cho dân thường sẽ buộc ban lãnh đạo quân sự và chính trị của đất nước phải đầu hàng.
Tên lửa hành trình Tomahawk luôn đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao của Mỹ. Ảnh: Phóng Tomahawk từ tàu ngầm Mỹ. |
Chiến thuật kiểu này đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” ở Iraq năm 1991. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong các cuộc oanh kích Nam Tư năm 1999. Khi đó quân đội được cho là rất mạnh của người Serbia đã chờ đợi một cuộc can thiệp trên bộ. Sau khi hạ tầng bị phá hủy gần như hoàn toàn, ông Slobodan Miloshevic đã buộc phải chấp nhận đàm phán và để cho lực lượng vũ trang quốc tế vào Kosovo.
Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, binh lĩnh Mỹ thậm chí đã không phải tham gia vào các cuộc chiến đấu thực sự với quân đội Saddam Husein. Tỏ ra hiệu quả nhất ở đây không phải lực lượng không quân mà là những công nghệ tác động thông tin và mua chuộc chính trị. Theo thú nhận của chính người Mỹ sau đó, họ đã chi 600 triệu USD để đút lót các tướng lĩnh Iraq. Các chuyên gia phân tích ở Mỹ đã đúng khi cho rằng, nhân dân Iraq đã quá chán ngán Husein và quyền lực của ông được duy trì chỉ vì người ta khiếp sợ.
Trong chiến tranh Lybia, việc áp đặt vùng cấm bay trong chiến dịch lật đổ Gadhafi và sự chi viện của không quân cho các chiến binh vào thời điểm họ đã kiểm soát được một phần lãnh thổ Lybia đã tỏ ra hiệu quả.
Nhưng cả ở Nam Tư, Iraq và Lybia, những người lãnh đạo nhà nước hợp pháp đều sẵn sàng chấp nhận bất kỳ cuộc chiến đấu nào. Về mặt kỹ thuật họ không thể đương đầu nổi với cỗ máy chiến tranh của phương Tây, về mặt tinh thần họ cũng không đủ khả năng thực hiện những bước đi phi đối xứng. Chính nhà lãnh đạo Gadhafi trước khi thất bại không lâu đã bắt được lính quân báo của các nước NATO. Gadhafi trả tự do cho họ với lời khuyên đừng hoạt động gián điệp trong tương lai, mặc dù có thể xử bắn họ theo luật thời chiến.
Tình hình xung quanh Syria thì lại khác, việc can thiệp quân sự không được Liên hợp quốc chuẩn y, thậm chí không có sự ủng hộ thống nhất từ phía NATO. Hơn nữa, Iran đã cam kết sẽ ủng hộ chế độ của tổng thống Assad. Trong khi đó, một số chuyên gia nghiên cứu phán đoán Iran thậm chí có cả vũ khí hạt nhân. Nhưng liệu chính phủ Syria có khả năng đánh trả cuộc chiến tranh xâm lược? Liệu nước này có đủ tiềm lực quân sự và lòng dũng cảm để làm được điều đó?
Sự phát triển của tình hình phụ thuộc vào chính bản thân ông Assad, liệu ông có làm được điều gì đó khác biệt? Trưởng phòng phân tích Viện nghiên cứu quân sự-chính trị Aleksandr Khramchikhin nói: “Chúng tôi nhớ cả Gadhafi, Miloshevic đã kiên nhẫn quan sát NATO chuẩn bị đánh như thế nào, và sau đó họ chống trả kẻ địch ra sao. Saddam Hussein vào năm 1991 cũng hành xử như vậy. Ông có thể tiến công đồng minh kẻ thù, biết đâu tình hình có thể đã khác. Nhưng ông khoanh tay chờ đợi, cho tới khi người ta dội bom vào đầu mình”.
Mỹ dự kiến sẽ tung máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit vào trận nếu tấn công quấn sự chống Syria. |
Theo chuyên gia Khramchikhin, Mỹ mới chỉ có những lời tuyên bố chứ chưa hề có liên minh nào được thành lập. Nhưng hải quân Mỹ đã tập kết tại Địa Trung Hải và Hồng Hải. Lực lượng này chỉ đủ để thực hiện đòn tiến công tượng trưng chứ không thể đánh quỵ Syria nếu không dựa vào các cuộc tấn công quy mô trên bộ. Tuy nhiên khi nào Mỹ thành lập cụm quân lực chiến đấu, tất cả phụ thuộc vào ông Assad. Có thể ông sẽ quan sát xem kẻ thù triệt hạ mình như thế nào để có kế hoạch giáng trả. Assad thậm chí có thể đáp trả bằng cách tiến công vào Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là Iran có giúp đỡ ông hay không.
Không rõ cuộc tiến công đường không sẽ thế nào. Có thể Mỹ sẽ phóng vài chục đến vài trăm tên lửa hành trình. Chúng chỉ có thể gây cho Assad thiệt hại rất hạn chế chứ không thể đánh quỵ được ông. Và ở đây tất cả phụ thuộc vào chiến lược đáp trả cũng như sự khôn ngoan của ông Assad.
Khramchikhin nói: “Về mặt phòng không thì việc bắn hạ tên lửa không quá khó. Nhưng việc phát hiện tên lửa tương đối khó. Tôi chưa thật sự tin rằng, người Syria có thể làm được việc này, nếu như họ không nhận được thông tin cảnh báo của chúng ta về việc tên lửa đã được phóng. Nếu Mỹ sử dụng không quân, bằng những hệ thống phòng không hiện có Syria có thể bắn rơi một số máy bay. Nhưng đây là phòng không thụ động, sẽ không thể đạt được hiệu quả đáng kể”.
Theo Khramchikhin, chiến tranh thế giới sẽ không nổ ra. Đòn tiến công vào Israel sẽ thất bại về mặt quân sự nhưng rất thành công về mặt chính trị. Khi đó tất cả các đồng minh Hồi giáo của phe đối lập là Arabia Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành đồng minh chính trị. Tiến công vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh lớn. Nếu Syria và Iran phối hợp cùng tiến công thì NATO sẽ lâm vào tình trạng rối loạn. Bởi vì các nước NATO khác chưa sẵn sàng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ.
Khả năng kháng cự của ông Assad ra sao?
Thật khó nói hiện nay tinh thần tổng thống Syria thế nào. Nhưng hiện tại ông tỏ ra rất kiên cường. Chuyên gia nghiên cứu quân sự Igor Khokhlov nhận định dù ông Assad tràn đầy quyết tâm, Syria cũng sẽ không thể chiến thắng khi bị xâm lược.
Syria hiện nay có những vũ khí không tồi do Nga cung cấp. Có những phương tiện chống tăng hiện đại, hiệu quả để chiến đấu với phe đối lập trong thời gian bị Mỹ tiến công. Nhưng tương quan lực lượng giữa Syria và những kẻ thù rất chênh lệch. Mỹ đã tập trung 2 cụm không quân xung kích. Mỗi tàu sân bay có khả năng mang theo một lực lượng lớn hơn toàn bộ lực lượng không quân của Syria. Vì vậy những gì Syria có thể làm được tối đa là gây cho quân xâm lược tổn thất khoảng vài chục máy bay.
Tên lửa S-125 Pechora của Syria sẵn sàng nghênh chiến. |
Phản gián Syria kém tới mức độ gần đây đã để xảy ra vụ tàu ngầm Israel bắn phá hải cảng Syria, nơi cất giữ tên lửa chống hạm do Nga sản xuất. Iran đã cam kết sẽ can thiệp và Assad có thể tiến công Israel. Nhưng Iran thực chất chỉ quan tâm tới việc duy trì sự căng thẳng trong khu vực. Vì cuộc xung đột càng kéo dài bao nhiêu thì Tehran càng có nhiều thời gian bấy nhiêu cho chương trình hạt nhân của mình. Nói về khả năng tiến công vào Israel, tnước này vừa thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, trong khi Assad chỉ có một lượng tên lửa chiến thuật không lớn.
Nhưng không nên nghĩ rằng những hành động như thế sẽ làm thay đổi được tình hình. Saddam Husein năm 1991 đã bắn phá Israel bằng tên lửa nhằm qua đó đe dọa cộng đồng quốc tế. Nhưng ông ta không đạt được điều gì. Assad có thể thực hiện những cuộc tiến công khiêu khích, nhưng ông không có đủ lực lượng để thay đổi cục diện tình hình.
Theo quan điểm của Khokhlov, phải tính tới vấn đề trong thành phần sỹ quan của quân đội Syria có không ít điệp viên cơ quan tình báo MOSSAD. Bởi thực tế cho thấy bất kỳ hành động nào của Assad cũng không gây ngạc nhiên đối với Israel.
Đó là một kế hoạch ít khả thi. Ông Assad cũng không có đủ tiền bạc và phương tiện cần thiết để tiến hành cuộc chiển tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sư khoa Phương Đông học của MGIMO Sergei Druzhilovsky cho rằng bản thân những cuộc oanh kích của Mỹ sẽ không mang lại kết quả gì, và chế độ của ông Assad có mọi cơ hội đứng vững.
Không thể so sánh tình hình ở Syria với những gì đã xảy ra ở Nam Tư hoặc Iraq. Assad không được phép sai lầm hay mắc mưu khiêu khích. Nếu thần kinh ông không vững vàng, vội vã tìm đến sự trả đũa phi đối xứng bằng cách tiến công Israel hoặc Thổ Nhĩ Kỳ mọi việc sẽ nhanh chóng kết thúc vì đơn giản là Syria sẽ bị đánh cho tan tác. Dường như phương Tây đang trông đợi chính điều này.
Nga đã bàn giao hệ thống S-300 khét tiếng cho Syria hay chưa hiện vẫn là một ẩn số. |
Ông Assad cần phải giữ được bản lĩnh. Và nhà lãnh đạo Syria phải giấu kín các mục tiêu quân sự trong nước bởi kẻ thù rất mạnh. Đây dầu sao cũng sẽ giống như học trò lớp một đấu với võ sỹ Sumo, không thể đùa với sức mạnh quân sự của Mỹ. Cỗ máy chiến tranh của Mỹ có thể biến cả một đất nước thành sa mạc thậm chí không cần dùng tới bất kỳ một loại vũ khí hạt nhân nào.
Nhưng với ông Assad, mọi thứ chưa phải đã mất hết. Không ai ủng hộ Mỹ, trừ nước Pháp. Tất cả đều tuyên bố chỉ có thể can thiệp quân sự nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho phép. Nhưng sẽ không thể có sự ủy nhiệm đó vì Nga và Trung Quốc không bao giờ ủng hộ một cuộc xâm lược Syria.
Phương Tây quả quyết không gì có thể thay thế được các cuộc tiến công quân sự vào Syria. Nhưng ông Assad sẽ không đầu hàng sau những đòn đầu tiên, mà Quốc hội Mỹ lại chỉ ủng hộ chiến dịch không kích thời hạn 90 ngày. Vậy họ sẽ tiến công ai và những mục tiêu nào? Nhưng hiện nay mọi thứ đều ở thế da báo: Trong khu phố này là quân chính phủ, khu bên cạnh lại là các chiến binh ly khai. Không có mục tiêu ngon lành nào để oanh kích, ngoại trừ những căn cứ quân sự độc lập. Nhưng việc này cũng chẳng giải quyết được điều gì. Có khả năng chính phủ Syria sẽ giữ được bản lĩnh, đợi cho các cuộc oanh kích qua đi và sau đó sẽ bắt đầu lại mọi sự.
Syria cũng đã có trong tay hệ thống tên lửa chống hạm P-800 Yakhont hiện đại hàng đầu thế giới. |
Trước đây Gadhafi và Miloshevic cũng đã từng cố gắng giữ vững bản lĩnh nhưng rốt cuộc đã thất bại. Nhưng tình huống ở Syria lại khác hẳn. Hơn một nửa dân số đất nước ủng hộ ông Assad, người dân không muốn những kẻ cuồng tín và khủng bố lên nắm quyền. Miloshevic tới thời điểm chiến tranh đã là nhà lãnh đạo bị dân chúng thù hận. Gadhafi đã là một nhà cầm quyền suy đồi, già cỗi và cực kỳ bảo thủ. Rất nhiều người ở Lybia căm ghét Gadhafi, vì thế kết cục dành cho ông ta mới tàn bạo, bi thảm đến vậy.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Syria Bashar Asad chưa làm điều gì xấu xa. Ông mới được bầu lại làm tổng thống cách đây chưa lâu và cũng chưa gây ra những vụ tàn sát như Saddam Husein. Phe đối lập chỉ muốn thay thế hệ phái Alavit thiểu số của ông bằng một cộng đồng khác, nhưng đại bộ phận dân chúng Syria không muốn điều này. Ông Assad hy vọng ở sự ủng hộ của người dân. Với tương quan vũ khí trang bị của chính phủ và phe đối lập ngang nhau thì Assad sẽ thắng. Và những cuộc tiến công đường không của Mỹ sẽ chỉ làm cho phe đối lập mất thêm sự ủng hộ. Ý đồ nhanh chóng chiếm thủ đô và lật đổ ông Assad sẽ thất bại.
Thứ trưởng ngoại giao Syria Feisan Miklad đã tuyên bố sẵn sàng tiến công Israel, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, nếu các nước này quyết định tham gia hoặc hậu thuẫn những hành động quân sự của Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Syria có gần 500 tên lửa tầm ngắn có thể gắn đầu đạn chứa chất độc hóa học.
Đỗ Ngọc Inh (Theo Bình luận quân sự, Nga)