Một số hình ảnh sương muối phủ trắng khu vực đỉnh núi Phan Si Păng do khách du lịch lên đỉnh núi Phan Si Păng và công nhân công ty dịch vụ cáp treo Phan Si Păng chụp được sáng nay 26/11 cung cấp cho phóng viên:
Kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho PV biết thêm: Đêm hôm qua (25/11) và sáng nay (26/11) tại vùng núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai) nhiệt độ tăng từ 5 độ C lên 7 độ C nhưng khu vực núi Phan Si Păng cao 3.143 mét trên dãy núi Hoàng Liên (Sa Pa) nhiệt độ vẫn dưới 0 độ C nên đã xuất hiện sương muối phủ trắng trông lạ mắt và rất đẹp trong con mắt du khách.
“Xin nhấn mạnh đây là hiện tượng sương muối phủ trắng khu vực đỉnh núi Phan Si Păng sáng sớm ngày hôm nay chứ không phải băng tuyết như nhiều người lầm tưởng”, ông Lưu Mạnh Hải cho biết.
Tuy nhiên sương muối là hiện tượng thời tiết cực đoan khi rét đậm, rét hại gây ra đối với sức khỏe con người và cây trồng, vật nuôi. Do vậy khi sương muối xuất hiện mọi người cần mặc ấm để giữ gìn sức khỏe, đồng thời không thả trâu, bò, ngựa, dê lên rừng. Khi có sương muối, người trồng rau cần dùng nước tưới rửa sạch sương muối bám vào rau màu, nếu không ngày hôm sau cây sẽ bị táp khô lá...
Mấy ngày hôm nay trời rét đậm, rét hại kéo dài nên huyện Sa Pa và nhiều địa phương vùng cao khác của tỉnh Lào Cai đã cho học sinh mẫu giáo và tiểu học nghỉ học, di chuyển đàn đại gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét...
Theo giải thích của cán bộ khí tượng tỉnh Lào Cai, hai ngày trước mặc dù khu vực đỉnh núi Phan Si Păng lạnh dưới 0 độ C. Lẽ ra với nhiệt độ này, tại đỉnh núi Phan Si Păng sẽ hình thành băng tuyết (mưa đông kết hay băng giá), tuy nhiên do trời mưa với lượng khá lớn, hạt mưa rơi xuống không bám được vào cành cây, ngọn cỏ, đồ vật... nên băng tuyết không hình thành.
Trưa nay nhiệt độ ở vùng núi Sa Pa và tỉnh Lào Cai tăng cao dần, trời nắng nên trâu bò rất dễ bị cước chân ốm chết, do đó theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người chăn nuôi phải chú ý chăm sóc.