Ông Huỳnh Trí Chánh (thứ hai từ trái sang) trao tặng số tiền quyên góp của Tổng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản gửi tặng các chiến sỹ Trường Sa |
Vị đại diện đó là ông Huỳnh Trí Chánh - người hơn 40 năm qua luôn nỗ lực tổ chức các hoạt động hướng về quê hương.
Một ngày cuối đông 2008, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận lời đề nghị của Tổng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản là muốn tổ chức trao món quà gần 130 triệu đồng cho chiến sỹ đang làm việc tại đảo Trường Sa.Đó là ông Huỳnh Trí Chánh - một người 40 năm qua luôn nỗ lực tổ chức các hoạt động hướng về quê hương trên đất Nhật
Kết nối những trái tim yêu hòa bình
Những năm 1963 - 1964, phong trào sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam lên cao khiến chính quyền Sài Gòn cũ lo sợ. Chàng thanh niên Huỳnh Trí Chánh là một trong số những sinh viên đầy nhiệt huyết trong phong trào yêu nước. Năm 1963, Huỳnh Trí Chánh sang Nhật Bản du học và tiếp tục các phong trào sinh viên yêu nước tại Nhật Bản.
Huỳnh Trí Chánh đã đứng lên tập hợp sinh viên yêu nước và thành lập Hội Sinh viên Việt kiều yêu nước. Sau giờ học, Huỳnh Trí Chánh cũng như nhiều sinh viên Việt Nam đều phải lo kiếm tiền để trang trải cuộc sống ở xứ người và đóng góp cho các hoạt động của Hội.
Lúc đó, số người tham gia Hội khoảng 20 người, nhưng với tinh thần yêu nước sục sôi nên hiệu quả làm việc của họ có thể sánh bằng hàng ngàn người cộng lại.
Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng khi nhắc tới hoạt động của Hội, ông Chánh lại phấn chấn như cái thuở thanh niên: “Lúc đó, chúng tôi chẳng quản ngại khó khăn. Hoạt động của chúng tôi mạnh mẽ tới mức chính quyền Thiệu đề nghị Chính phủ Nhật trục xuất chúng tôi về nước…”.
Hồi đó, Hội Sinh viên Việt kiều đã xuất bản ba tờ báo. Một tờ với tên gọi Tin tức sứ mệnh được phát hành hàng tuần bằng tiếng Việt để đem đến cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản những tin tức thời sự trong nước, đặc biệt là tin thắng trận của quân giải phóng.
Một tờ là đặc san cũng với tên gọi Sứ mệnh. Tờ thứ ba là Phá xiềng được phát hành bằng tiếng Nhật Bản. Phá xiềng đã trở thành tiếng nói đi thẳng tới trái tim và lương tri của những người Nhật Bản yêu chuộng hòa bình. Qua Phá xiềng mà người dân Nhật Bản hiểu rõ hơn cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam.
Ông Chánh nhớ lại: “Thời điểm phong trào sinh viên Việt kiều yêu nước tại Nhật Bản lên cao cũng là lúc khó khăn. Những người thân ở trong nước bị bắt bớ nhằm làm giảm quyết tâm của những sinh viên Việt Nam yêu nước đang học tập tại Nhật. Thế nhưng, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn vì lòng yêu nước”.
Hơn 40 năm son sắt
Ông Huỳnh Trí Chánh là một trong số những sinh viên Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước quy tụ những người Nhật yêu chuộng hòa bình đứng lên bảo vệ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ông cũng là người sáng lập và hơn 40 năm qua gắn bó với Tổng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. |
Đánh giá về những hoạt động của Tổng Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng trong kháng chiến, Hội đã tìm được sự ủng hộ của người Nhật.
Lúc hòa bình, Hội đã giúp sức nhiều cho Đại sứ quán, tổ chức vận động Chính phủ Nhật nối lại viện trợ cho Việt Nam và tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện như ủng hộ đồng bào trong nước bị bão lụt hay những nạn nhân chất độc da cam. Trong hơn 40 năm qua, các hoạt động của hội vẫn được duy trì đều đặn nhờ vào sự đóng góp lớn của ông Huỳnh Trí Chánh.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay mặt Hội, ông Huỳnh Trí Chánh luôn cam kết củng cố và phát triển cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động vận động, quyên góp có ý nghĩa để giúp đỡ đồng bào gặp nhiều khó khăn ở trong nước.
Đã từ lâu, ông Huỳnh Trí Chánh mong ước được có dịp về thăm các chiến sỹ đang làm việc tại đảo Trường Sa. Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe, ý định đó của ông đã không thực hiện được.
Mặc dù vậy, ông đã vận động bà con người Việt tại Nhật Bản quyên góp tiền ủng hộ các chiến sỹ Trường Sa. Số tiền tuy không nhiều nhưng đó là tấm lòng của những người con xa xứ dành tặng các chiến sỹ Trường Sa nhân dịp Tết Kỷ Sửu đang tới gần.